![giáo dục thế hệ trẻ](https://s3-hn-2.cloud.cmctelecom.vn/tapchicongthuong.vn/tcct-media/22/6/18/phong-truyen-thong-1.jpg)
Quyết định “táo bạo”
Mỗi một tổ chức, đơn vị có bề dày thời gian hoạt động đều cần có một không gian để trưng bày, giới thiệu những giá trị, dấu ấn của mình trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Đặc biệt, đối với ngành Công Thương, nơi nắm giữ 2/3 GDP đất nước, việc có một Phòng truyền thống để lưu giữ tiến trình hoạt động là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa.
Vấn đề này cũng đã được quan tâm, đặt ra trong nhiều năm, nhưng vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu nhất là do lĩnh vực hoạt động của Ngành quá rộng. Ở thời kỳ cao điểm, quản lý ngành Công Thương có tới 8 bộ và 4 tổng cục. Đồng thời, Công Thương cũng là ngành giữ “kỷ lục” về số lần tách ra, nhập vào. Có những lần, thời gian tại nhiệm 1 vị Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim chỉ vẻn vẹn 1 tháng, để sau đấy, Bộ này cùng với 3 Tổng cục khác thành lập Bộ Công nghiệp nặng…
Trên thực tế, quá trình hình thành và phát triển ngành Công Thương còn có những khoảnh khắc lịch sử bị đứt gãy, nhiều khoảng trống chưa được ghi chép thật đầy đủ, nhiều tài liệu, hiện vật tản mát ở nhiều bộ, nhiều ngành, nhiều địa phương. Có lẽ vì thế, việc xây dựng một Phòng truyền thống ngành Công Thương là một thử thách không nhỏ.
Chính ở thời điểm “gay go” nhất, khi những chứng nhân của lịch sử, những câu chuyện giá trị được lưu giữ trong ký ức của những thế hệ đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngành Công Thương ngày càng mai một theo quy luật của thời gian, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã có một quyết định “táo bạo”: ban hành Nghị quyết số 11-NQ/BCSĐ ngày 22 tháng 6 năm 2021 về việc xây dựng Phòng Truyền thống Ngành Công Thương và biên soạn Bộ sách Lịch sử ngành Công Thương.
Thông điệp của Phòng truyền thống
“Với bề dày lịch sử và truyền thống ngành Công Thương, tài liệu, hiện vật rất phong phú, đa dạng, có giá trị to lớn. Tuy nhiên, những tài liệu, hiện vật đó hiện đang nằm ở nhiều nơi, cần được sưu tầm, bảo quản và khai thác có hiệu quả tại Phòng Truyền thống và sách Lịch sử ngành Công Thương. Đây là công việc quan trọng, là tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ đi trước và mai sau” - thư của Bộ trưởng Bộ Công Thương phát động sưu tầm, hiến, tặng, cung cấp thông tin về tư liệu, hiện vật cho Phòng Truyền thống ngành Công Thương.
Hưởng ứng thư kêu gọi, sau gần 12 tháng sưu tập tư liệu, hiện vật, và thi công, Phòng Truyền thống ngành Công Thương đã chính thức đi vào hoạt động. Cùng với đó, Phòng Truyền thống ngành Công Thương kỹ thuật số tại website: Truyenthongcongthuong.vn và Cuốn sách song ngữ Việt - Anh giới thiệu về Phòng Truyền thống cũng ra mắt bạn đọc trong những ngày vừa qua. Với hàng trăm tư liệu, hiện vật, Phòng Truyền thống ngành Công Thương đã kể lại câu chuyện về lịch sử phát triển của Ngành hơn 70 năm qua một cách sống động. Mỗi tư liệu, hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện lịch sử, với nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Có nhiều tư liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố như những tư liệu nằm trong bộ sưu tập của các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài như Thư viện Quốc gia Pháp, Đại học Cornell (Hoa Kỳ)… cũng được Tổ biên soạn tìm hiểu và sao chép. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Phòng Truyền thống ngành Công Thương đã làm được những điều quý báu. Một là đã lấp đầy được những khoảng trống lịch sử của một Ngành, trong lịch sử có nhiều Bộ quản lý, trải qua nhiều giai đoạn tách, nhập. Thứ hai, đã tập hợp được trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, người lao động ngành Công Thương qua các thời kỳ. Thứ ba, là một trong số ít các phòng truyền thống ngành có “thông điệp” thông qua sự sưu tầm và trưng bày tài liệu, hiện vật. Thông điệp “Hành trình hơn 70 năm xây dựng kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế” được thiết kế, trưng bày, có những điểm trong từng thời kỳ. Người xem dễ dàng cảm nhận được, ở từng giai đoạn lịch sử, ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Trên mỗi bước đường đi lên của ngành, đều để lại những dấu ấn thành tựu, những giá trị, truyền thống tốt đẹp, được các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dày công vun đắp, xây dựng nên, và trao truyền cho các thế hệ tiếp nối.
