Ngày 30/1, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo 389/TP Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì hội nghị.
Theo Ban Chỉ đạo 389/TP, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại vẫn phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau , như không khai báo, khai hải quan không đúng với hàng hóa thực tế, thủ đoạn cất dấu ma túy lẫn trong hàng hóa khác như hộp kem dưỡng da, vỏ lon bia... lợi dụng dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh; tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại các khu đô thị, các khu chung cư cao tầng..., gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của dịch vụ công nghệ thông tin cùng nhu cầu mua bán của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên môi trường mạng internet gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.
Một bộ phận lực lượng chức năng chưa chuyên sâu về nghiệp vụ; trang bị phương tiện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định còn mâu thuẫn, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc...
Chia sẻ về những thủ đoạn vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, tình trạng buôn lậu đang diễn ra phức tạp ở nhiều quận, huyện và hầu hết các tuyến lưu chuyển hàng hóa.
Để qua mắt lực lượng chức năng đối tượng buôn lậu thường cất giấu hàng lậu, hàng giả lẫn trong hàng hóa thông thường hoặc đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; Mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.
Ðáng lo ngại là các đường dây buôn lậu mọc lên liên tục, đường dây này bị triệt phá lại xuất hiện đường dây khác với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện hơn. Các đối tượng buôn lậu thường tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, khu chung cư cao cấp.
Đồng thời lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa, việc giao hàng thông qua doanh nghiệp vận chuyển trung gian nên lực lượng chức năng khó xác định vị trí kho hàng để kiểm tra, xử lý.
“Hiện trên địa bàn Hà Nội có đến 500 doanh nghiệp vận chuyển bưu chính, nhưng không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa, đồng thời thanh toán qua trung gian... nên việc xác minh thông tin đối tượng buôn bán hàng lậu không dễ” - ông Kiên nêu ví dụ.
Phó Chánh văn phòng BCĐ 389 quốc gia Đỗ Hồng Trung cho biết, quá trình xử lý buôn lậu chủ yếu ở mức xử phạt hành chính, nhưng hiện mức xử phạt chưa đủ sức răn đe đối tượng. Đơn cử, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 10 triệu đến 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3 - 4 lần giá trị thật của hàng hóa.
Để tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, đại diện Công an TP Hà Nội, Trung tá Nghiêm Tuấn Anh đề xuất, các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định. Cụ thể, với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình lưu thông phải có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu, không chấp nhận hóa đơn bán hàng nội địa thông thường. Trong quá trình điều tra xác định hàng giả mạo xuất xứ nhưng lực lượng chức năng không xác định được chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc không có sản phẩm chính hãng để giám định thì những sản phẩm đó được coi là hàng giả.
Trong khi đó theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hà Nội Nguyễn Trường Giang, hiện các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử. Vì vậy Bộ TT&TT cần có quy định định danh người bán hàng, từ đó xác định được các nghĩa vụ với nhà nước. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần kiểm soát hoạt động vận chuyển của doanh nghiệp bưu chính bởi đã có hiện tượng người Trung Quốc sở hữu đến 49% cổ phần từ đó lợi dụng những đơn vị này vận chuyển hàng lậu.
Trước những kiến nghị của các cơ quan chức năng, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu trong thời gian tới lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thị trường, kịp thời đề xuất xử lý những vấn đề gây bất ổn, đảm bảo cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong các dịp lễ, Tết.
Trong cao điểm Tết Giáp Thìn, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Để góp phần bình ổn thị trường, BCĐ các quận huyện cần đề ra các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.
Đồng thời rà soát khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả. “Bên cạnh đó các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để từng người dân trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm, không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, mua bán hàng vi phạm” - Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Trong năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389/TP đã thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ; xử lý hành chính 26.535 vụ, khởi tố 163 vụ đối với 192 đối tượng đã bị khởi tố hình sự. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 4.307 tỷ 744 triệu đồng.