TÓM TẮT:
Hệ thống logistics đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và trên toàn cầu, thông qua việc tối ưu hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh từ khâu đầu vào đến khi sản phẩm được giao đến người tiêu dùng cuối cùng. Phát triển hệ thống logistics là giải pháp then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, địa phương, cũng như mỗi quốc gia. Trên cơ sở phương pháp nghiên cứu tại bàn và khảo sát 61 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai, bài viết này tập trung trình bày cơ sở lý thuyết về hệ thống logistics, từ đó phân tích thực trạng các yếu tố cấu thành trong hệ thống logistics và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Từ khóa: hệ thống logistics, logistics, tỉnh Gia Lai.
1. Cơ sở lý thuyết về hệ thống logistics
Theo Dimitrov (1991), hiểu một cách đơn giản ở góc độ vĩ mô, hệ thống logistics là tất cả các hoạt động liên quan đến dòng dịch chuyển hàng hóa trong nền kinh tế của các quốc gia như lưu trữ, xếp dỡ, vận chuyển, cũng như các quy trình quản lý và truyền tải thông tin. Về cấu trúc, Banomyong (2008) cho rằng, hệ thống logistics bao gồm 4 thành phần được mô tả như trong Hình 1. Banomyong & cộng sự (2015) trong các nghiên cứu về năng lực logistics tại một số quốc gia như Đài Loan, Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác tại khu vực sông Mekong cũng đã sử dụng chính mô hình này để đánh giá hệ thống logistics.
Khung thể chế pháp lý liên quan đến logistics bao gồm: (1) Các chủ trương, định hướng, chính sách, quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hành lang pháp lý cho logistics phát triển đúng hướng; (2) Bộ máy điều hành và thực thi pháp luật đóng vai trò tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các quy định liên quan đến logistics như quy định về xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan… Nếu quy định của pháp luật quá phức tạp, hệ thống thực thi pháp luật về logistics kém hiệu quả, chắc chắn sẽ làm cản trở dòng lưu chuyển của hàng hóa, dịch vụ, thông tin trong hệ thống logistics và gia tăng chi phí logistics (Trần Thanh Hải, 2023).
Hạ tầng logistics bao gồm (1) hạ tầng cứng là hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ cung ứng dịch vụ logistics và (2) hạ tầng mềm là hệ thống công nghệ, phần mềm phục vụ cho việc trao đổi thông tin giữa các bên trong quá trình cung ứng dịch vụ logistics... Trong đó, hạ tầng cứng lại được cấu thành bởi hạ tầng tĩnh và hạ tầng động (Trần Thanh Hải, 2023). Hạ tầng tĩnh chính là mạng lưới đường bộ, sân bay, cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng cạn, nhà ga; các điểm tập kết, trung chuyển, lưu trữ hàng hóa như hệ thống kho CFS, kho ngoại quan, bãi container, các trung tâm logistics. Hạ tầng động là hệ thống phương tiện như xe tải, xe container, tàu thuỷ, xà lan, đầu máy, toa xe, máy bay… và các trang thiết bị sử dụng tại các cơ sở logistics. Đây là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong hệ thống logistics, có tác động lớn đến thời gian xử lý, xếp dỡ hàng hóa, mức độ tổn thất hàng hóa…
Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics chính là các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại có nhu cầu thuê ngoài dịch vụ logistics để tập trung nguồn lực vào năng lực cạnh tranh lõi; khai thác tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics; tiết kiệm được chi phí đầu tư tài sản logistics cũng như tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô của nhà cung cấp dịch vụ logistics. Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics yêu cầu hàng hóa phải được lưu chuyển bởi nhà cung cấp dịch vụ logistics có năng lực tương tác và tích hợp hiệu quả với hệ thống logistics nội bộ của họ trên thị trường trong nước và quốc tế (An Thị Thanh Nhàn và cộng sự, 2018).
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics là những doanh nghiệp đủ điều kiện và năng lực cung ứng các loại hình dịch vụ loigstics cho khách hàng để được hưởng thù lao, bao gồm các hãng tàu biển, hãng hàng không, doanh ngiệp vận tải đường sắt, đường bộ, doanh nghiệp giao nhận, đại lý hải quan, bảo hiểm, giám định… (Trần Thanh Hải, 2023). Các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp mang lại hiệu quả cao không chỉ ở chất lượng dịch vụ mà còn tiết kiệm tối đa về thời gian và chi phí cho mọi quá trình phân phối vận động hàng hóa trong nền kinh tế.