Với sự sưu tầm, trưng bày và giới thiệu công phu, chân thật, chính xác, Phòng Truyền thống ngành Công Thương đã gây xúc động và bất ngờ với ngay cả với cán bộ, người lao động trong và ngoài Ngành. Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, sau khi tham quan Phòng Truyền thống ngành Công Thương, khẳng định: “Bộ Công Thương là một Bộ luôn có tinh thần đổi mới. Nói về truyền thống ngành Công Thương, tôi nghĩ có những điểm ưu nổi trội: Ngay từ khi thành lập luôn luôn bám sát và theo kịp những mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn của đất nước; có những lĩnh vực chủ động đi trước, như lĩnh vực hội nhập quốc tế”.
Ông Lê Quốc Khánh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhận xét: “Tôi đánh giá rất cao ý tưởng xây dựng Phòng Truyền thống. Với Phòng Truyền thống, việc ứng dụng kỹ thuật số, đã tiếp cận với công nghệ hiện đại là điều rất mừng. Phòng Truyền thống này, ngoài việc quảng bá hình ảnh ngành Công Thương, truyền thống ngành Công Thương ra bên ngoài, thì còn có nhiệm vụ rèn luyện cho đội ngũ hiện tại, cũng như các thế hệ tiếp nối sau này của ngành Công Thương tiếp tục phát triển những truyền thống tốt đẹp. Ví dụ, người vào ngành Công Thương công tác thì phải học, phải tìm hiểu về truyền thống ngành Công Thương, trên cơ sở đó rèn luyện tư cách đạo đức, phẩm chất của một Người Công Thương. Hoặc những hình thức sinh hoạt như kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn có thể tổ chức ở phòng Truyền thống này”.
Ông Phạm Khắc Huy - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương cho biết: “Sau buổi Lễ Khánh thành hôm nay, Phòng Truyền thống ngành Công Thương sẽ là địa chỉ tin yêu và vô cùng ý nghĩa đối với tuổi trẻ ngành Công Thương để có thể ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành; qua đó biết trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống mà các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng, vun đắp”.
Do hạn chế của không gian trưng bày và thời gian thực hiện, Bộ Công thương cho rằng đây chỉ là điểm khởi đầu. Phòng Truyền thống ngành Công Thương sẽ còn phải bổ sung nhiều tư liệu, hiện vật. Nhưng với tinh thần “táo bạo” ở những thời điểm quyết định, tin tưởng rằng, Phòng Truyền thống ngành Công Thương thời gian tới thực sự có tầm vóc, quy mô tương xứng với đóng góp của Ngành trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cũng như mong muốn của CBCNV ngành Công Thương.
Những bài học quý báu
Việc biên soạn Bộ sách Lịch sử ngành Công Thương hết sức cần thiết. Bởi lẽ, ngành Công Thương là một ngành kinh tế lớn, bao quát nhiều lĩnh vực trong xã hội. Bộ quản lý Ngành lại qua nhiều lần tách nhập. Có những thời điểm có tới 8 bộ và 4 tổng cục quản lý Ngành, vì vậy nếu không có một Chương trình cụ thể, khoa học sẽ không thể bao quát hết được nội dung công việc. Nhất là, sau hơn 70 năm, nhiều tài liệu, hiện vật bị phân tán, thất lạc; nhiều câu chuyện giá trị được lưu giữ trong ký ức của những chứng nhân lịch sử, bị mai một theo quy luật của thời gian.
Vì vậy, để dựng lại bức tranh về sự hình thành, phát triển ngành Công Thương, Ban Biên soạn chỉ đạo Tổ biên tập sưu tầm, sử dụng nhiều nguồn dữ liệu. Tập trung vào 3 nhóm, gồm: (i) Những văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các ngành có tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế đương thời; (ii) Tài liệu thống kê; (iii) Nhân chứng đương thời. Bên cạnh các tư liệu đến từ nguồn trong nước, Ban Biên soạn đã tiếp cận nhiều tư liệu nước ngoài.
