Giải pháp liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch nhằm thích ứng thời kỳ hậu Covid-19

ThS NGUYỄN THỊ THU  (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Covid-19 đã bộc lộ và thậm chí làm gia tăng thiếu hụt về số lượng và kỹ năng để đáp ứng chiến lược kinh doanh linh hoạt của doanh nghiệp sau đại dịch, đặc biệt là đối với doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch nói riêng. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và gia tăng nguồn cung nhân lực cho doanh nghiệp du lich đang là vấn đề cấp thiết và phức tạp. Vấn đề này đòi hỏi nỗ lực và sự hợp tác của doanh nghiệp, nhà trường, sự chỉ đạo định hướng của Chính phủ để đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch sau đại dịch trong tình hình hiện nay. Bài viết bàn về giải pháp liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch nhằm thích ứng thời kỳ hậu Covid-19.

Từ khóa: nguồn nhân lực ngành du lịch, nguồn nhân lực hậu Covid-19, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, liên kết đào tạo nhà trường và doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam đang trong thời kỳ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch sau 2 năm đại dịch cũng từng bước phù hợp với điều kiện "bình thường mới", bắt đầu từ ngày 15/3/2022 đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói”. Du lịch phục hồi, dần phát triển trở lại, trước những thay đổi về xu hướng, thị trường du lịch, công nghệ số phát triển mạnh mẽ cùng những yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Bên cạnh những thuận lợi, đội ngũ nhân lực ngành Du lịch cũng đứng trước những nhiều thách thức, yêu cầu mới. Nguồn cung nhân lực cần được bổ sung và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cũng như dịch vụ du lịch. Đây là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương, rộng hơn là ngành Du lịch của cả quốc gia.

2. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch thời kỳ hậu Covid-19

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, ngành “Công nghiệp không khói” này đã và đang chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Tác động của Covid-19 tới ngành Du lịch được dự báo rất lớn, vượt xa những đợt dịch bệnh mà Việt Nam trải qua trong vài thập kỷ gần đây. Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%. ngành Du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020. Theo thống kê, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngưng hoạt động, công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa. Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc và toàn diện, thay đổi toàn bộ chiến lược, kế hoạch và cấu trúc của ngành, trong đó có nguồn nhân lực du lịch. Các thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt bao gồm: Tổ chức hoạt động kinh doanh thời kỳ hậu Covid, thay đổi biến động về nhân sự,…

Đặc biệt, sau 2 năm dịch bệnh, hầu như ngành Du lịch đóng băng, nguồn nhân lực ngành Du lịch bị thiếu hụt đáng kể về số lượng và chất lượng. Phần lớn nguồn nhân lực vì cuộc sống đã chuyển đổi sang nghề khác. Từ khi mở cửa lại các hoạt động có những lao động tự nguyện quay lại, nhưng cũng nhiều lao động ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn nên không muốn quay lại ngành. Thêm vào đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực mới, nhân lực trẻ bổ sung cũng gặp khó khăn. Bởi lẽ quá trình đào tạo này cần có thời gian thực hiện và bồi đắp. Do đó, vấn đề thiếu hụt nhân lực du lịch là vấn đề cấp bách, cần được tính toán, bổ sung kịp thời về số lượng và chất lượng.

Hiện nay, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh khách sạn vẫn trong tình trạng “khát” nhân lực làm được việc thiếu chuyên nghiệp, tính kỷ luật lao động kém, thái độ phục vụ chưa chu đáo. Việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc của lao động Việt Nam còn rất hạn chế (lao động sử dụng được ngoại ngữ chỉ chiếm khoảng 57%). Việc mở cửa toàn diện du lịch đem lại nhiều cơ hội, song thực tế có tình trạng nhiều nhân lực du lịch đã rời bỏ công việc quen thuộc, còn một số nhân lực mới lại chưa được đào tạo bài bản, nhất là những kỹ năng mới cần bổ sung như kỹ năng hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho du khách, sử dụng các công nghệ mới phục vụ khách hàng, ứng dụng chuyển đổi số,... Mặt khác, cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ môi trường, kiến thức, kỹ năng tin học cần thiết. Mỗi doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, dịch vụ sau đại dịch đều cần chú ý thêm việc trang bị bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người lao động khi đón khách nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, nhân viên du lịch và cho cộng đồng dân cư tại điểm đến. Do vậy đối với lực lượng lao động cũ trở lại làm việc, cần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức cần thiết trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, hiện nay công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch mới còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo khảo sát tại các trường đại học cho thấy chương trình đào tạo dành cho sinh viên còn thiếu tính thực tế. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành Du lịch chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó, chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp vào làm tại các doanh nghiệp đã không đáp ứng được vị trí việc làm, hầu hết các doanh nghiệp đều phải mất thời gian, công sức đào tạo lại kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ và đặc biệt là ý thức nghề nghiệp.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt về số lượng và nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phục hồi sau đại dịch, ngành Du lịch cần triển khai rất nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó vấn đề liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa các trường đại học với doanh nghiệp du lịch là thật sự cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa các trường đào tạo chuyên ngành du lịch với doanh nghiệp du lịch đến nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, như: chưa có chính sách cụ thể, hiệu quả và bền vững để gắn kết đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực và những chính sách ưu tiên mạnh để khuyến khích doanh nghiệp du lịch tham gia đào tạo tại các cơ sở đào tạo; các thông tin về định hướng phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa thực sự được “chuyển giao” thông suốt giữa các bên liên quan, khiến cho nhu cầu đào tạo và nhu cầu lao động chưa được nhận biết một cách chính xác; nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hỗ trợ cho nhà trường trong tiếp nhận sinh viên thực tập cũng như sắp xếp công việc phù hợp ngành nghề đào tạo trong thời gian thực tập,... ảnh hưởng nhiều đến nhận thức, thái độ nghề nghiệp của sinh viên.

