Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong năm 2018, đã có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 20.278 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 12.118 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.540 tỷ đồng; đấu giá công khai 5.429 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 179 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 7 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016 – 2018, đã có 159 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng.
Năm 2018 đã có 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng.
Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong năm 2018 còn chậm, chưa đạt được theo kế hoạch. Nhiều đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Tình hình thoái vốn cũng không khá hơn. Năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 8.640 tỷ đồng, thu về 19.618 tỷ đồng, trong đó: (i) Thoái vốn nhà nước tại 54 doanh nghiệp theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 1.707 tỷ đồng, thu về 3.327 tỷ đồng; (ii) Thoái vốn nhà nước tại 03 doanh nghiệp không thuộc danh sách tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 334 tỷ đồng, thu về 404 tỷ đồng; (iii) Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 6.598 tỷ đồng, thu về 15.887 tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế giai đoạn 2016 – 2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỷ đồng, thu về 165.956 tỷ đồng, trong đó: (i) Thoái vốn nhà nước tại 78 doanh nghiệp thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 3.790 tỷ đồng, thu về 7.107 tỷ đồng; (ii) Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg: thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco); (iii) Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 14.488 tỷ đồng, thu về 48.456 tỷ đồng.
Việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả, tuy nhiên vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, có 3 nguyên nhân khiến tiến độ CPH chậm so với kế hoạch:
- Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
- Quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.
- Tỷ lệ vốn nhà nước trong Phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.