Hà Nội: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di sản văn hóa

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố đến 2025 và các năm tiếp theo.

Kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu của Thủ đô, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô vì sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư tu bổ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng trên địa bàn thành phố.

Huy động mọi nguồn lực xã hội để bảo tồn di sản văn hóa, tạo sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt là các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến, di tích có giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật, di tích xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sập đổ, bảo đảm công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo đúng quy định pháp luật hiện hành và quy định của thành phố.

phố sách
Phố sách Hà Nội - một trong những không gian văn hóa mới của Thủ đô

Để làm tốt việc này, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã triển khai việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia, di tích cấp thành phố đã được xếp hạng tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Thực hiện theo lộ trình tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và các di tích quốc gia, di tích cấp thành phố có giá trị tiêu biểu. Đồng thời, xây dựng và triển khai các chương trình bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di sản văn hóa…

UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá, quyết định, tiếp tục lựa chọn, bổ sung các di sản, di tích ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo thuộc phạm vi thực hiện của kế hoạch và chịu trách nhiệm xác định mức độ xuống cấp, tính chất cấp thiết của các di tích được đề xuất để cấp thẩm quyền quyết định lựa chọn đầu tư tu bổ, tôn tạo.

UBND quận, huyện, thị xã thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di sản, di tích do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công; chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí đúng mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng có hiệu quả, không để thất thoát và chịu trách nhiệm về việc không thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch trên địa bàn.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại cơ sở, kịp thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp để thất thoát kinh phí.

Các sở, ngành, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện thống nhất và lồng ghép nội dung hoạt động của kế hoạch với các chương trình, dự án liên quan.

Phan Nho