Giải pháp tăng cường quản lý về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố Hà Nội hiện nay

NGUYỄN NGUYÊN DŨNG (Hệ 6, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng)

TÓM TẮT:

Thành phố Hà Nội luôn là địa phương có nhiều lợi thế về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2018 và năm 2019, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút FDI, lần lượt đạt 7.501 triệu USD và 8.464 triệu USD - cao nhất sau hơn 30 năm đổi mới, hội nhập. Tuy nhiên, để hướng hoạt động FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, cần có những biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở lĩnh vực này. Do đó, trong phạm vi nghiên cứu, trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động FDI trên địa bàn thành phố Hà Nội, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động này của địa phương trong thời gian tới.

Từ khóa: Thành phố Hà Nội, quản lý, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI.

1. Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố Hà Nội

Sau gần 3 thập kỷ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời và có hiệu lực, FDI đã góp một phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.

Về số dự án, tổng số vốn FDI. Trong giai đoạn 2010 - 2019, Thành phố đã thu hút 4.531 dự án FDI, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 29.113 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 21.713 triệu USD. Nếu như năm 2010, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2006 - 2010), Thành phố mới chỉ thu hút được 310 dự án, thì đến năm 2015, con số này đã đạt mức 448 dự án, tăng 1,4 lần so với năm 2010. Trong 3 năm, từ năm 2016 - 2019, Hà Nội thu hút được 2268 dự án với 13.689 triệu USD vốn FDI. Riêng năm 2018, thu hút được 7.501 triệu USD, tăng gần 2,23 lần so với năm 2017, là năm đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. Những kết quả đạt được về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2019 của Hà Nội đặc biệt ấn tượng, Thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước về FDI với 8.464 triệu USD, tăng 90,02% so với năm 2018, số vốn đầu tư thực hiện 6.750 triệu USD [5].

Về quy mô dự án FDI. Thời gian qua, quy mô các dự án FDI của Hà Nội có xu hướng ngày càng tăng. Các dự án FDI giai đoạn 2010 - 2015 có quy mô bình quân không lớn, khoảng 3,16 triệu USD/dự án. Đến giai đoạn 2016 - 2019, số vốn đăng ký bình quân một dự án đạt 9,17 triệu USD/dự án. Năm 2018 là năm ghi nhận vốn đăng ký bình quân một dự án cao nhất 12,1 triệu USD/dự án [5]. Về hình thức đầu tư. Từ năm 2010 đến năm 2019, thành phố Hà Nội có 2.987 dự án 100% vốn nước ngoài, chiếm 78,33% số dự án và 64,63% tổng vốn FDI. Hình thức liên doanh có 1.023 dự án, tổng vốn đăng ký là 4.426.624 triệu USD, chiếm 17,69% số dự án và 18,89% tổng vốn đăng ký. Các hình thức còn lại 559 dự án (hợp đồng, hợp tác kinh doanh có 95 dự án; hợp đồng BOT, BTO, BT có 245 dự án; công ty cổ phần có 189 dự án; công ty mẹ - con có 30 dự án), với tổng vốn đăng ký là 3.545.954 triệu USD, chiếm 4% về số lượng dự án và 16,48% về vốn đăng ký [5].

FDI phân theo ngành kinh tế. Hiện nay, vốn FDI của Hà Nội chủ yếu tập trung cho công nghiệp, chế biến, chế tạo, xây dựng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ. Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Giai đoạn 2010 - 2019, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tới 58,22% tổng số dự án, 62,14% về tổng vốn đăng ký. Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm thế áp đảo cả về số lượng dự án, với 1.458 dự án và lượng vốn đăng ký 14.312.108.533 USD, bằng 63,02% so với số vốn đăng ký trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng. Đối với lĩnh vực dịch vụ có 1.332 dự án, chiếm 41,12% tổng số dự án và 37,57% về tổng vốn đăng ký đầu tư. Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tính chung giai đoạn 2010 - 2019, toàn Thành phố chỉ thu hút được 21 dự án, chiếm 0,65%, với tổng vốn đăng ký là 102.885.000 USD, chiếm 0,28% [5].

Sự thành công đạt được trong quá trình thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là rất đáng ghi nhận, đem lại nhiều lợi ích cho Thủ đô về cả kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, việc thu hút FDI trên địa bàn cũng không thể tránh khỏi còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Thu hút FDI tuy có xu hướng tăng trong cả giai đoạn, nhưng chưa ổn định, hiệu quả đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Mặc dù tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên vốn đầu tư đăng kí trong các năm giai đoạn 2010 - 2019 cao, nhưng vẫn chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thủ đô. Vốn FDI vào Hà Nội chỉ tập trung chủ yếu ở những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, chưa chú trọng thu hút FDI vào phát triển các ngành công nghiệp ít gây hại đến môi trường, sử dụng công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn... Thu hút và sử dụng vốn FDI không đồng đều giữa các ngành, địa bàn đầu tư và các nhà đầu tư. Ngoài ra,nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn hoạt động không hiệu quả, tác động xấu đến môi trường, thua lỗ hoặc có dấu hiệu chuyển giá, vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hiện tượng trên là do luật pháp còn chưa đồng bộ, chặt chẽ. Điển hình là cơ chế  khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài với các thủ tục hành chính rất đơn giản, theo tinh thần hậu kiểm khi dự án, doanh nghiệp đi vào hoạt động. Và thực tế, Hà Nội cũng chưa có đủ công cụ để kiểm tra, kiểm soát hoạt động và các hành vi chấp hành pháp luật của nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

