Thông báo nêu rõ, Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh, là trung tâm Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có tiềm năng rất lớn trong các địa phương vùng Tây Nguyên, có diện tích rộng và dân số đông, có truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần đoàn kết, thống nhất, yêu nước, được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là 3 trụ cột chính, là nguồn lực bên trong để Gia Lai phát triển nhanh và bền vững; đồng thời cần thu hút các nguồn lực bên ngoài để tạo sự phát triển đột phá cho Tỉnh.
Đột phá tư duy và tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch COVID-19, nhưng Tỉnh đã thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa duy trì, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng tốt, thu ngân sách cao, văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển. Tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2021 tăng 9,71%; Quý I/2022 đạt 7,08%, mức cao so với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có tính cạnh tranh gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh có 91 xã, 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt cao. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh được Tỉnh quan tâm. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và giá trị di sản văn hóa đặc thù được chú trọng. Đã làm tốt công tác xây dựng đảng, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Gia Lai còn nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù Gia Lai có tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng cơ chế, chính sách để triển khai, thực hiện còn hạn hẹp; phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông còn bất cập; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng quy hoạch tỉnh còn chậm...
Để khắc phục những khó khăn trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Gia Lai cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả; thực hiện công việc có trọng tâm, trọng điểm, không cầu toàn cũng không nóng vội; sáng suốt chọn những việc có tác động lan tỏa, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó; vấn đề càng khó, càng phức tạp thì càng phải phát huy dân chủ và huy động trí tuệ tập thể.
Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; vươn lên mạnh mẽ bằng nội lực, từ truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Tây Nguyên; không trông chờ, ỷ lại, phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; phấn đấu đạt kết quả cao nhất và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra.
Tiếp tục đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phát huy các kết quả đạt được, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả. Những vấn đề nào đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả thì tiếp tục thực hiện, những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn đề xuất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng phát huy tối đa các tiềm năng
Gia Lai cần xây dựng cơ quan hành chính trong sạch, hệ thống chính trị vững mạnh, đặc biệt là cải cách hành chính, thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phân bổ nguồn lực; nâng cao trình độ, năng lực quản lý, thực hành của đội ngũ cán bộ; có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp; thực hiện khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời trong thực thi công vụ; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; không hy sinh tiến bộ công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, làm động lực, làm mục tiêu cho sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng phải chủ động hội nhập sâu rộng.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Gia Lai tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, nâng cao ý thức của người dân và hoàn thành đúng tiến độ tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến 12 tuổi, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo ra cơ chế, chính sách để có động lực mới, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.
Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, nhất là quy hoạch Tỉnh và quy hoạch các lĩnh vực liên quan; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch Tỉnh với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, nhận diện và phát huy các tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục được những khó khăn, thách thức, hóa giải được những mâu thuẫn, tạo động lực mới cho Tỉnh.
Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến gắn với chuỗi cung ứng
Thủ tướng yêu cầu Gia Lai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, kiên quyết cắt giảm các dự án chưa cấp bách, chưa thật sự cần thiết, hiệu quả thấp để điều chuyển và tập trung vốn thực hiện các dự án trọng điểm, mang tính lan tỏa, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng. Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, làm công trình nào dứt điểm công trình đó, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không manh mún, dàn trải, chia cắt.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5; phát triển công nghiệp - xây dựng, chú trọng công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển, bảo vệ rừng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến sau thu hoạch, để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tăng cường phát triển thương mại điện tử, logistics...