Có thể nói, việc thiếu nhất quán giữa đầu vào và đầu ra, gây khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng. Nguyên nhân chính của thực trạng này chính là sự thiếu cân xứng giữa lý thuyết và thực hành trong chương trình đào tạo của nhà trường. Để giải quyết vấn đề này, việc đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong những giải pháp cần thiết. Bởi, với sinh viên, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp họ có cơ hội lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp, từ đó phát triển kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường thực tế, đồng thời có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Với nhà trường, việc hợp tác giúp nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm đầu ra cho người học, qua đó tăng cường vị thế, uy tín của nhà trường. Về phía doanh nghiệp, đây là cơ hội để tuyển người lao động có năng lực phù hợp yêu cầu thực tế mà không tốn chi phí tuyển dụng và thời gian thử việc cũng như đào tạo lại nhân lực sau tốt nghiệp.

Chính vì vậy, những giải pháp thích ứng của hệ thống đào tạo du lịch và đơn vị sử dụng nhân lực du lịch cần thể hiện rõ những liên kết chặt chẽ trong đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của xã hội và xu hướng hội nhập trong thời kỳ hậu Covid-19.

3. Giải pháp liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đáp ứng đủ số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ hậu Covid-19

Thứ nhất, hệ thống đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp cùng các doanh nghiệp du lịch cần tăng cường gắn kết triển khai đào tạo nhân lực bằng nhiều hình thức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cho nguồn nhân lực du lịch. Điều này nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong công việc của người lao động ngành Du lịch; nâng cao trình độ, hiểu biết của người lao động về những công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghệ số và khả năng ứng dụng vào ngành Du lịch.

Thứ hai, trường xây dựng và thực hiện linh hoạt chính sách hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia toàn diện của doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo nghề nghiệp; triển khai mô hình gắn kết doanh nghiệp vào trong nhà trường, xem doanh nghiệp là ngôi trường thứ hai của người học. Ðồng thời, đa dạng hóa các mô hình, hình thức, loại hình, trình độ đào tạo; thực hiện phương châm vừa đảm bảo chất lượng, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động,… 

Trường phát triển chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt với sự tham gia chặt chẽ của doanh nghiệp trên cơ sở chuẩn đầu ra. Doanh nghiệp là một phần không thể tách rời với nhà trường trong quá trình đào tạo nguồn lao động cho thị trường.

Thứ ba, đối với doanh nghiệp, có thể cùng tham gia đào tạo bằng cách đánh giá, phản biện nội dung chương trình để nhà trường cải tiến, chỉnh sửa phù hợp thực tế; cử các cán bộ doanh nghiệp có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trong giờ học ngoại khóa tại nhà trường hoặc doanh nghiệp,... Về phía nhà trường, sẽ chủ động cập nhật, đổi mới chương trình theo hướng linh hoạt trên cơ sở đáp ứng chuẩn đầu ra phù hợp yêu cầu doanh nghiệp; có kế hoạch cụ thể trong việc mời đại diện doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo, trong đó phải thắt chặt mối quan hệ với các cựu sinh viên, bởi đây là kênh kết nối hữu hiệu giữa nhà trường và doanh nghiệp,... Có như vậy, việc liên kết trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa nhà trường và doanh nghiệp mới có thể mang lại hiệu quả cao.

Thứ tư, đối với Nhà nước, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình thu hút nguồn nhân lực thông qua các dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, như hỗ trợ về cơ sở vật chất, vay vốn ưu đãi, xúc tiến các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, Nhà nước cần có các chính sách như: tăng chỉ tiêu đào tạo cho các trường đào tạo nhân lực ngành Du lịch, hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sinh viên,… từ đó tăng nguồn cung nguồn nhân lực cho ngành Du lịch, đáp ứng sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong những năm sắp tới.

Như vậy, trong tình hình hậu Covid như hiện nay, cùng với sự hồi phục chung của nền kinh tế, ngành Du lịch cũng phải chuẩn bị cho mình những giải pháp để vượt qua những khó khăn, trong đó khó khăn về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Việc các doanh nghiệp và nhà trường bắt tay nhau để từng bước đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao và đủ số lượng trong những năm tới là một giải pháp trọng tâm cần được thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cổng thông tin điện tử Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2020), Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với một số lĩnh vực xã hội, http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=44379&fbclid=IwAR0DpZC33qxayYWVZcbxLXSAp3CaaJzAYsIFAk6NqiXIbLKFk9n8MPy9XwM.
  2. Tổng cục Du lịch Việt Nam (2020), Ứng phó Covid-19 và phục hồi hoạt động du lịch,http://vietnamtourism.gov.vn.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư(Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4 tháng 5 năm 2017).
  4. Hiệp hội Du lịch Việt Nam (2022), Kỷ yếu hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới”.

Solutions for the cooperation between tourism companies and training institutions in launching training programs to develop tourism human resources in the post-COVID-19 era

Master. Nguyen Thi Thu

Faculty of Business Administration, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

In the post-COVID-19 era, businesses in general and tourism companies in particular have faced the shortage of high-quality human resources to do flexible business strategies. Improving the quality of human resources and increasing the human resource supply are an urgent and complex task for tourism companies in the post-COVID-19 era. To solve this issue, it requires the efforts and cooperation between businesses and training institutions, and also directions from the government. This paper presents solutions for the cooperation between tourism companies and training institutions in launching training programs to develop tourism human resources in the post-COVID-19 era.

Keywords: tourism human resources, human resources for the post-COVID-19 period, human resource training and development, training cooperation between schools and businesses.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]