Viện Dầu khí Việt Nam một năm đổi mới

Thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ, với mong muốn hoạt động khoa học công nghệ phát triển, thực sự trở thành lực lượng chủ đạo, không thể thiếu đối với sự phát triển của ngành Dầu khí Vi

 

 

Thành công bước đầu

Sau gần một năm chuyển đổi, Viện đã từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định hỗ trợ vốn hoạt động trong hai năm đầu với số tiền là 40 tỷ đồng. Với số vốn này, Viện có điều kiện chủ động tài chính trong việc phân cấp, quyết định đầu tư, để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của Ngành. Các đề tài nghiên cứu khoa học và các dịch vụ khoa học công nghệ (KHCN) tăng cả về số lượng và chất lượng, được các đối tác và các nhà thầu dầu khí nước ngoài đánh giá cao, nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Doanh thu dịch vụ KHCN, trước chuyển đổi, khoảng 50 tỷ đồng/năm, sau khi chuyển đổi, năm đầu tiên đạt 70 tỷ đồng. Năm 2009, Viện Dầu khí phấn đấu đạt 80 tỷ đồng doanh thu về dịch vụ khoa học kỹ thuật.

Trong công tác phát triển nguồn nhân lực, Viện đã từng bước sắp xếp lại tổ chức lao động, áp dụng cơ chế trả lương mới. Theo đó, người lao động được trả lương không hạn chế mức tối đa, dựa trên năng lực làm việc của từng cá nhân. Thu nhập của CBCNV được cải thiện rõ rệt, người thực sự có năng lực được hưởng mức thu nhập xứng đáng với chất xám bỏ ra, Viện Dầu khí đã từng bước thu hút được đội ngũ những chuyên gia giỏi vào làm việc.

Tuy nhiên, do bước đầu chuyển đổi, độ phân dị chưa  rõ ràng, nên việc phát triển lực lượng cán bộ KHKT vẫn còn nhiều hạn chế. Vì đang trong giai đoạn mới chuyển đổi nên công tác đào tạo còn manh mún, chưa xây dựng được kế hoạch lâu dài và xác định trọng điểm để tập trung phát triển. Đây là vấn đề thách thức lớn đối với Viện trong thời gian tới.

Những khó khăn chung

Bên cạnh những thành công bước đầu, Viện Dầu khí cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành chuyển đổi bộ máy theo cơ chế mới của Nghị định 115.

Các văn bản triển khai nội dung tại Nghị định và Thông tư 12/2006/BKHCN -BNV-BTC chưa được ban hành đồng bộ và hướng dẫn cụ thể nên cơ chế trả lương đối với các tổ chức KHCN, đặc biệt là đối với chi lương cho chuyên gia nước ngoài, không có căn cứ để xét duyệt. Cách xác định tài sản nghiên cứu khoa học và tài sản tham gia sản xuất kinh doanh cũng khó xác định để lập phương án khấu hao tài sản. Các tổ chức KHCN khi sắp xếp đổi mới lại bộ máy hoạt động, nguồn lao động bị dôi dư cũng chưa có phương án xử lý. Một số nội dung của Nghị định và Thông tư chưa thực sự phù hợp với thực tế, chưa có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích nghiên cứu, điều tra cơ bản, dẫn đến việc các tổ chức KHCN buộc phải chạy theo doanh thu nhằm đảm bảo thu nhập cho người lao động. Cách xử lý phần tiết kiệm chi phí không thật sự khuyến khích người lao động thực hành tiết kiệm (vì số tiền tiết kiệm vẫn phải nộp thuế TNDN và trích quỹ Phát triển sự nghiệp). Quy chế chi tiêu nội bộ phải được thông qua biểu quyết với tối thiểu 2/3 số CBCNV là không thực tế, có thể dẫn tới trở ngại trong việc triển  khai Nghị định.

