Với vị trí chiến lược là Thủ đô của cả nước, cùng nhiều lợi thế đặc thù, thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ số, công nghệ cao. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế số.
Mục tiêu 10.000 doanh nghiệp công nghệ số đến 2025
Thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội, 10 tháng năm 2024, TP Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch đến thành phố Hà Nội ước đạt 5,11 triệu lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nỗ lực chuyển đổi số được xác định là động lực giúp Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế. Trên nền tảng hiện có, đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương, để phát triển công nghệ số TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND về “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025”. Trong đó, đặt mục tiêu hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số và 10 nhóm sản phẩm công nghệ số chủ lực. Ngoài ra, TP Hà Nội cũng hướng đến mục tiêu ươm tạo được 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số có khả năng cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của TP Hà Nội.
Cần tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Đánh giá về những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số, Giám đốc Chiến lược Viettel Logistics Cao Cẩm Linh nhận định, rào cản của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số hiện nay là những lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu, thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động, của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, là những khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp công nghệ số, thiếu thông tin và cơ sở hạ tầng công nghệ số và các rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ.
"Để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số", bà Cao Cẩm Linh nêu rõ.
Giám đốc Công ty du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài cho rằng, để chuyển đổi số thành công cơ quan nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án công nghệ qua đó rút ngắn thời gian, giúp doanh nghiệp giảm chị phí. Đặc biệt cơ quan quản lý cần tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ, an ninh mạng quốc gia…
Rõ ràng, việc thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển bền vững là thực sự cần thiết. Nhưng để những giải pháp này phát huy tối đa hiệu quả, vẫn cần đến nhiều hơn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Giám đốc HPA Lê Tự Lực cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ số, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
Trong hai tháng cuối năm 2024, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách về tín dụng, thuế, đất đai, xúc tiến đầu tư và kết nối. Những hỗ trợ này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với chuyển đổi số và phát triển bền vững…