Đồng thời, Ban biên soạn cũng nghiên cứu nhiều phương pháp viết sử và lựa chọn một phương pháp tối ưu nhất, đó là phương pháp nghiên cứu liên ngành, bao gồm phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu xã hội học, gặp gỡ nhân chứng lịch sử…
Điển hình là phỏng vấn nhân chứng lịch sử, được thực hiện chủ yếu với các cán bộ lão thành trong Ngành. Phương pháp này không chỉ tăng tính sinh động, hấp dẫn, độ tin cậy về tính xác thực của ấn phẩm, mà còn cung cấp cho độc giả nhiều thông tin, sự kiện lần đầu tiên công bố. Việc áp dụng đồng thời các phương pháp, đã bổ khuyết nhiều khoảng trống lịch sử, bức tranh bộ máy, tổ chức và hoạt động ngành Công Thương và nền kinh tế được tái dựng một cách liền mạch, được tiếp cận, phân tích ở nhiều chiều.
Việc áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu cũng giúp cho Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam cung cấp cho độc giả nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn. Đó là việc xử lý các mối quan hệ: Giữa nhà nước và thị trường; giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sản xuất kinh doanh; giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát v.v…. đúng như lời dạy của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Lý luận Cách mạng Việt Nam phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, và giải quyết những vấn đề do Cách mạng Việt Nam đặt ra” . Sau khi xuất bản, Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam được các nhà sử học đánh giá là công trình đầu tiên nghiên cứu rõ rệt bao gồm lịch sử ngành và lịch sử tổ chức của ngành Công Thương. Sự đồ sộ của bộ sách chứa đựng giá trị to lớn về sử liệu với một tập hợp - hệ thống tư liệu tương đối đầy đủ, toàn diện, tin cậy, cập nhật; xứng đáng được coi là công trình quan trọng của lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử Kinh tế Việt Nam, lịch sử Chính phủ; là khung khổ cho nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử của các cơ quan, đơn vị trong Ngành.
Gần 900 trang Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945 - 2010) không chỉ trình bày những bước phát triển, những thành tựu, đóng góp của ngành Công Thương đối với nền kinh tế, mà còn cung cấp cho độc giả những bài học kinh nghiệm có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn, có giá trị tham khảo cho công tác quản lý điều hành. Có thể tóm tắt một số bài học kinh nghiệm rút ra từ hoạt động của ngành Công Thương hơn nửa thế kỷ qua như sau:
Bài học thứ nhất: Nắm vững chủ trương, vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng vào phát triển Ngành.
Bản thảo đã phản ánh sự vận dụng chủ trương của Đảng được ngành Công Thương thực hiện sáng tạo và có tính kế thừa cao. Ví dụ cùng chủ trương khuyến khích tiểu thủ công nghiệp phục vụ kháng chiến, giai đoạn 1946-1954; giai đoạn 1965-1975 và đến thời kỳ Đổi mới, vận dụng chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, coi “nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”, các Bộ quản lý ngành Công Thương trong những năm cuối thập kỷ 80 đã tham mưu, biên soạn trình Chính phủ nhiều văn bản pháp quy hiện thực hóa chủ trương này, như Quyết định 217-HĐBT ngày 14/11/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh; Quyết định 231-HĐBT ngày 31/12/1987 của Hội đồng Bộ trưởng chuyển ngành vật tư sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; Quyết định 193-HĐBT ngày 23/12/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về kinh doanh thương mại và dịch vụ ở thị trường trong nước; Nghị định 64/HĐBT, ngày 10/6/1989 về khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất hàng xuất khẩu.
Những văn bản trên ra đời trong bối cảnh vẫn còn những băn khoăn, e ngại rằng, kinh tế nhiều thành phần có dẫn đến hạn chế vai trò của xí nghiệp quốc doanh? Có mâu thuẫn với mô hình xây dựng xã hội chủ nghĩa dựa trên công hữu về tư liệu sản xuất? Và đến tận tháng 6/1991, trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng mới xuất hiện cụm từ “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Bài học thứ hai: Nắm chắc, và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính của Ngành là xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ cho nền kinh tế, làm nền tảng cho công cuộc CNH-HĐH đất nước.
Thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, ngành Công Thương nhanh chóng xây dựng các chính sách nhằm tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bao gồm: kết cấu hạ tầng kinh tế, công nghiệp sản xuất tư liệu, công nghiệp công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp gắn với đổi mới căn bản về công nghệ và xã hội hóa nguồn lực xã hội. Do đó, cơ cấu GDP theo nhóm ngành đã có sự chuyển dịch tích cực. So với năm 2010, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 28,9% lên 42%; dịch vụ tăng từ 33% lên 41,6%. Từ những cơ sở công nghiệp nhỏ bé, từ những chi điếm mậu dịch, chi điếm ngoại thương trên chiến khu Việt Bắc, từ những xưởng cơ khí, dệt may ở bưng biền Đồng Tháp, Chiến khu R huyền thoại Tây Ninh, nền kinh tế đã từng bước hình thành nhiều ngành công nghiệp chủ lực; từ chỗ vật tư chiến lược phải phụ thuộc chủ yếu vào khối xã hội chủ nghĩa như năng lượng, sắt thép, phân bón… ta đã tự chủ được về điện, than, tự chủ một phần phân bón, xăng dầu; từ chỗ phụ thuộc vào sự tài trợ của các nước xã hội chủ nghĩa về nguyên vật liệu làm hàng xuất khẩu, ta tự cân đối thu chi, chủ động nhập khẩu mọi loại nguyên vật liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều ngành hàng xuất khẩu “tỷ đô”. Sức vươn lên nhanh chóng của hạ tầng thương mại đã mở ra cho dòng chảy lưu thông hàng hóa. Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh phá hoại trên bầu trời miền Bắc vẫn không ngăn chặn nổi nguồn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam nhờ thương nghiệp quốc doanh khéo léo chuyển các hoạt động giao dịch thương mại từ những điểm cố định sang hoạt động lưu động, bám sát những nơi có nhu cầu mới phát sinh để phục vụ, các điểm bán lẻ mậu dịch quốc doanh và HTX mua bán không ngừng mở rộng. Hay trong những năm khôi phục đất nước sau chiến tranh (1975-1985) những khó khăn dồn dập cùng lúc làm cho nền kinh tế mất cân đối cung cầu nghiêm trọng, ngân sách Nhà nước bội chi tiền mặt, lạm phát tăng cao, nhưng các ngành Nội thương, Ngoại thương, Vật tư vẫn nỗ lực tập trung cao độ nguồn hàng phục vụ cho sản xuất và đời sống. Ngành đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ nhiều chính sách hay, cách làm tốt nhằm tăng tỷ trọng thu mua trong tổng sản lượng hàng hóa, kích thích sản xuất và xuất khẩu, thu hẹp cán cân thương mại. Kinh nghiệm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh qua 2 cuộc kháng chiến đã giúp Ngành nhanh chóng bắt nhịp cùng sự nghiệp Đổi mới, hệ thống bán buôn, bán lẻ với nhiều hình thức đa dạng bao phủ rộng khắp, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến biên giới, hải đảo; đến 224 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại. Tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ liên tục trên dưới 10% mỗi năm. Mặc dù từ 1996 có sự chuyển dịch hạ tầng thương mại từ truyền thống sang hiện đại, , nhưng tỷ trọng hàng Việt chi phối trên tất cả các kênh phân phối. Đồng thời, phát triển được các thương hiệu phân phối trong nước đủ khả năng để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài.
Hoạt động ngoại thương có sự phát triển vượt bậc. Trong 25 năm Đổi mới, tăng trưởng xuất khẩu bình quân năm đạt mức 2 con số. 5 năm 1986-1990 tăng trưởng bình quân 28%/năm; 1991-1995 tăng bình quân 17,8%/năm; 1996-2000 tăng bình quân 22,4%; 2001-2005 tăng bình quân 17,9%/năm và 2006-2010 tăng bình quân 18,2%/năm. Xuất khẩu bình quân đầu người năm 2010 đạt trên 830 USD, gấp 65,3 lần năm 1986 (12,6 USD).
Bài học thứ ba: Bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.
