Sau 2 năm (từ 2023- đến nay) thực hiện thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (gọi tắt là Đề án 319), lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Nam đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).
Cụ thể, ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Ngay sau khi Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành, Cục QLTT Hà Nam đã kịp thời triển khai tới các Phòng chức năng, các Đội QLTT trực thuộc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh về lĩnh vực thương mại điện tử, đồng thời Cục QLTT Hà Nam đã ban hành các Kế hoạch, Công văn chỉ đạo thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT.
Kết quả, sau 2 năm (từ 2023- đến nay) triển khai Đề án 319, Cục QLTT Hà Nam đã kiểm tra 11 vụ; vi phạm 06 vụ; tổng số tiền thu nộp NSNN 116.800.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Buôn bán hàng giả trên môi trường internet; Không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; Buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; Kinh doanh hóa chất hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính, Cục QLTT Hà Nam luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng. Cục QLTT Hà Nam phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn (Báo Hà Nam, Đài phát thanh truyền hình địa phương,..) và các cơ quan có liên quan, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và Trang thông tin điện tử của Cục, kịp thời phản ánh tình hình, các vụ việc và hành vi vi phạm; chỉ đạo các Đội QLTT thực hiện kiểm tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền, phổ biến phát luật bằng các hình thức như treo băng zôn, phát tờ rơi, ký cam kết về việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thương mại, không buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng.
Trong kỳ báo cáo, Cục QLTT Hà Nam đã đăng 152 tin bài về hoạt động của lực lượng lên Trang thông tin điện tử của đơn vị thực hiện treo 161 băng zôn tuyên truyền, phát 11.150 tờ rơi, ký 1.763 cam kết với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Đồng thời, Cục QLTT Hà Nam thường xuyên chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn như: Công an, Hải quan, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan khác trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời ngặn chặn và xử lý vi phạm hành chính các hành vi kinh doanh hàng giả, hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng nói chung và trong lĩnh vực TMĐT nói riêng. Công tác phối hợp được Cục QLTT Hà Nam triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng quy định.
Đánh giá hiệu quả và thực hiện các mục tiêu của Đề án 319, ông Bùi Văn Điền - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nam cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra kiểm soát bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Đảng ủy Cục quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời. Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại của lực lượng QLTT đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm. Do đó Đề án 319 đã thực sự góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức để công chức, người lao động, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Bùi Văn Điền cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại, cụ thể như: Việc áp dụng đơn thuần các biện pháp nghiệp vụ mang tính truyền thống để phát hiện vi phạm trong môi trường TMĐT là chưa phù hợp, không đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Trình độ chuyên môn của công chức trong đấu tranh chống vi phạm trên không gian mạng còn hạn chế và không đồng đều. TMĐT là loại hình kinh doanh mới, đòi hỏi cán bộ kiểm soát viên phải có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin nhất định mới thực hiện được.
Hầu hết các đối tượng hoạt động bán hàng online tại địa bàn nhỏ lẻ, bán hàng qua mạng xã hội, không có đăng ký kinh doanh, không có địa điểm kinh doanh, nằm sâu trong khu dân cư, sử dụng nhà ở để hoạt động kinh doanh, bán hàng online, không treo biển hiệu nên việc tiến hành kiểm tra rất khó thực hiện. Vi phạm tại các trang mạng xã hội như zalo, facebook và các ứng dụng di động khó chứng minh vi phạm và không xác thực được đối tượng vi phạm trừ khi đối tượng thừa nhận vi phạm. Hiện nay chưa có đơn vị quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về các thông tin chủ sở hữu của các tài khoản mạng xã hội, ứng dụng di động nên còn gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng vi phạm.
Trước những khó khăn trên, thời gian tới Cục QLTT Hà Nam sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ các chỉ đạo của các cấp đến toàn thể công chức người lao động thuộc Cục. Đồng thời trong các năm tới, Cục sẽ đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, thu thập thông tin tập trung vào hoạt động TMĐT, hoạt động kinh doanh hàng giả và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, gia tăng cả về số lượng cuộc tuyền truyền. Qua đó nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cho tổ chức, cá nhân, góp phần cải thiện ý thức chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn những nhà cung cấp có uy tín, chất lượng, bảo đảm an toàn để xây dựng, phát huy văn hóa kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.
Tiếp tục duy trì đường dây nóng 24/24h kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh của người dân theo đúng quy định các thông tin liên quan đến kinh doanh qua TMĐT. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động hơn nữa trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin với các cơ quan liên quan như Công An, Thuế, Hải quan,.. và các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động TMĐT. Đồng thời, chủ động rà soát và báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp lý đến các cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ các khó khăn.