Mục tiêu của tọa đàm nhằm hướng tới việc giải quyết những thách thức đối với sự phát triển của các công trình cân bằng năng lượng (CTCBNL) ở Việt Nam trên hai khía cạnh là năng lượng mặt trời mái nhà và hiệu quả năng lượng.
Diễn giả tại tọa đàm là đại diện của tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ, Đại học Quốc gia Singapore, công ty AEON Delight Việt Nam, công ty SolarBK, công ty Transsolar KlimaEngineering và công ty TONA Syntegra Solar. Tọa đàm cũng chào đón hơn 150 khán giả tham gia, là các chủ sở hữu của các tòa nhà thương mại, các đơn vị phát triển dự án, kỹ sư năng lượng, kiến trúc sư và các bên liên quan.
Phát biểu khai mạc, ông Nathan Moore – Giám đốc Dự án CIRTS của GIZ – nói: “Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển điện mặt trời mái nhà, trong khi đó, việc sử dụng điện mặt trời trong ngành công nghiệp và thương mại lại đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế do sự linh hoạt về thời gian lắp đặt và vốn đầu tư. Với dự án chuyên sâu về điện mặt trời mái nhà, GIZ hướng tới cải thiện các điều kiện cho sự phát triển lâu dài và ổn định của thị trường này tại Việt Nam. Qua đó, dự án sẽ góp phần hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam để đạt được các mục tiêu về năng lượng và môi trường.”
Trong buổi tọa đàm, các diễn giả đã trình bày về các cơ hội và thách thức của các CTCBNL tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Một số biện pháp đã được cân nhắc, chẳng hạn như tối ưu hóa điện năng tiêu thụ của công trình thông qua thiết kế thụ động và ứng dụng năng lượng mặt trời mái nhà trong các tòa nhà thương mại.
Liên quan đến các yếu tố chính của một CTCBNL, Tiến sĩ Christoph Luerssen - Cố vấn kỹ thuật của GIZ – cho biết: “Các CTCBNL thương mại được cộng hưởng bởi các biện pháp tối ưu hiệu quả năng lượng và ứng dụng năng lượng tái tạo. Cụ thể, điện mặt trời mái nhà được coi là giải pháp vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng mà vẫn đảm bảo hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà thương mại thấp hoặc trung tầng.”
Bên cạnh đó, một số dự án tiêu biểu ở Singapore và tổng quan về ứng dụng công nghệ số cho các CTCBNL đã được trình bày như một khuyến nghị cho Việt Nam để giải quyết những thách thức chính hiện nay.
Tiến sĩ Wolfgang Kessling – Giám đốc Transsolar KlimaEngineering – chia sẻ: “Công trình hiệu năng cao là một chiến lược quan trọng để đảm bảo việc sử dụng điện mặt trời mái nhà đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của công trình. Ví dụ, công trình SDE4 (Singapore) là một CTCBNL kết hợp thiết kế kiến trúc nhiệt đới để tạo ra một môi trường sống tiện nghi cao và đồng thời tiết kiệm năng lượng một cách đáng kể. Bằng cách sử dụng 1.200 tấm quang điện lắp đặt trên mái nhà, công trình SDE4 đã thể hiện khả năng thiết kế “net-zero” để tối ưu hóa năng lượng tiêu thụ và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.”
Ngoài ra, Tiến sĩ Clayton Miller – Giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore – đã chia sẻ về một sáng kiến có tên “SDE4 Learning Trail”. Theo Tiến sĩ Clayton, SDE4 Learning Trail là một ứng dụng hiện đang được triển khai tại công trình SDE4 hướng tới việc tăng cường tương tác giữa công trình và con người thông qua việc thu thập dữ liệu một cách đơn giản và trực quan nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình và cải thiện sự tiện nghi của con người.
Nội dung của tọa đàm cũng chú trọng tới các yêu cầu kỹ thuật đối với quản lý chất lượng và an toàn của hệ thống điện mặt trời mái nhà. Theo ông Mathias G. Kothe – Sáng lập & Chủ tịch của TONA Syntegra Solar, chất lượng và an toàn là điều bắt buộc trong một hệ thống điện mặt trời bền vững với tuổi thọ được đảm bảo trên 20 năm và tuổi thọ kỹ thuật trên 30 năm. Do đó, đối với các tòa nhà sử dụng điện mặt trời mái nhà, một quy trình đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng chuyên dụng, theo quy trình và được thực hiện nghiêm túc, với các thủ tục chi tiết đi kèm là điều bắt buộc và là một khoản đầu tư xứng đáng.
CTCBNL đã và đang trở thành một giải pháp được quốc tế đón nhận bởi sự kết hợp hài hòa giữa thiết kế tối ưu nhu cầu sử dụng năng lượng, và hệ thống năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng. Việc tích hợp hai yếu tố này cũng góp phần đảm bảo tính hiệu quả về mặt chi phí của các dự án đầu tư cũng như giải quyết vấn đề lượng khí thải carbon trong lĩnh vực xây dựng nói chung và các công trình thương mại nói riêng ngày càng tăng cao. Các CTCBNL được kỳ vọng sẽ được phát triển ở Việt Nam. Việc tận dụng giá trị gia tăng các hàm lượng nội địa, đi kèm với các điều kiện về khung pháp lý được cải thiện, có thể giúp Việt Nam xây dựng và phát triển thị trường cho các CTCBNL.
Dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành Thương mại và Công nghiệp (CIRTS) có mục tiêu cải thiện các điều kiện tiền đề cho sự phát triển bền vững của thị trường này. Dự án tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, nâng cao năng lực và cải thiện cơ sở thông tin. Dự án do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp thực hiện cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương. Dự án được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ.