Sáng 12/12/2018, buổi họp báo giới thiệu Lễ Công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018 đã được diễn ra. Thông tin tại buổi họp báo, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng nhanh qua các thời kỳ.
Cụ thể, năm 2008 là 30 doanh nghiệp, năm 2010 là 43 doanh nghiệp, năm 2012 là 54 doanh nghiệp, năm 2014 là 63 doanh nghiệp, năm 2016 là 88 doanh nghiệp và 97 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia ở năm 2018.
Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, trong số đó có những doanh nghiệp tăng trưởng gần 70%.
Đặc biệt, số liệu báo cáo của 81/88 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ V - năm 2016 cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh và bền vững. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2017 của các doanh nghiệp này đạt trên 718 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 70 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 55 nghìn tỷ đồng, tạo công việc cho hơn 300 nghìn lao động tại các doanh nghiệp trên. Các hoạt động từ thiện tại các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 2 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm xã hội trên 18 nghìn tỷ đồng.
Thông tin chi tiết về chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2018, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, năm 2018 là đợt tổ chức lựa chọn lần thứ VI được tiến hành khoa học, chặt chẽ và nghiêm túc, theo quy trình đã được phê duyệt bao gồm các bước như: quảng bá về chương trình, sàng lọc các hồ sơ đăng ký, họp Hội đồng Thương hiệu quốc gia, điều tra mức độ nhận biết thương hiệu của các doanh nghiệp...
Ngay sau khi thông tin về Chương trình năm 2018 được công bố, đã có trên 1.500 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Kết quả có trên 500 doanh nghiệp đủ điều kiện được Ban thư ký và các cơ quan chức năng tiếp tục thẩm tra, đánh giá hồ sơ và khảo sát thực địa...
Chia sẻ về những điểm mới của Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2018, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, thành viên Hội đồng Thương hiệu quốc gia cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất của Chương trình năm 2018 là tính khoa học rất là cao. Theo ông Thịnh, bộ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam đã dựa trên tiêu chí của Brand Finance, theo đó, những tiêu chí này đòi hỏi những yêu cầu rất cao của doanh nghiệp.
Thêm vào đó, chất lượng của các bộ hồ sơ gửi tham dự Chương trình cũng tăng cao, sự nhận thức của chính các doanh nghiệp về Chương trình cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Họ tự nhìn nhận, thông qua bộ tiêu chí, các doanh nghiệp đã áp dụng rộng rãi vào hoạt động sản xuất và kinh doanh...
Trước đó, trả lời phóng viên về ý nghĩa của Chương trình Thương hiệu quốc gia, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bên cạnh cơ hội mà những FTA Việt Nam đã ký kết cũng như đang đàm phán với các đối tác quốc tế thì cũng có rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Do đó, chương trình Thương hiệu quốc gia có rất nhiều ý nghĩa và tác dụng thiết thực. Một trong những ý nghĩa đó là giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa cũng như những thị trường mà Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu.
Nhấn mạnh thêm về ý nghĩa của Chương trình này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Chương trình Thương hiệu quốc gia không phải là giải thưởng về thương hiệu mà đây là Chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia của Việt Nam thông qua thương hiệu của các sản phẩm hàng hóa.
“Chính phủ không làm thay doanh nghiệp nhưng sẽ đồng hành và hỗ trợ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhất là hoạt động ngay tại thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế mà doanh nghiệp Việt Nam hiện đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh thế mạnh. Doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào Chương trình cũng được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thương hiệu và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển, bảo vệ thương hiệu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Lễ Công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018 sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 20/12/2018 tại Nhà hát lớn, Hà Nội.
Lần lựa chọn thứ nhất vào năm 2008, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã lựa chọn được 30 doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đáp ứng được các điều kiện của Chương trình. Trong 10 năm vừa qua, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia gồm thành viên là lãnh đạo các bộ/ngành, các hiệp hội, các trường đại học đã tích cực chỉ đạo Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia và các cơ quan liên quan tập trung triển khai các nội dung của Chương trình trong đó có việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia 2 năm 1 lần.
Vừa qua, Brand Finance đã công bố bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018. Theo đó, thương hiệu “Vietnam” được Brand Finance định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Với kết quả đó, vị trí của thương hiệu “Vietnam” được cải thiện 2 bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.