Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn vẫn còn xẩy ra, chủ yếu là các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như thuốc lá điếu, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mặt hàng phòng dịch.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã vừa tăng cường công tác phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, định giá bán bất hợp lý, mua gom hàng, đầu cơ để kiếm lời bất hợp pháp đối với các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang y tế, que test, xịt khuẩn...
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Ban Chỉ đạo 389 chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kịp thời phản ánh những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để nhân dân cảnh giác, đồng thời nêu gương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nhờ các biện pháp quyết liệt, trong tháng 02, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 1.306 vụ; xử lý 1.439 vụ (trong đó xử lý 133 vụ tồn); khởi tố 15 vụ đối với 17 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 296 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 33 vụ; gian lận thương mại 1.110 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước 214,413 tỷ đồng.
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, với vai trò là cơ quan thường trực đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Thành phố triển khai, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.
Trong tháng, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra 81 vụ, xử lý 136 vụ (trong đó xử lý 55 vụ tồn). Xử phạt hành chính 2,528 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 3,252 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công an Thành phố, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, phát hiện, điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật đối với đối tượng, ổ nhóm lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; lập danh sách những đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong tháng, lực lượng công an Hà Nội kiểm tra 333 vụ, xử lý 446 vụ (trong đó xử lý 113 vụ tồn), phạt hành chính 3,668 tỷ đồng; truy thu thuế 30,630 tỷ đồng. Khởi tố 15 vụ đối với 17 đối tượng. Trị giá hàng vi phạm 6,391 tỷ đồng.
Cục Hải quan, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tăng cường công tác thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm như Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan Gia Thụy, Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Yên Viên và Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh.
Cùng với đó, đẩy mạnh tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng điểm như hàng cấm (ma túy, vũ khí, sản phẩm động vật hoang dã, văn hóa phẩm phản động, linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng), hàng xuất nhập khẩu có điều kiện (dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, tiền, kim loại quý, xăng dầu, máy móc, thiết bị y tế đã qua sử dụng), hàng có thuế suất cao (thuốc lá, rượu, bia, điện thoại di dộng), hàng hóa tiêu dùng như bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh, gia súc, gia cầm.
Kết quả trong tháng, Cục Hải quan Hà Nội phát hiện, bắt giữ, xử lý 69 vụ, xử phạt hành chính 439 triệu đồng; truy thu thuế 50 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm 25,919 tỷ đồng…