2. Một số giải pháp tăng cường quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hà Nội thời gian tới

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền Hà Nội xác định rõ chủ trương cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng doanh nghiệp FDI là động lực quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô. Thành phố định hướng thu hút vốn FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và có tính cạnh tranh cao. Theo đó, Hà Nội cũng xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào các lợi thế của Thủ đô. Hà Nội đang hướng tới thu hút FDI vào 3 lĩnh vực chủ yếu, gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; Áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến; Dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao…

Để thực hiện được những mục tiêu đó, Hà Nội cần triển khai đồng bộ một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố Hà Nội. Đại hội XII của Đảng nêu rõ, để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần tập trung “Rà soát, sửa đổi pháp luật, chính sách để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa cao, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế” [2, tr.292, 293].  Để tăng cường quản lý nhà nước về FDI của thành phố Hà Nội phải không ngừng hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, giám sát hiệu quả thực hiện dự án FDI. Trong đó, cần tập trung, thiết lập một mặt bằng pháp lý chung, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định. Xây dựng hệ thống chính sách liên quan đến FDI theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo; Tiếp tục cải tiến hệ thống quản lý, hoàn thiện cơ chế phân cấp trong kiểm tra, kiểm soát FDI trên cơ sở nguyên tắc, quan điểm rõ ràng; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động FDI theo hướng phát huy quyền chủ động của các phòng, ban, địa phương; Đồng thời, đảm bảo tập trung thống nhất, đặc biệt là đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư đầu tư nước ngoài. Hà Nội cần chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về FDI theo hướng hoàn thiện quy chế, xây dựng quy trình thủ tục chuẩn, nguyên tắc hoạt động. Phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong giải quyết các thủ tục hành chính theo định hướng của Trung ương. Thông báo công khai, rộng rãi các quy định cụ thể về thủ tục nộp và tiếp nhận hồ sơ đối với các dự án FDI. Nội dung các quy định phải bao gồm đánh giá dự án đầu tư về tình trạng pháp lý, khả năng tài chính, mức độ phù hợp của dự án với kế hoạch dài hạn, bảo vệ môi trường, những lợi ích kinh tế - xã hội, trình độ công nghệ và tính hợp lý trong sử dụng đất đai. Đơn giản hóa thủ tục đầu tư, giảm bớt những yêu cầu không thật sự cần thiết, kém quan trọng, gây mất thời gian trong thẩm định đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án.

Ba là, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thành phố cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy với quan điểm: thu gọn đầu mối quản lý, một việc - một đầu mối xuyên suốt và phương châm: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện” để phục vụ doanh nghiệp và người dân. Đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ quan có liên quan đến thu hút FDI của Thành phố thực sự giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có kiến thức cần thiết về tin học, ngoại ngữ, có kỹ năng ứng xử nhạy bén trong điều kiện giao lưu, tiếp xúc với các nhà đầu tư đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Bốn là, phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng trong quản lý FDI của thành phố. Hiện nay, quản lý nhà nước về FDI có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, lực lượng cả của Trung ương và Thành phố. Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về FDI, Thành phố Hà Nội cần tăng cường phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng. Thành phố cần tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành lập đề án, quy hoạch, kế hoạch FDI. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia quản lý nhà nước về FDI. Thực hiện với phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”, mở rộng dân chủ nhằm phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia quản lý nhà nước về FDI. Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia phòng, chống vi phạm quy định pháp luật trong FDI và phòng, chống tiêu cực trong cơ quan quản lý nhà nước về FDI của Thành phố.

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

  1. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hà Nội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2012), Đề án Đánh giá thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam và định hướng đến năm 2020, Hà Nội.
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Hà Nội.
  5. Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội (2019), Tổng hợp tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2019, ngày 20 tháng 12 năm 2019.
  6. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (2017), Kế hoạch số 2603/2018/KH-UB về phân bổ kinh phí các hoạt động xúc tiến đầu tư thành phố Hà Nội năm 2018, Hà Nội.
  7. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (2018), Kế hoạch số 68/2018/KH-UBND đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo, Hà Nội.

 

 

SOLUTIONS TO IMPROVING THE FDI MANAGEMENT OF HANOI

NGUYEN NGUYEN DUNG

Political Academy, Ministry of Defence

ABSTRACT:

Hanoi has many advantages in attracting foreign investment (FDI). In 2018 and 2019, Hanoi took the first place in Vietnam in terms of FDI attraction with the total amount of FDI of USD 7,501 million in 2018 and USD 8,464 million in 2019 - the highest FDI after more than 30 years of renovation and integration. However, in order to improve the quality of the FDI inflow associated with the goal of sustainable development, prioritize high quality FDI projects and highly value-added and competitive FDI projects, it is necessary to improve the FDI management efficiency of the state management. This study is to assess the current status of FDI projects in Hanoi, thereby proposing some solutions to improve the city’s FDI management in the coming time.  

Keywords: Hanoi, management, direct foreign investment, FDI attraction.