Trước một số thông tin cho rằng, có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán, găm hàng chờ tăng giá, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã yêu cầu các trưởng phòng, đội trưởng các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).
Mặc dù đang là ngày nghỉ lễ, lãnh đạo Cục QLTT TP. Hà Nội đã yêu cầu huy động 100% quân số để giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, xử lý, làm rõ thông tin phản ánh. Qua kiểm tra thực tế, từ diễn biến thị trường và phản ánh của người dân, báo chí, đường dây nóng, nhìn chung khu vực nội thành Hà Nội chỉ có một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhỏ, bồn bể chứa nhỏ nên khi công suất bán hàng tăng cao gấp 2-3 lần ngày thường đã dẫn đến tình trạng hết xăng hoặc dầu cục bộ. Không có trường hợp nào đóng cửa vì mục đích đầu cơ, găm hàng.
Tại các cửa hàng bán lẻ thuộc các huyện ngoại thành, đa số đều nghiêm túc chấp hành bán hàng đúng quy định. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số trường hợp nhập hàng từ đơn vị đầu mối bị khan hàng dầu DO hoặc RON95.
Kiểm tra tại huyện Thạch Thất, lực lượng quản lý thị trường ghi nhận một số cửa hàng có hợp đồng mua xăng dầu của thương nhân phân phối là Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư phát triển Trường An, có địa chỉ tại: Số 20 đường Điện Biên, phường Lộc Hoà, Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, đã không cung cấp đủ cho các cửa hàng đãn đến cửa hàng bán lẻ không đủ lượng hàng hoá để phục vụ người dân, đặc biệt là mặt hàng dầu DO.
Qua làm việc trao đổi với lực lượng quản lý thị trường, các đơn vị này cho biết, họ phải nhập hàng với giá đầu vào cao hơn giá bán niêm yết (khoảng 1000 đồng/lít) nên phải chịu lỗ để mua hàng.
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện đơn vị kinh doanh xăng, dầu nào có hành vi đầu cơ, găm hàng, tạm dừng hoạt động, đóng cửa không hoạt động mà không thông báo với Sở Công Thương theo quy định.
Nếu có tình trạng hết hàng do nguồn cung khan hiếm, các chủ cây xăng sẽ phải làm biên bản với cơ quan quản lý, đảm bảo trong thời gian ngắn nhất sẽ có nguồn hàng cung cấp tiếp tục cho người dân.
Trước đó, theo phản ảnh của bạn đọc, ngày 1-9 tại cây xăng số 1174 đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) nhân viên tại cây xăng đã thông báo chỉ còn dầu, không còn xăng A95, E5 để bán.
Sau khi nhận phản ảnh, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đã trực tiếp có mặt để kiểm tra, đồng thời yêu cầu đội trưởng đội quản lý thị trường quận Đống Đa xuống kiểm tra Theo trình bày của cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu 1174 đường Láng, thì ngày 31-8, sau khi báo chí phản ánh việc giá xăng có thể tăng, lượng khách vào đổ xăng tăng đột biến so với ngày thường.
Do đó từ 10h ngày 1-9, tại đây đã hết cả hai loại xăng A95, E5 và chỉ còn bán dầu. Hơn nữa do cây xăng nhượng quyền nên khi chuẩn bị hết hàng, chúng tôi đã báo cho doanh nghiệp đầu mối là PVOil để cung cấp xăng.
Tuy nhiên, dù xe bồn xếp hàng từ 4h sáng 1-9 tại Hải Phòng, nhưng phải đến chiều cùng ngày mới có hàng chuyển về Hà Nội.
Để xác minh thông tin cửa hàng cung cấp, ông Trần Việt Hùng đã chỉ đạo đội quản lý thị trường quận Đống Đa kiểm tra, đo lại bồn chứa xăng của cửa hàng. Kết quả kiểm tra lúc 16h55 cho thấy mực xăng trong bồn chỉ còn khoảng 10cm, không đảm bảo cho việc bơm lên trụ để bán cho khách hàng vì dễ bị lẫn cặn.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường kết luận cây xăng này không còn xăng bán chứ không phải găm hàng chờ tăng giá xăng yêu cầu cây xăng có biển cũng như có nhân viên túc trực để thông báo rõ ràng cho khách hàng.