Hà Nam: Hoạt động thương mại và công nghiệp nhiều khởi sắc

Số liệu của Chi cục Thống kê tỉnh Hà Nam cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I/2025 ước tính tăng 10,54% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng cao nhất của quý I kể từ năm 2021 trở lại đây, trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 11,98%; khu vực dịch vụ tăng 9,76%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Nam quý I/2025 (GRDP) ước tính tăng 10,54% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng cao nhất của quý I kể từ năm 2021 trở lại đây, trong đó khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,42%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 11,98%; khu vực dịch vụ tăng 9,76%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,7%.

Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp 7,88 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP quý I, trong đó lĩnh vực công nghiệp đóng vai trò chủ đạo với 7,46 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP quý I. Khu vực dịch vụ với nhiều khởi sắc, quý I/2025 tăng 9,76% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,1 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP, trong đó một số ngành có mức tăng khá như: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 7,62%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm.

Hà Nam
Khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp 7,88 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP quý I/2025 của tỉnh Hà Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

Hầu hết nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu tăng so cùng kỳ trước

Theo Chi cục Thống kê tỉnh Hà Nam, hoạt động thương mại, dịch vụ quý I/2025 diễn ra trong không khí đón Tết cổ truyền dân tộc, nhu cầu mua sắm và tiêu thụ hàng hóa tăng cao. Nhiều chương trình xúc tiến thương mại và bình ổn giá được tổ chức đã tác động tích cực đến hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Các loại hình dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi và giải trí; dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng… diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân trong những ngày đầu năm. Hoạt động vận tải được tăng cường đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân và lưu chuyển hàng hóa diễn ra thông suốt.

Tính chung quý I năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Hà Nam ước đạt 15.893,2 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 12.782 tỷ đồng, tăng 20,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 942 tỷ đồng, tăng 27,3%; doanh thu dịch vụ du lịch  lữ hành ước đạt 484,3 tỷ đồng, tăng 14,2%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.684,9 tỷ đồng, tăng 33,3%.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, quý I/2025 có 9/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước, bao gồm lương thực, thực phẩm (+42,1%); hàng may mặc (+8,5%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (+72,9%); gỗ và vật liệu xây dựng (+3%); xăng, dầu các loại (+8,9%); nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) (+6,8%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+3,8%); hàng hóa khác (+7,9%); doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (+3,2%). Ở chiều ngược lại, có 3/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm ồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (-0,3%); ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) (-10,3%); phương tiện đi lại (trừ ô tô con kể cả phụ tùng) (-4,9%).

Quý I/2025 là thời điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng các loại hàng hóa và dịch vụ của người dân Hà Nam tăng cao đã đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng theo. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 28/2024/NQ/HĐND ngày 06/12/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam đã tác động làm chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế của quý I/2025 tăng 10,79% so với cùng kỳ năm trước… là những nguyên nhân chính tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2025 của tỉnh Hà Nam.

Bình quân quý I/2025, CPI tăng 3,03% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó có 09/11 nhóm hàng có CPI tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+5,26%); đồ uống và thuốc lá (+0,5%); may mặc, mũ nón và giày dép (+1,95%); nhà ở và vật liệu xây dựng (+1,04%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+3,29%); thuốc và dịch vụ y tế (+10,79%); giáo dục (+1,3%); văn hóa, giải trí và du lịch (+1,43%); hàng hóa và dịch vụ khác (+4,23%). Có 02/11 nhóm hàng có CPI giảm: Giao thông (-4,44%); bưu chính viễn thông (-0,03%).

Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu đơn hàng

Sản xuất công nghiệp của tỉnh Hà Nam trong quý I/2025 có nhiều khởi sắc. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi một số ngày nghỉ trong dịp đón Tết dương lịch và Tết Cổ truyền dân tộc, các doanh nghiệp tỉnh đã tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay sau các kỳ nghỉ lễ. Do vậy, ngành công nghiệp của tỉnh trong quý I/2025 vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tăng 12,84% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2025 ước tính tăng 12,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,15%, đóng góp 7,73 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,68%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,11%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 13,87%, làm giảm 0,36 điểm phần trăm.

Ước tính quý I năm 2025, IIP tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành khai khoáng giảm 18,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,6%. Có 19/26 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành chủ lực có mức tăng cao như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, tăng 29,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 18,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 36,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 19,4%... Có 7/26 ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành chủ lực như: Khai khoáng khác giảm 18,6%; sản xuất đồ uống giảm 3,3%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 28,7%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Dây điện các loại tăng 20,1%; linh kiện, thiết bị điện tử tăng 29,1%; bia các loại tăng 31%; xe gắn máy tăng 16,2%; xi măng và clanke tăng 6,5%... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Đá khai thác giảm 18,7%; nước giải khát giảm 10,5%; bình đun nước nóng giảm 22,7%; đồ chơi trẻ em giảm 32,9%...

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm cuối tháng 3/2025 tăng 1,82% so với tháng trước và tăng 0,98% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, so với cùng thời điểm năm trước, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 13,07%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,14%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,45%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,58%.

Tiến Thành