Chính phủ Thái Lan đã có những thành công nhất định trong việc bán gạo từ kho dự trữ, nhưng những thành công này vẫn còn là quá nhỏ khi ước tính có đến 15 triệu tấn gạo vẫn còn đang nằm trong các kho chứa của Chính phủ Thái Lan. Chính phủ Thái Lan cũng đang có những bước tiến trong việc thu hẹp quy mô chương trình trợ giá thu mua gạo của mình.
Trong tuần kết thúc vào ngày 7/11, giá gạo 5% tấm Thái Lan đạt 420 USD/tấn, giá gạo Thái Lan đã biến động trong phạm vi hẹp quanh mức giá này kể từ trung tuần tháng 9/2013. Mức giá gạo Thái Lan đã giảm 25% so với mức 570 USD/tấn vào cuối năm 2012, sự sụt giảm này đã thu hẹp đáng kể khoảng cách giá giữa gạo Thái Lan và gạo Việt Nam, đối thủ cạnh tranh với gạo Thái Lan.
Trong tuần trước, giá gạo 5% tấm Việt Nam đạt 402,50 USD/tấn, tính từ đầu năm đến nay, giá gạo Việt Nam chỉ giảm khoảng 3,6%. Hiện tại, mức chênh lệch giữa giá gạo Thái Lan với giá gạo Việt Nam chỉ khoảng 4,2%, giảm so với mức 25% vào đầu năm 2013. Đây cũng là mức chênh lệch giá thấp nhất giữa hai loại gạo kể từ tháng 10/2011 – thời điểm chương trình trợ giá thu mua lúa gạo của Thái Lan được đưa ra.
Mức chênh lệch giá giữa gạo Thái Lan và Việt Nam cũng cho thấy giá gạo Thái Lan có thể tiếp tục giảm thêm nữa để ngang bằng giá với gạo Việt Nam khi Chính phủ Thái Lan quyết định bán gạo ra, thậm chí phải chấp nhận lỗ.
Câu hỏi hiện tại là liệu giá gạo có thể được giữ ổn định quanh mốc giá hiện tại hay sẽ tiếp tục giảm thêm nữa?
Câu trả lời tùy thuộc vào hành động của Chính phủ Thái Lan. Nếu Chính phủ Thái Lan vẫn giữ tốc độ bán gạo ra như hiện tại và không xả bán gạo ồ ạt thì có thể giá gạo đã chạm đáy. Do các nhà xuất khẩu gạo tại Việt Nam và các nước xuất khẩu gạo lớn khác như Ấn Độ có khả năng sẽ rút nguồn cung gạo nếu giá giảm sâu hơn nữa, theo nhận định của ông Clyde Rusell.
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 đã đẩy giá gạo Việt Nam giảm xuống chỉ còn mức 345 USD/tấn vào tháng 7/2011 và ông Clyde Rusell cho rằng Thái Lan có khả năng bán phá để đẩy giá gạo xuống mức này.
Tình hình cũng cho thấy Chính phủ Thái Lan vẫn đang phải vật lộn với kế hoạch giảm thấp lượng gạo dự trữ thông qua các hợp đồng liên Chính phủ.
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đã đồng y mua 1 triệu tấn gạo từ Thái Lan trong vòng 5 năm và từ các công ty tư nhân. Điều này trái ngược với tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Niwatthamrong Bunsongphaisan rằng một công ty thuộc Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý mua 1 triệu tấn gạo Thái Lan/năm và một nửa số gạo được giao trong năm đầu tiên sẽ được vận chuyển trong tháng 12 tới đây.
Người tiền nhiệm của ông Niwatthamrong Bunsongphaisan cũng đã nhận được những lời chỉ trích cho việc tuyên bố Thái Lan bán được 7,3 triệu tấn gạo qua các hợp đồng liên chính phủ vào hồi tháng 9/2012, nhưng không đưa ra được các xác nhận và các thương nhân cho biết không có lô hàng nào được xuất cảng.
Trong 9 tháng đầu năm 2013, Thái Lan đã xuất khẩu được khoảng 4,6 triệu tấn gạo, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng gạo Thái Lan xuất khẩu được trong năm 2012 chỉ đạt 6,9 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 10,6 triệu tấn trong năm 2011. Do giá gạo Thái Lan tăng cao dưới tác động của chương trình trợ giá thu mua lúa gạo của Chính phủ Thái Lan.
Theo chương trình này, Chính phủ Thái Lan đã trả cho nông dân 1500 baht (476 USD)/tấn thóc, tương đương 750 USD/tấn gạo. Điều này đồng nghĩa với việc giá gạo Thái Lan mất khả năng cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới, các nước nhập khẩu gạo đã chuyển sang mua gạo từ Việt Nam và Ấn Độ. Ấn Độ và Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để lần lượt trở thành nước xuất khẩu gạo số 1 và số 2 thế giới.
Chính phủ Thái Lan đã tiếp tục kéo dài chương trình trợ giá thu mua gạo sang niên vụ 2013/14, một phần mùa vụ của niên vụ này sẽ được thu hoạch trong tháng 11/2013. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ chỉ mua vào 16,5 triệu tấn thóc trên tổng sản lượng từ 38 đến 39 triệu tấn. Điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều gạo Thái Lan hơn nữa trên thị trường mở trong đầu năm tới do nông dân Thái Lan không có khả năng bán gạo cho Chính phủ Thái Lan.
Giá
gạo sẽ không có khả năng tăng lên nhưng mức độ giảm của giá gạo sẽ tùy thuộc
vào mức cung gạo ra thị trường và liệu Ấn Độ, Việt Nam có chấp nhận hạ giá gạo
xuống thấp hơn nhằm bảo vệ thị phần hay không?