Đã 10 ngày qua, người dân sinh sống trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phải sống trong cảnh ngập lụt do ảnh hưởng mưa lớn từ cơn bão số 2. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân vùng "rốn lũ" bị đảo lộn. Theo báo cáo nhanh tính đến 7 giờ sáng ngày 1/8, mực nước trên sông Bùi ở ngưỡng 6,91m (mức báo động 3 là 7m); số thôn, xóm bị ngập trên địa bàn là 19 thôn, xóm; số hộ bị ngập từ 0,5-2m là 1.252 hộ; số nhân khẩu bị ngập cần cứu trợ là 6.050 nhân khẩu; số nhân khẩu bị ngập phải sơ tán là 3.529 nhân khẩu.
Trên địa bàn huyện, diện tích lúa bị thiệt hại lên tới 1.099 ha; diện tích cây ngô, rau màu các loại bị thiệt hại là 354 ha; diện tích cây ăn quả bị ngập là 243 ha; diện tích thủy sản bị thiệt hại là 1.587 ha; gia súc bị ảnh hưởng 4.913 con; gia cầm bị ảnh hưởng 208.998 con.
Hiện chiều dài kênh mương bị hư hỏng lên tới 721m; đoạn đê bị ngập là 4.685m thuộc địa bàn 10 xã; chiều dài đoạn đê bị sạt lở là 30m; đường giao thông nội đồng bị ngập là 92.450m; đường giao thông nội đồng bị sạt lở là 407m…
Có mặt tại điểm ngập úng thuộc xã Nam Phương Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã hỏi thăm, động viên, chia sẻ với những khó khăn vất vả và hỗ trợ lương thực cho người dân nơi đây và mong bà con cố gắng khắc phục, vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Trong ngày 31/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã trao nhiều suất lương thực tới người dân. Mỗi suất gồm 1 bếp ga mini và 2 bình ga trị giá 500 nghìn đồng; 1 túi quà gồm thịt hộp, pate hộp, cá hộp và 1 số nhu yếu phẩm cần thiết trị giá 500 nghìn đồng...Hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Thìn, thôn Đồng Vỡ, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai có nhà bị sập do sạt lở đất và gia đình bà Hoàng Thị Sách, thôn Bạch Thạch, xã Hòa Thạch, có chồng là ông Nguyễn Tuấn Thành (sinh năm 1969) mất do bị nước cuốn trôi, mỗi hộ 5 triệu đồng.
Đồng thời, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị chức năng địa phương đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân vùng "rốn lũ". Quan tâm bố trí nơi ở tạm, sơ tán những hộ dân không bảo đảm an toàn; tiếp ứng lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch cho người dân, đặc biệt quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật...
Lãnh đạo địa phương cần chú ý đến công tác vệ sinh môi trường, nước rút đến đâu đảm bảo vệ sinh đến đó, không để bùng phát dịch bệnh. Đồng thời, có phương án đảm bảo an sinh xã hội cho người dân sau khi nước rút; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với các trận mưa tiếp theo, không để bị động trước các tình huống.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cũng đề nghị huyện Chương Mỹ rà soát và thống kê cụ thể về thiệt hại trong và sau khi nước rút để Thành phố sẽ có những hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn tiếp theo.