Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, tuy phát triển nhưng sự liên kết còn rời rạc, không gắn kết, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các DN nhỏ và DN có quy mô lớn hơn, giữa DN Việt Nam và các DN FDI. Để giúp các DN công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và các DN Việt Nam nói chung nâng cao năng lực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Hà nội đã đưa ra nhiều giải pháp mang lại hiệu quả.
Hội chợ để gắn kết doanh nghiệp
Mới đây nhất, vào ngày 28-29/10, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2020 tại Trung tâm Xúc tiến Nông nghiệp Hà Nội (đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Do ảnh hưởng của Covid-19, gần 190 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, 20 nhà mua lớn với 230 gian hàng tham gia theo cả hai hình thức: offline tại hội trường và online - giao thương trực tuyến.
Hội chợ được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung nâng cao năng lực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, bao gồm ba ngành: linh kiện điện - điện tử, linh kiện lắp ráp ô-tô, xe máy, xe cơ giới và linh kiện cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao...
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh, việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ một cách hợp lý, cân đối trong bối cảnh toàn cầu hóa sẽ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức bởi dịch Covid-19 và làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về khu vực Đông - Nam Á, việc tổ chức Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cũng nhằm đón đầu cơ hội, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, để các doanh nghiệp quảng bá, giới hiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể giao thương hiệu quả trong điều kiện tác động của dịch Covid-19, Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2020 được tổ chức theo hình thức truyền thống kết hợp với online. Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ vừa có thể giao thương trực tiếp, vừa có thể giao thương qua công cụ họp trực tuyến với các doanh nghiệp nước ngoài tại các quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… không thể sang Việt Nam trong dịp này.
Sự kiện được các doanh nghiệp đánh giá đem lại hiệu quả thực tế cao khi kết hợp giữa hình thức đặt lịch hẹn giao thương trước trên website với trưng bày sản phẩm, linh phụ kiện tại gian hàng, giúp các doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch, chuẩn bị tài liệu, sản phẩm mẫu tham gia Hội chợ, từ đó đạt được các cuộc trao đổi thực chất, tiềm năng hợp tác cao.
Ghi nhận sau thành công của Hội chợ, ông Đàm Tiến Thắng chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên Hội chợ công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội năm 2020 tổ chức, hi vọng với những thành công này, Hội chợ sẽ được tổ chức thường niên vào các năm sau. Với sự tham gia đông đảo của các DN trong chuỗi cung ứng, chế tạo, đặc biệt là các DN tham gia chế tạo cho phía đối tác Nhật Bản.
Chúng tôi thống kê được số liệu tương đối chính xác, sau lần đầu tiên chúng ta tiến hành cả hai hình thức offline tại hội trường và online - giao thương trực tuyến. Chúng tôi đã chuẩn bị hệ thống hậu cần rất tốt để tạo mọi điều kiện cho DN tham gia cả online lẫn offline. Với hình thức online, đã ghi nhận gần 50 nghìn lượt tiếp xúc giữa các DN, các nhà cung cấp, nhà mua trong 2 ngày diễn ra hội chợ. Đây là tiền đề rất tốt để nâng cao tính kết nối cho các doanh nghiệp CNHT, giúp các doanh nghiệp tăng thêm sức mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chịu sức ép cạnh tranh lớn
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng hiện nay, những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà doanh nghiệp trong nước cung ứng được chỉ mới là sản phẩm giản đơn, chưa phải là những sản phẩm cốt lõi, mang tính đặc trưng riêng của sản phẩm đầu cuối nên giá trị gia tăng không cao.
Doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng chủ yếu vị trí thấp, nhà cung ứng cấp 3 hoặc cấp 4. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ nhà cung ứng nước ngoài dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Họ vốn có lợi thế hơn về nội lực vốn, công nghệ sản xuất và sản phẩm cung ứng. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Ông Jeff Nessom - Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH Techtronic Industries (TTI) Việt Nam cho biết, các yếu tố mà nhà cung ứng cần có như chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, đảm bảo uy tín trong các hợp đồng... là điều mà các nhà cung cấp vừa và nhỏ của Việt Nam cần lưu tâm: "Các nhà cung cấp vừa và nhỏ cần phải thiết lập được năng lực cho mình để hiện thực hóa cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp đầu chuỗi và tiếp cận mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu. TTI sẽ đẩy mạnh hơn việc kết nối với các DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam để có thể trở thành nhà cung ứng đạt chuẩn của TTI"…