Số liệu Cục Thống kê tỉnh Hà Nam cho thấy, tính chung 11 tháng đầu năm 2024, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp may mặc Hà Nam ký thêm nhiều đơn hàng mới
Theo Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng cao, ước tính tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 21,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,3%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý xử lý nước thải, rác thải tăng 9,4%.
Tính chung 11 tháng, có 18/26 ngành cấp II của tỉnh Hà Nam có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có nhiều ngành chủ lực như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 24%; sản xuất thiết bị điện tăng 34,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 20%; sản xuất kim loại tăng 29,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,1%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 17,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,5%... Đặc biệt, ngành may mặc tháng 11 có nhiều tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc Hà Nam ký được nhiều đơn hàng mới cho dịp cuối năm và đầu năm 2025, chỉ số IIP của sản xuất trang phục ghi nhận tăng 3,7%
Ngược lại, có 8/26 ngành cấp II có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong đó một số ngành chủ lực như: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 3,5%; dệt giảm 3,5%; khai khoáng khác giảm 8,4%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 12,7%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 11 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Dây điện các loại (+37,1%); linh kiện, thiết bị điện tử (+24%); thịt lợn, gà tươi hoặc ướp lạnh (+15,2%); sữa các loại (+8,7%); thức ăn chăn nuôi (+5,9%); xi măng và clanke (+3,9%); bia các loại (+8,6%); quần áo may sẵn (+3,7%)... Một số sản phẩm chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm 2023: Vải các loại (-16,8%); đồ chơi trẻ em (-15,5%); đá khai thác (-8,4%); xe gắn máy (-3,5%); bình đun nước nóng (-2,1%)…
Các doanh nghiệp bán lẻ chủ động kích cầu tiêu dùng
Tháng 11, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn ra sôi động, các ngành hàng bán lẻ và dịch vụ ghi nhận mức doanh thu cao và đạt tăng trưởng tích cực so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các doanh nghiệp bán lẻ đã và đang đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu tiêu dùng để thu hút khách hàng trong những tháng cuối năm.
Tiến độ thi công của một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ góp phần tác động tích cực đến hoạt động vận tải hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng giá trị cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại, dịch vụ những tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn khi kinh tế thế giới, bất ổn chính trị tại một số quốc gia diễn biến phức tạp, biến động của giá vàng thế giới và tỷ giá USD gây sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, giá cả xăng dầu... sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất và thị trường hàng hóa.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11/2024 ước đạt 5.071,7 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 27,8% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, có 9/12 nhóm hàng bán lẻ ghi nhận mức tăng từ 1,1% - 54,9% so với cùng tháng năm trước. 3 ngành có mức giảm là: ô tô con dưới 9 chỗ ngồi (-2,83%); nhiên liệu khác trừ xăng dầu (-6,89%); phương tiện đi lại (trừ ô tô con kể cả phụ tùng) (-11,86%).
Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 49.213,2 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 40.267,7 tỷ đồng, tăng 12,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2.845,8 tỷ đồng, tăng 9,7%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1.234,3 tỷ đồng, tăng 176,9%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 4.865,4 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, 11 tháng năm 2024, có 7/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có mức doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước gồm: Lương thực, thực phẩm (+26,97%); hàng may mặc (+3,21%); vật phẩm, văn hóa, giáo dục (+14%); gỗ và VLXD (+3,76%); xăng, dầu các loại (+10,04%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+15,21%); hàng hóa khác (+11,64%). 5/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước gồm: Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (-3,67%); ô tô con dưới 9 chỗ ngồi (-0,15%); phương tiện đi lại (trừ ô tô con kể cả phụ tùng) (-6,34%); nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) (-0,22%); doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (-4,94%).