Trong những năm thực hiện mô hình kinh tế kế hoạch hóa, hoạt động quản lý Nhà nước mang dấu ấn nhất của Ngành là xác định những công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực phụ trách, Điển hình là tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng những công trình: Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Hòa Bình, Diesel Sông Công, Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Hoàng Thạch, Phân Đạm Hà Bắc, Supe Photphat Lâm Thao, Giấy Bãi Bằng, Sợi Nha Trang,…
Cùng với công cuộc Đổi mới, Ngành tiếp tục đề xuất xây dựng những công trình công nghiệp trọng điểm: Đường dây 500 kV Bắc-Nam, Thủy điện Sơn La, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau… Đồng thời, tập trung vào biên soạn, trình Chính phủ các dự án văn bản quy phạm pháp luật; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể; chiến lược, quy hoạch ngành và lĩnh vực; quy hoạch vùng, lãnh thổ; xác định rõ vai trò của Nhà nước - vai trò của thị trường; thể chế hóa vai trò Nhà nước - vai trò thị trường; và điều hành mối quan hệ Nhà nước - thị trường trong thực tiễn. Nổi bật là Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, đã thay đổi căn bản công tác quản lý nhà nước về công nghiệp theo hướng chuyển mạnh sang chức năng thúc đẩy, phục vụ phát triển là chính, hạn chế tối đa sử dụng các biện pháp hành chính vào sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, giảm dần các đầu mối quản lý ngành. Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg giúp Nhà nước cùng các thành phần kinh tế tập trung nguồn vốn vào các ngành công nghiệp có khả năng phát huy lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Đến nay nhìn lại, có nhiều chỉ tiêu thuộc “tầm nhìn 2020” của Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg đã thực hiện đạt và vượt. Điển hình là chỉ tiêu: “Tỷ lệ hàng chế tạo trong xuất khẩu đạt 70 - 75% vào năm 2020”, thực tế năm 2016 đã vượt với 80,3%; chỉ tiêu “Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, đạt 87 - 88% vào năm 2020”, thực tế đến năm 2010 tỷ lệ này đã đạt 90,02%.
Bài học thứ tư: Công nghiệp hóa phải hướng đến giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Đảng ta luôn xác định công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ trung tâm này được Đảng Nhà nước giao trọng trách cho ngành Công Thương. Ngành đã xác định được thực chất của quá trình công nghiệp hóa chính là việc thực hiện đồng bộ 3 nội dung: (i) chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (ii) giải phóng lực lượng sản xuất; (iii) xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật.
Bằng phân tích các số liệu cụ thể, ấn phẩm Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010 trình bày những dấu mốc quan trọng những từng giai đoạn lịch sử. Trong những năm 1960 đến những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ta mới thực hiện được nội dung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật. Đây là thời kỳ triển khai mô hình công nghiệp hóa theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, dựa trên công hữu về tư liệu sản xuất.
Cuối những năm 80, bộ ba: chuyển dịch cơ cấu kinh tế - giải phóng lực lượng sản xuất - xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật bắt đầu phát huy tác dụng nhờ tính đồng thời. Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình của ngành Công Thương đều tính đến sự phát triển theo ngành và vùng lãnh thổ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, và sự tham gia của các thành phần kinh tế. Từ năm 2001 đến năm 2010, Ngành đã xây dựng 51 quy hoạch công nghiệp, trong đó có 31 quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp và 20 quy hoạch theo vùng lãnh thổ. Về thương mại, xây dựng 16 quy hoạch, trong đó có 4 quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm, 12 quy hoạch theo vùng lãnh thổ.
Điều quan trọng hơn, các quy hoạch đã chú ý đến yêu cầu phát triển đồng bộ và sự liên kết, phối hợp với các ngành có liên quan như Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - thương binh - xã hội… Đồng thời, chuyển dần việc điều hành kế hoạch từ can thiệp vi mô sang duy trì các cân đối vĩ mô. Do vậy, quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại thực sự trở thành một trong những công cụ quản lý Nhà nước, tập hợp trong mình bộ ba: chuyển dịch cơ cấu kinh tế - giải phóng lực lượng sản xuất - xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một số số liệu của Tổng cục Thống kê đã cho thấy rõ bức tranh này:
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10 năm 2001-2010 đạt 7,26%/năm, được xếp vào top đầu so với các quốc gia trong khu vực, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ. Trong đó, tốc độ tăng của khu vực công nghiệp - xây dựng cao nhất, 9,09%/năm, tiếp theo là dịch vụ với 7,35%/năm, cuối cùng là nông nghiệp, 3,58%, (phù hợp với chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa).