2. Thực trạng hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai
2.1. Thực trạng khung thể chế pháp lý liên quan đến logistics
Trong những năm vừa qua, logistics là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển. Năm 2021, lần đầu tiên thuật ngữ “logistics” được đưa vào Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ XIII với nội dung: “Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ như: du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý…”. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo này, hàng loạt các văn bản liên quan đến phát triển hệ thống logistics quốc gia đã được ban hành như: Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 phê duyệt Kế hoạch Hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 phê duyệt Chiến lược Tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có quy hoạch các tuyến cao tốc khu vực Tây Nguyên và qua Gia Lai; Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có các tuyến mới kết nối vùng, liên vùng khu vực Tây Nguyên; Nghị quyết 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Quyết định số 648/QĐ/TTg ngày 7/6/2023 phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh các chủ trương, chính sách, quy hoạch chung của quốc gia, tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành 2 văn bản quan trọng liên quan đến phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh. Đó là Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 14/12/2021 ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trong đó, UBND Tỉnh đã giao Sở Công Thương Gia Lai chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức đánh giá các điều kiện và đề xuất giải pháp phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Kế hoạch số 1130/KH-UBND ngày 17/05/2023 ban hành Kế hoạch Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030. Nội dung Kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ, như: Hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động logistics; Phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; Cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển tỉnh.
2.2. Thực trạng hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Hiện nay, Gia Lai chỉ có 2 phương thức vận tải chính là đường bộ và đường hàng không nên hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh chủ yếu gồm hạ tầng đường bộ, hạ tầng đường hàng không và hạ tầng kho bãi.
Hạ tầng đường bộ
Mạng lưới đường bộ của Gia Lai bao gồm 06 quốc lộ, 10 đường tỉnh, mạng lưới giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã, đường thôn buôn), mạng lưới giao thông đô thị, đường chuyên dùng (Bảng 1). Trong đó, 06 tuyến quốc lộ được phân bổ theo trục dọc và trục ngang. Trục dọc có Đường Hồ Chí Minh (QL.14) đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 146,3 km; Đường Trường Sơn Đông đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 213 km; Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 90,88 km. Trục ngang có Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 157 km; Quốc lộ 19D đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 45,5km; Quốc lộ 25 đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 112 km. Trong đó, các quốc lộ 19, 25, 14, 14C, Trường Sơn Đông đã được đầu tư, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III và IV theo quy hoạch.
Bảng 1. Hiện trạng mạng đường bộ tỉnh Gia Lai
TT |
Loại đường |
Chiều dài (Km) |
Tỷ lệ (%) |
1 |
Quốc lộ |
765 |
5,9 |
2 |
Đường tỉnh |
372 |
2,8 |
3 |
Đường đô thị |
965 |
7,5 |
4 |
Đường huyện |
1.900 |
14,7 |
5 |
Đường xã |
8.344 |
64,8 |
6 |
Đường chuyên dùng |
517 |
4,0 |
7 |
Tổng cộng |
12.863 |
Nguồn: Sở GTVT Gia Lai 2020
Ngoài ra, Gia Lai hiện có 130 cầu trên quốc lộ đi qua tỉnh với tổng chiều dài là 5.977 m, trong đó có 12 cầu yếu/hạn chế tải trọng. Trên hệ thống đường tỉnh có tổng số 37 cầu với tổng chiều dài 1.818,6 m, trong đó có 09 cầu chất lượng tốt, 23 cầu trung bình, 05 cầu yếu/hạn chế tải trọng.
Hạ tầng vận tải đường hàng không
Cảng hàng không Pleiku nằm trên địa phận thành phố Pleiku, cách trung tâm thành phố 3 km về phía Đông Bắc, cạnh Quốc lộ 14. Cảng hàng không Pleiku hiện có 01 đường CHC kích thước: 2.400 x 45 m, lề rộng 7,5m, có kết cấu BTXM đoạn 165m đầu 09 và BTN phần còn lại và 01 đường lăn song song rộng 18,5m, kết cấu BTN cùng 05 đường lăn nối đường CHC với đường lăn song song. Tuy nhiên, Cảng hàng không Pleiku hiện chỉ sử dụng khai thác đường lăn N4, N6 và 01 đoạn đường lăn N5 (nối từ N4 đến N6). Cảng hàng không Pleiku không có nhà ga hàng hoóa. Do đó, hàng hóa phải xử lý trong nhà ga hành khách. Hiện có 04 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Bamboo Airways khai thác các đường bay nối Pleiku đi/đến các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Hạ tầng kho bãi
Hệ thống kho bãi phục vụ cho tập kết, bảo quản hàng hóa trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được đầu tư xây dựng nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, phần lớn phục vụ nhu cầu riêng các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đến nay, tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh có 06 dự án đầu tư xây dựng kho hàng nông, lâm sản; trong đó có 03 kho đã hoàn thành đi vào hoạt động và 03 dự án kho đang xây dựng. Đồng thời, cũng có 03 dự án đang đầu tư xây dựng địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa tại đây.