Do cơ chế làm việc thời bao cấp đã ngự trị trong nhiều năm, nên một số CBCNV vẫn nặng tư tưởng ỷ lại, ngại khó, trông chờ vào sự cấp phát của Tập đoàn, dẫn đến những hạn chế nhất định, giảm khả năng sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ cũng như nâng cao chất lượng NCKH. Đội ngũ cán bộ khoa học, sau nhiều năm hoạt động theo cơ chế cũ đã bị giảm sút do chảy máu chất xám, một số cán bộ trẻ có nhiệt huyết nhưng hạn chế về kinh nghiệm, bản lĩnh khoa học, tỷ lệ CBCNV không phù hợp công tác NCKH còn cao. Những thực tế này đang tồn tại, nhưng Viện vẫn chưa có phương hướng xử lý khắc phục. Tư duy về quản lý kinh tế trong đội ngũ lãnh đạo các cấp của Viện còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cơ chế mới tự trang trải, tự chịu trách nhiệm, nên đã chi phối cho việc tạo nguồn để trang trải kinh phí, đặc biệt là lương cho CBCNV, vì thế chưa tập trung trọng điểm cho công tác nghiên cứu cơ bản.

Mặc dù Viện Dầu khí đã được Tập đoàn tích cực đầu tư trang thiết bị cho công tác NCKH, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, nên số trang thiết bị này vừa thiếu đồng bộ, vừa bị trùng lặp, nên chưa phát huy được năng lực dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Cơ chế trả lương chưa hợp lý nên khó thu hút các nhà khoa học quốc tế tham gia hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu.

Bài học kinh nghiệm

Bài học đầu tiên và quan trọng nhất cần phải rút ra trong quá trình chuyển đổi, đó là công tác tư tưởng. Công tác tư tưởng phải được xuyên suốt từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động KHCN và cá nhân CBCNV. Tư tưởng thực sự thông suốt, thì các cấp quản lý mới tạo điều kiện cho tổ chức KHCN chuyển đổi thành công. Việc chuyển đổi của Viện Dầu khí, có sự đóng góp to lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đặc biệt là Ban lãnh đạo Tập đoàn.

Bên cạnh đó, phải tuân thủ triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác điều hành và quản lý, công khai minh bạch mọi chủ trương, chính sách đối với người lao động, tăng cường đoàn kết, nhất trí cao trong tập thể lãnh đạo Viện. Mục tiêu chương trình hành động cần phải rõ ràng và được trao đổi thẳng thắn, có tính xây dựng và luôn kiên định với mục tiêu đã đề ra. Đối với một tổ chức KHCN, vấn đề quan trọng là cần phải đánh giá đúng vai trò và vị trí của đội ngũ làm công tác NCKH. Sự đánh giá đó phải được đo bằng số đề tài nhiệm vụ quan trọng mang tầm chiến lược và hiệu quả ứng dụng, góp phần phát triển đất nước nói chung và Tập đoàn nói riêng. Chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ và môi trường hoạt động lành mạnh, khoa học cũng là nhân tố thúc đẩy thành công việc chuyển đổi.

Mặt khác, nếu không có sự đồng thuận của CBCNV, thì mọi chủ trương dù đúng đắn đến đâu, cũng khó có thể thực hiện được. Viện Dầu khí bước đầu đạt được một số kết quả nhất định trong cơ chế hoạt động mới là nhờ sự ủng hộ và nỗ lực không nhỏ của đội ngũ CBCNV.

Đề xuất, kiến nghị

Để các tổ chức KHCN thực sự chuyển đổi theo cơ chế mới, nhằm tạo điều kiện phát triển KHCN, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, Viện Dầu khí có một số kiến nghị: Các cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét lại giá trị của các sản phẩm KHCN. Sản phẩm cần phải đánh giá đúng giá trị theo cơ chế thị trường. Cần có những cơ chế cụ thể hơn, quy định mức thưởng hoặc đăng ký bản quyền các phát minh sáng chế cho các nhà khoa học. Vấn đề xử lý lao động dôi dư, nên cho phép được áp dụng cơ chế tương tự như đối với doanh nghiệp nhà nước. Cơ chế chính sách tiền lương phải thực sự công bằng, thoả đáng để thu hút cán bộ nghiên cứu cơ bản. Nhà nước nên cho phép tổ chức KHCN được thành lập doanh nghiệp KHCN theo Nghị định 80/2007/NĐ-CP với hình thức công ty TNHH 1TV.

  • Tags: