Bộ Công Thương cho biết, trước đây, hành vi gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa diễn ra còn khá ít, tuy nhiên hiện nay hành vi này bắt đầu gia tăng và có nhiều biểu hiện phức tạp.
Việc gia tăng các biện pháp bảo hộ của các nền kinh tế, đặc biệt là xung đột thương mại giữa các nước như trường hợp xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc càng làm gia tăng nguy cơ gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa.
Khi xảy ra xung đột thương mại, các nước dựng lên các hàng rào thương mại mà trước hết là hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của nước đối phương.
Do vậy, nguy cơ hàng hóa của nước bị áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại sẽ tìm cách "đi đường vòng", thông qua nước thứ ba để tránh các biện pháp hạn chế.
Trong bối cảnh gian lận thương mại có xu hướng gia tăng, Bộ Công Thương luôn chủ động triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa và chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Từ năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BCT quy định kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, trao quyền chủ động kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, xác minh, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Trong năm 2019, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".
Triển khai thực hiện Quyết định 824/QĐ-TTg, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động chi tiết triển khai Đề án, theo đó, tập trung vào: công tác xây dựng danh sách cảnh báo; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật; rà soát quy định về xuất xứ; tăng cường trao đổi thông tin, kiểm tra việc cấp C/O đối với một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến; phối hợp, trao đổi với các đối tác nước ngoài; Rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, Bộ Công Thương luôn chủ động tổ chức kiểm tra tình hình thực thi pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa đối với các cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Qua đó, siết chặt công tác cấp C/O của các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan và cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu (như cơ quan hải quan Đức, cơ quan chống gian lận của EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ) tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ các mặt hàng như tấm pin năng lượng mặt trời, xe đạp, xe tay nâng, thép, nhôm, tôm, lá tía tô,...
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức tập huấn, cảnh báo cho các cơ quan, tổ chức cấp C/O và doanh nghiệp trong đó đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa (lốp ô tô, hạt dẻ cười, nhôm, thép, gỗ ván ép, gạch men ...).
Đồng thời, phối hợp tổ chức hội nghị với các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, thông qua các Hiệp hội để hướng dẫn, tuyên truyền cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thực hiện đúng quy định về xuất xứ hàng hóa; tận dụng ưu đãi thuế quan; phòng tránh, ngăn chặn hành vi chuyển tải hàng hóa, gian lận thương mại.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê tất cả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ tất cả các thị trường đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thương mại quốc tế thời gian gần đây và nguy cơ tăng mạnh những vụ việc gian lận xuất xứ, và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 119, sự quan tâm của các Hiệp hội ngành hàng, sự tham gia, phối hợp của cả các doanh nghiệp trong việc phát hiện hành vi gian lận, Bộ Công Thương tin tưởng rằng công tác phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2020.
Gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa là việc mưu toan vi phạm hay lạm dụng các quy tắc xuất xứ hay các quy định về hải quan trong các thỏa thuận song phương và đa phương đang có hiệu lực tại một nước hữu quan nào đó nhằm trốn tránh hoặc cố ý trốn tránh việc nộp thuế Hải quan, đạt được hoặc cố ý đạt được những lợi thế thương mại bất hợp pháp gây hại cho hoạt động thương mại chân chính.
Gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa có thể diễn ra với những hình thức khác nhau, từ những hành vi làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho đến việc doanh nghiệp chỉ thực hiện các công đoạn gia công đơn giản, chưa đủ để đáp ứng tiêu chí xuất xứ nhưng vẫn khai báo đáp ứng để xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.