Từ đầu tháng 11/2024, dọc các tuyến đường lớn của Thủ đô Hà Nội, phông phướn và băng rôn hưởng ứng Chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã được treo rộng khắp để lan tỏa thông điệp “Tự hào hàng Việt Nam” đến đông đảo người dân thành phố.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 theo Thông báo kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta.
Thời điểm đó, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý sính hàng ngoại; các ngành sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu của Cuộc vận động là "phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài".
Bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ Cuộc vận động. Trong đó, tập trung vào 5 nội dung trọng tâm: (i) Tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ thực hiện Cuộc vận động; (ii) Rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; (iii) Tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng; (iv) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; và (v) Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu, đưa ra những quyết sách đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động. Những đề án, chương trình, chiến lược như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước”; Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài”; Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; Khuyến công quốc gia v.v…
Đặc biệt, Bộ Công Thương xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như năng lượng, chế biến, chế tạo, hoá chất, vật liệu mới,... nhằm xây dựng nền công nghiệp tự chủ, hiện đại; hỗ trợ những tập đoàn kinh tế đủ mạnh đóng vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.
15 năm qua, sức lan tỏa của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã vượt qua câu chuyện về phương thức hỗ trợ sản xuất kinh doanh, vượt qua câu chuyện về cách thức mà một nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ của khủng hoảng.
15 năm trước, khi Bộ Chính trị khởi xướng Cuộc vận động, “ưu tiên” là cụm từ chủ đạo dành cho hàng Việt. Nhưng đến nay, nhiều hàng Việt đã trở thành niềm tự hào của người Việt. Bởi đằng sau mỗi sản phẩm, thương hiệu Việt, đều có bóng dáng của tấm lòng người tiêu dùng Việt, doanh nghiệp Việt, khi bên trong mỗi trái tim đều thấm đẫm lời kêu gọi của non sông.