Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản của Mỹ và Trung Quốc đã chịu tác động từ cuộc xung đột thương mại đang diễn ra giữa hai quốc gia trong 14 tháng qua.
Bổ sung nguồn hàng trong căng thẳng thương chiến
Trong diễn biến mới nhất, Mỹ và Trung Quốc đã xác nhận sẽ nối lại đàm phán trực tiếp tại Washington, D.C vào tháng 10/2019 sau khi cuộc đàm phán trong tháng 7/2019 không đạt được những kết quả mong đợi.
Sau cuộc đàm phán hồi tháng 7, Mỹ đã phản ứng bằng một tuyên bố trong tháng 8 rằng, mức thuế bổ sung 10% sẽ được áp dụng với một loạt hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 10/2019. Trước đó, Mỹ cũng đã áp mức thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, những tin xấu về thuế có thể mang đến những thông tin thị trường cho các nhà NK vì đó là dấu hiệu cho thấy có thể tình hình thị trường chưa có nhiều sự thay đổi.
Ông Jason Carter, Giám đốc tiếp thị của nhà XK cá rô phi hàng đầu Trung Quốc - Baiyang Aqual Group cho biết, các nhà NK Mỹ đang tiếp tục NK để bổ sung lượng hàng dự trữ đã cạn kiệt. Hiện nay, hàng tồn kho ở Mỹ đang ở mức thấp, trong khi giá rô phi tại trang trại ở Trung Quốc rất thấp, giá nhân dân tệ giảm. Do đó, có nhiều cách để Trung Quốc có thể XK cá rô phi với giá rẻ hơn đến Mỹ.
Trung Quốc gần đây đã để đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng USD. Theo tỷ giá tham chiếu, 7 CNY đổi 1 USD trong thời điểm cuộc chiến thương mại gây áp lực lên đồng tiền Trung Quốc, giúp cho hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh hơn ở thị trường nước ngoài.
Sẽ là một nhiệm vụ khó khăn cho các nhà bán lẻ như Walmart của Mỹ để thay thế hàng triệu pao cá rô phi nhà bán lẻ này nhập hàng năm bằng một loài thay thế khác, hay một quốc gia khác để có thể xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp sản phẩm mà Trung Quốc xây dựng trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc cũng chuyên chế biến cá rô phi bằng carbon monixide (CO). Đây là một việc không dễ được thực hiện bởi các nhà sản xuất khác.
XK của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2019 thấp hơn mức thông thường. Theo dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), NK philê cá rô phi của Mỹ đã giảm mạnh xuống 50.757 tấn trong 6 tháng đầu năm 2019, so với tổng sản lượng NK đạt 142.086 tấn trong năm 2018 và 133.719 tấn trong năm 2017.
Sự sụt giảm thương mại đối với cá rô phi trong 4 năm liên tiếp ở Mỹ do sự đánh giá tiêu cực về loại cá này trên các phương tiện truyền thông cũng như sự tăng trưởng của các loài khác như cá hồi, mặc dù cá rô phi vẫn là đối tượng được tiêu thụ nhiều thứ 4 tại thị trường Mỹ.
Người nuôi ở Việt Nam không muốn chuyển ao nuôi cá tra sang cá rô phi vì thị trường trì trệ trong thời gian dài và việc không thành công khi nuôi cá trước đó. Cá rô phi đòi hỏi lượng oxy cao hơn nhiều so với lượng oxy được nghiên cứu tại các ao ở vùng ĐBSCL. Về lâu dài, các nhà sản xuất mới như Indonesia và Ấn Độ cũng có thể xây dựng các ngành công nghiệp XK và chiếm thị phần từ Trung Quốc.
Thị trường suy giảm đã khiến giá rô phi tại trang trại giảm. Điều này cho phép các công ty Trung Quốc XK các sản phẩm giá rẻ hơn cho thị trường Mỹ. Hầu hết cá rô phi được bán sang Mỹ theo hợp đồng dài hạn. Sự giảm giá của đồng nhân dân tệ hồi đầu tháng 9 cũng giúp Trung Quốc bù đắp một phần chi phí tăng trực tiếp 25% do thuế quan.
Tuy nhiên, mức giá thấp sẽ không kéo dài vì nông dân đang khó khăn với mức giá này. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển quốc tế được dự đoán sẽ tăng. Một số công ty tránh thuế bằng cách chế biến cá rô phi thành các sản phẩm giá trị gia tăng như philê rô phi tẩm bột.
Sự thay đổi dài hạn của Mỹ
Chuyên gia phân tích nuôi trồng thủy sản của Rabobank, Gorjan Nikolik cho biết, người tiêu thụ Mỹ ban đầu sẽ trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm cá rô phi. Tuy nhiên, rô phi sau đó sẽ được thay thế bởi một loài khác như cá tra hoặc một sản phẩm cá thịt trắng của Brazil, Mexico, Indonesia hoặc Bangladesh.
Các nhà bán lẻ lớn đã vận động Chính phủ và bày tỏ lo ngại rằng thuế quan sẽ chỉ khiến thực phẩm và hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ.
Hồi tháng 5/2019, Walmart cho rằng, những người mua sắm sẽ chịu gánh nặng thuế quan do nhà bán lẻ này buộc phải tăng giá một số hàng hóa bị ảnh hưởng bởi hoạt động thương mại. Những sự gia tăng này sẽ thông qua giá bán lẻ vì thị trường đang hoạt động thông qua một kho dự trữ lớn. Cá rô phi là một loại cá giá rẻ có thể được mua qua tem phiếu thực phẩm ở Mỹ.
Cá rô phi là đối tượng XK lớn thứ hai của Trung Quốc sang Mỹ, với giá trị XK đạt 448 triệu USD trong năm 2018, tăng 2% giá trị so với năm 2017. Các sản phẩm cá rô phi gồm philê đông lạnh và cá rô phi nguyên con đông lạnh. Tôm là sản phẩm thủy sản XK lớn nhất, với khoảng 480 triệu USD XK sang Mỹ vào năm 2018, theo ITC.