2.3. Thực trạng các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Theo số liệu của Cục Thống kê Gia Lai năm 2021, có khoảng 200 doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ logistics, chiếm 4,76% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xét theo khu vực địa lý, doanh nghiệp logistics đang tập trung chủ yếu tại TP. Pleiku với 69,0% số doanh nghiệp đang hoạt động. Sau đó là Thị xã An Khê (7,5%); Đắc Pơ (3,5%); Kbang (3,0%) và 2,5% là tại huyện Đắc Đoa. Còn lại 14,5% số doanh nghiệp dịch vụ logistics phân bố rải rác ở các huyện khác (Hình 2).
Xét theo loại hình dịch vụ, doanh nghiệp logistics Gia Lai đang tập trung chủ yếu trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ với 90,0% số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Số doanh nghiệp đang cung cấp các loại hình dịch vụ logistics khác chiếm tỷ trọng nhỏ hơn rất nhiều, cụ thể như sau: 6,5% doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển đường bộ; 1,5% doanh nghiệp dịch vụ kho bãi; 2,0% doanh nghiệp dịch vụ bưu chính, chuyển phát (Hình 2).
Kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai được phản ánh trên các chỉ tiêu tài chính như: vốn sản xuất, kinh doanh bình quân hàng năm, giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn, tài sản cố định bình quân trên 1 lao động, doanh thu thuần, thu nhập của người lao động, thu nhập bình quân/tháng của người lao động và lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017 - 2019 được phản ánh chi tiết trong Bảng 2.
Bảng 2. Một số chỉ tiêu kết quả kinh doanh của doanh nghiệp logistics tại Gia Lai
(Đvt: tỷ đồng)
Chỉ tiêu |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
Vốn SXKD bình quân/năm |
4.574 |
4.769 |
5.737 |
4.469 |
5.236 |
Giá trị TSCĐ và ĐTTC dài hạn |
3.548 |
2.888 |
3.375 |
3.360 |
3.540 |
Doanh thu thuần |
1.315 |
1.323 |
1.502 |
2.066 |
1.468 |
Thu nhập của người lao động |
168.839 |
180.332 |
163.171 |
151.637 |
150.152 |
Thu nhập/tháng của NLĐ |
4.615 |
5.973 |
5.565 |
5.524 |
6.205 |
Lợi nhuận trước thuế |
(116.580) |
(158.411) |
(175.229) |
(152.198) |
(130.468) |
Tài sản cố định bình quân 1 LĐ |
1.130 |
758 |
1.044 |
961 |
1.055 |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ Niên giám Thống kê Gia Lai, 2022
2.4. Thực trạng hoạt động logistics tại các doanh nghiệp sản xuất, thương mại tỉnh Gia Lai
Kết quả khảo sát 61 doanh nghiệp sản xuất, thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho thấy, đại đa số các doanh nghiệp (93,4%) chưa có bộ phận chuyên trách về logistics. Chức năng này do các phòng ban khác như Phòng Kinh doanh (36,1%), Phòng Kế hoạch sản xuất và Phòng Xuất nhập khẩu (13,1%), Phòng Marketing (1,6%) hoặc phân tán ở nhiều bộ phận khác nhau (29,5%) đảm nhiệm. Điều này khẳng định tính chuyên nghiệp thấp và sự thiếu bài bản trong quản trị logistics, cũng như hạn chế trong nhận thức của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh. (Bảng 3)
Bảng 3. Bộ phận thực hiện chức năng logistics trong DN
Bộ phận thực hiện chức năng logistics |
Số DN trong mẫu lựa chọn |
Tỷ trọng (%) |
a. Phòng Kinh doanh |
22 |
36,1 |
b. Phòng Kế hoạch Sản xuất |
8 |
13,1 |
c. Phòng Xuất - Nhập khẩu |
8 |
13,1 |
d. Phòng Logistics/QL chuỗi cung ứng |
4 |
6,6 |
e. Phòng Marketing |
1 |
1,6 |
f. Phân tán ở nhiều bộ phận khác nhau |
18 |
29,5 |
Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả
Bên cạnh việc tổ chức bộ phận logistics trong doanh nghiệp, kết quả khảo sát thực trạng thuê ngoài dịch vụ logistics cho thấy, có 5 nhóm dịch vụ logistics được các doanh nghiệp sản xuất thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai thuê ngoài nhiều nhất là vận tải nội địa (100% số doanh nghiệp khảo sát), giao nhận hàng hóa (83,6%); vận tải quốc tế (67,2%), kho bãi (60,7) và kê khai hải quan (44,3%). Kết quả này phù hợp với xu hướng thuê ngoài của Việt Nam và thế giới. (Hình 3)
Liên quan đến chi phí logistics, gần 1/2 số doanh nghiệp được khảo sát ước tính tỷ trọng chi phí logistics trong tổng doanh thu nằm trong khoảng từ 11 - 20%; gần 30% có tỷ trọng chi phí logistics là 21 - 30%; cá biệt có một doanh nghiệp tư nhân có tỷ trọng chi phí logistics cao hơn 41%. Số doanh nghiệp có tỷ trọng chi phí logistics trong tổng doanh thu nhỏ hơn 10% chỉ chiếm 1/5. Kết quả này cho thấy, chi phí logistics của các doanh nghiệp sản xuất, thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn khá cao; điều này làm giảm hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai. (Bảng 4)
Bảng 4. Tỷ trọng chi phí logistics trong tổng doanh thu của doanh nghiệp
Tỷ trọng chi phí logistics |
Số DN trong mẫu lựa chọn |
Tỷ trọng |
0 đến 10% |
12 |
19,7 |
11 đến 20% |
30 |
49,2 |
21 đến 30% |
18 |
29,5 |
31 đến 40% |
0 |
0 |
>41% |
1 |
1,6 |
Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả
3. Giải pháp phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển dịch vụ logistics
Gia Lai cần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống logistics, bảo đảm tương thích và đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch chuyên ngành khác của tỉnh. Quy định phân công, phân cấp quản lý hoạt động logistics trên địa bàn một cách rõ ràng, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics trong các khâu lưu thông xuất nhập khẩu, vận chuyển, phân phối, dự trữ hàng hóa. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan... theo hướng ngày càng minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp.
