Gần như không chuyển động
Hai thành phố lớn nhất nước đã gần như không có chuyển động gì nhiều kể từ đầu năm 2017, khi Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục Doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 có hiệu lực (15/2/2017). Năm ngoái, cả hai đều không cổ phần hóa được doanh nghiệp nào trong số 39 doanh nghiệp của TP.HCM và 14 doanh nghiệp của Hà Nội. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến kế hoạch cổ phần hóa cả nước năm 2018 không đạt được.
Theo Dự thảo Quyết định về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ, Hà Nội sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa 13 doanh nghiệp; TP.HCM là 38 doanh nghiệp, gần như toàn bộ phần việc phải làm của cả giai đoạn trước (Hà Nội là 15; TP.HCM là 39). Nhưng, so với Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, chi tiết các phần việc có thay đổi.
Trong danh sách doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ, Hà Nội chỉ có 2 cái tên là Tổng công ty Du lịch Hà Nội cùng Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội. TP.HCM cũng vậy, chỉ còn Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC và Tổng công ty Công nghiệp In Bao bì Liksin.
Còn lại 11 doanh nghiệp của Hà Nội và 36 doanh nghiệp của TP.HCM trước đó nằm ở danh sách này được chuyển vào danh mục doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ trên 50% đến 65% vốn điều lệ. Theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, mỗi thành phố chỉ có 3 doanh nghiệp mà vốn nhà nước còn chi phối.
Bước quá độ
Thực ra, việc thay đổi về tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã được dự báo. Trước đó, trong các cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cả hai thành phố đều đề nghị điều chỉnh vì nhiều lý do, trong đó lý do chính là các doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu thuộc lĩnh vực công ích, an sinh xã hội và có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đầu năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo cũng yêu cầu rà soát và đề xuất phương án điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi của các kế hoạch cổ phần hóa trong bối cảnh có một số thay đổi cơ chế, chính sách.
Hơn thế, ngay Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện rà soát định kỳ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung danh mục. Do vậy, việc điều chỉnh, bổ sung Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 để làm căn cứ thực hiện trong giai đoạn 2019-2020 là phù hợp.
Tuy nhiên, những thay đổi về tỷ lệ vốn nhà nước trong doanh nghiệp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ không đồng nghĩa với việc tăng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này so với Quyết định 58/2016/QĐ-TTg.
Một chuyên gia Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, phương án chấp thuận để các bộ, địa phương nắm giữ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp khi thực hiện chào bán cổ phần lần đầu là bước quá độ để đảm bảo tiến độ thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn từ khi được phê duyệt đến hết năm 2020.
“Ngay sau đó, các bộ, ngành và tập đoàn, tổng công ty phải tiếp tục xây dựng lộ trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này theo đúng quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, để trình Thủ tướng Chính phủ”, vị chuyên gia này nói.
Điều này đã được ghi thành một mục riêng trong Dự thảo Quyết định về việc phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, Hà Nội, TP.HCM không thể chậm trễ hơn, cũng như không nhẹ gánh hơn trong trách nhiệm phải hoàn tất cổ phần hóa các doanh nghiệp. Điều này cũng tương tự với các doanh nghiệp khác có tên trong Danh mục, dù có thể đã có điều chỉnh tiến độ.