- Tính theo giá so sánh năm 1994, vốn đầu tư thực hiện năm 2010 đã gấp 3,5 lần năm 2000, bình quân mỗi năm 2001-2010 tăng 13,3%, trong đó, khu vực Nhà nước gấp 2,6 lần, bình quân mỗi năm tăng 10,2%; khu vực ngoài Nhà nước gấp 4,1 lần, bình quân mỗi năm tăng 15,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gấp 5,5 lần, bình quân mỗi năm tăng 18,5% (thể hiện sự phát huy nguồn lực xã hội có hiệu quả vào công nghiệp hóa).
- Trong mười năm 2001-2010 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng triển cao, bình quân mỗi năm tăng 16,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2010 theo giá so sánh 1994 đã gấp 4,5 lần năm 2000 và tỷ trọng chiếm trong giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp theo giá thực tế tăng từ 81,2% năm 2001 lên 83,2% năm 2005 và 85,7% năm 2009, (phù hợp với định hướng gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa).
Bài học thứ năm: Phát triển thương mại cần tập trung vào bảo đảm các cân đối lớn, cán cân thương mại, không chỉ để trở thành trụ cột phát triển trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn là phương thức bảo đảm an ninh kinh tế, chủ động ứng phó với các tình huống biến động lớn, đột xuất có thể xảy ra từ bên ngoài.
Bước vào thời kỳ Đổi mới, thương mại khởi động thực hiện vai trò vốn có của nó. Với sự tham gia vào sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, bao gồm cả thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sản lượng hàng hóa, dịch vụ tăng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Các chỉ số thương mại như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, xuất nhập khẩu có mức tăng 1,5-2,0 lần so với mức tăng GDP. Tuy nhiên, thị trường không tự điều chỉnh, không tự đảm bảo các cân đối lớn, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, điều tiết của Nhà nước. Mặt khác, chúng ta đã bắt đầu hội nhập vào nền kinh tế thế giới, |“sân chơi” mở cho Việt Nam, nhưng sức ép, mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn, dẫn đến nhu cầu đất nước phải có chiến lược phát triển thị trường trong nước, nước ngoài để khai thác tốt cơ hội, giảm thiểu rủi ro và tổn thương.
Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương tập trung vào thể chế hóa chủ trương các kỳ Đại hội Đảng, các kỳ Hội nghị Trung ương về thương mại, nhất là Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị ngày 3/1/1996 về Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thương nghiệp, phát triển thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là Luật Thương mại 1997 và 2005, Luật Cạnh tranh 2004, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010; các Pháp lệnh về chống bán phá giá, tự vệ nhập khẩu hàng hóa; và hàng laotj các nghị định, đề án.
Các hoạt động trên đã khơi dậy các nguồn lực ,tập trung vào kết cấu hạ tầng thương mại, hình thành cấu trúc thị trường trong nước thống nhất trên cơ sở đặc thù và thế mạnh từng vùng, từng địa phương, thúc đẩy hình thành các thương nhân lớn; kích thích các cơ sở sản xuất nguyên liệu, bước đầu hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu, góp phần bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, nhất là các loại vật tư chiến lược cho sản xuất phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tóm lại, ấn phẩm Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010 đã phác họa cốt lõi sự chuyển động của ngành Công Thương trong 65 năm (1945-2010). Trải qua các giai đoạn lịch sử với nhiều lần thay đổi cơ cấu, tổ chức và tên gọi, ngành Công Thương luôn có những đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh của đất nước trong công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ở mỗi giai đoạn phát triển, ngành Công Thương kịp thời tham mưu cho Đảng và Chính phủ nhiều chính sách quan trọng trong sự phát triển của ngành và nền kinh tế; từng bước xây dựng được một hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ cho nền kinh tế, làm nền tảng thu hút sự đầu tư trong và ngoài nước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong chuỗi các sự kiện tiêu biểu, những vấn đề phát triển của Ngành luôn gắn liền với lịch sử cách mạng của đất nước, vận mệnh của dân tộc; qua đó, làm nổi bật những đặc điểm, truyền thống quý báu của ngành Công Thương, xứng đáng là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đi đầu trong phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ chế quản lý, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Những bài học kinh nghiệm quý báu ghi nhận từ lịch sử hình thành, phát triển của Ngành có ý nghĩa thiết thực, đóng góp vào kho tàng lý luận về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có ý nghĩa trong giáo dục thế hệ trẻ ngành Công Thương tiếp bước, đóng góp vào sự phát triển của ngành và nền kinh tế.