Bên cạnh đó, việc các mỏ khai khoáng trên toàn cầu gia tăng hoạt động khai thác cũng khiến nguồn cung quặng sắt tăng lên, tạo áp lực giảm lên giá quặng sắt.
Sản lượng thép tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và sử dụng thép lớn nhất thế giới, đã giảm nhẹ trong những ngày đầu tháng 10 và giá thép đã giảm xuống do Trung Quốc đang dần bước vào mùa đông. Thông thường, nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc sẽ giảm xuống trong mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp cản trở các hoạt động xây dựng.
Theo Reuters, các số liệu của ngành thép tại Trung Quốc cho thấy, trong 10 ngày đầu tháng 10/2013 sản lượng thép thô của Trung Quốc đã giảm xuống trung bình còn 2,128 triệu tấn/ngày từ mức 2,152 triệu tấn/ngày trong 10 ngày cuối cùng của tháng 9/2013.
Trong ngày 22/10, giá quặng hàm lượng 62% sắt giao tháng 5/2014 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE, Trung Quốc) vào lúc đóng cửa đã giảm 19 NDT xuống còn 948 NDT/tấn, mức giá thấp nhất kể từ khi quặng sắt được đưa vào giao dịch trên sàn DCE vào ngày 18/10/2013.
Hãng Reuters dẫn lời một thương nhân quặng sắt tại Hong Kong cho biết: “Khi tôi nói chuyện với các nhà máy sản xuất thép, họ đã nói với tôi rằng họ có nguồn cung quặng sắt rất đầy đủ thông qua các hợp đồng dài hạn. Do đó giá quặng sắt có thể sẽ giảm hơn nữa”.
Trong ngày đầu được đưa vào giao dịch, khối lượng quặng sắt giao tương lai trên sàn DCE đã tăng lên nhanh chóng và các thương nhân quặng sắt cho rằng sàn DCE sẽ cung cấp một mức giá quặng sắt tham chiếu đối với các nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đến ngày 22/10, khối lượng giao dịch đối với hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2014 chỉ đạt 4,6 triệu tấn, bằng 1/3 lượng quặng sắt được giao dịch vào ngày đầu tiên (18/10/2013).
Theo các thương nhân quặng sắt, nếu loại bỏ thuế giá trị gia tăng (17%), phí cảng biển và các chi phí khác thì giá quặng sắt trên sàn DCE hiện khoảng 127 USD/tấn. Theo số liệu của The Steel Index, giá quặng sắt hàm lượng 62% sắt được vận chuyển qua đường biển giao tại cảng Thiên Tân trong ngày 21/10/2013 đạt 134,40 USD/tấn.
Nguồn cung gia tăng
Lượng quặng sắt trên toàn cầu hiện đang gia tăng và khiến thị trường dần chuyển sang trạng thái dư thừa khi mà các nhà khai khoáng lớn nhất thế giới như BHP Billiton, Rio Tinto hay Vale SA đều mở rộng hoạt động khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc.
Vừa qua, hãng BHP Billiton, hãng khai thác quặng sắt lớn thứ 3 thế giới, đã nâng mức dự báo sản lượng khai thác quặng sắt của hãng trong năm tài chính 2014 từ 207 triệu tấn lên mức 212 triệu tấn. Sản lượng khai thác quặng sắt của tập đoàn Rio Tinto đã tăng 11% lên mức cao kỷ lục trong 3 quý vừa qua.
Vale SA, hãng khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới, đã cho biết nguồn cung quặng sắt hiện được dự báo sẽ tăng cao hơn nhu cầu tiêu thụ, qua đó giảm khả năng giá quặng sắt sẽ tăng lên trong tương lai.
Theo Báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa mới nhất của Ngân hàng Thế giới, giá quặng sắt dự kiến sẽ đạt trung bình 134 USD/tấn trong năm 2013 và tăng nhẹ lên mức 135 USD/tấn trong năm 2014. Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, triển vọng đối với thị trường quặng sắt phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu từ phía Trung Quốc. Nếu nguồn cung quặng sắt tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu sử dụng tăng thấp hơn dự báo, giá quặng sắt có thể hạ xuống thấp hơn đáng kể so với mức giá dự báo hiện tại.
Vào ngày 17/10, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung quốc, ông Shen Danyang đã cho biết, dự kiến Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều quặng sắt hơn trong những tháng tới. Nguyên nhân, hoạt động sản xuất thép tại Trung Quốc đã gia tăng mạnh. Trong tháng 9/2013, lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu đã tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận với 74,58 triệu tấn.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích lại đưa ra dự báo trái ngược, dự kiến lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc sẽ giảm xuống trong những tháng tới khi mùa đông đến. Một thương nhân quặng sắt tại Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết: “Thị trường thép tại Trung Quốc đang chững lại và chúng tôi dự báo tình trạng này sẽ kéo dài cho đến hết mùa đông”.