Giải pháp phát triển hạ tầng logistics
Gia Lai cần phát triển đồng bộ 3 nhóm hạ tầng logistics, bao gồm: hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng công nghệ và hạ tầng kết nối. Theo đó, giải pháp cụ thể như sau: (1) Tỉnh cần kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm chế xuất, kho bãi, cảng cạn, hạ tầng cửa khẩu, các trung tâm thương mại và chế biến hàng nông sản xuất khẩu tập trung, gắn kết với hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng logistics một cách đồng bộ. (2) Kêu gọi đầu tư hợp tác công tư để kết nối hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc Thành phố Pleiku với cảng Quy Nhơn, Thành phố Pleiku với Đắk Lắk và Kon Tum. Đồng thời, nâng cấp mở rộng QL19, QL14, QL25 để tạo đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đối với khu vực miền Trung Tây Nguyên. Chú trọng nâng cấp giao thông đường bộ từ Thành phố Pleiku đến các vùng trồng và sản xuất cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả các loại tại các huyện như Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đắk Đoa, Mang Yang. (3) Ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics; Đầu tư nhà kho hiện đại, trang bị các công nghệ tiên tiến như hệ thống tự động hóa và giám sát toàn diện, giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả của quá trình vận chuyển.
Nâng cao năng lực quản trị logistics và năng lực cung cấp dịch vụ logistics của các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống logistics thích ứng linh hoạt với những biến động thị trường. Đặc biệt, cần đề cao quá trình chuyển đổi số trong quản lý logistics thông qua những ứng dụng kho, vận tải điện tử, giám sát tự động ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh và trong cả nước, với các doanh nghiệp thuộc các hiệp hội ngành nghề; Khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics trong và ngoài nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại tỉnh nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu của tỉnh; Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào các hoạt động trong chuỗi logistics, tạo động lực để thu hút các doanh nghiệp sản xuất thương mại và doanh nghiệp dịch vụ khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- An Thị Thanh Nhàn và cộng sự (2018). Giáo trình quản trị logistics kinh doanh, NXB Hà Nội.
- Banomyong, R. (2008). Logistics development in the greater Mekong Subregion: A study of the north-south economic corridor, Journal of Greater Mekong Subregion Development Studies, 4, pp.43-58.
- Banomyong, R., Thai, V.V. & Yuen, K.F. (2015). Assessing the national logistics system of Vietnam, the Asian Journal of Shipping and Logistics, 31(1), pp.21-58.
- Cục Thống kê Gia Lai (2022). Niên giám thống kê Gia Lai, 2020 và 2021.
- Trần Thanh Hải (2023), Hỏi đáp về Logistics, Tái bản lần thứ 9, NXB Công Thương.
- UBND tỉnh Gia Lai (2022). Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
The logistics system in Gia Lai province: Current situation and solutions
Ph.D Tran Thi Thu Huong
Department of Logistics and Supply chain
Faculty of Economics and International Business, Thuongmai University
Abstract:
The logistics system plays an important role in each national economy as well as the global economy as it optimizes production and business processes from input materials to the final products delivered to end consumers. Developing a logistics system is a key solution to help improve the competitiveness of each business, locality, and country. In this study, the desk research method was employed, and 61 businesses in Gia Lai province were surveyed. This study presented the theoretical basis of the logistics system, analyzed the current constituent elements of the logistics system, and proposed some solutions to develop the logistics system in Gia Lai province.
Keywords: logistics system, logistics, Gia Lai province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12 năm 2023]