Hi – Tech là gì?

Mở đầu kỳ họp Quốc hội cuối năm 2004, Uỷ ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội đã công bố một bản báo cáo cho thấy, Việt Nam chưa hề có một chiến lược rõ ràng cho phát triển công nghệ cao c

 

Một số thực tế cần nhìn lại

Bản báo cáo của Uỷ ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội đã cho biết, trình độ công nghệ của nước ta vẫn tụt hậu một khoảng cách khá xa so với nhiều nước và cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có tên trong bảng phân loại của báo cáo phát triển con người của UNDP về chỉ số thành tựu công nghệ. Thực tế là đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được một chiến lược phát triển Công nghệ cao (Hi-Tech) để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong những năm qua, một thực trạng dễ nhận thấy là sự phát triển một cách quá tràn lan của các khu công nghệ cao, công nghiệp phần mềm không chỉ ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mà cả với nhiều địa phương khác như Cần Thơ, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Lâm Đồng... Tuy nhiên, điều khá dễ nhận thấy là tại các khu phần mềm tập trung đó, hiệu quả thu được có chăng mới chỉ là hoạt động đào tạo CNTT theo các chuẩn quốc tế được du nhập vào và các cấp chính quyền địa phương đã phải đầu tư ngân sách không ít mà vẫn chưa biết đến ngày nào mới thoát được cảnh phải bú, mớm.

Vào những năm 2000 khi khái niệm “nền kinh tế tri thức” bắt đầu được nhắc đến, đã có người đã đề cập về nó là một nền kinh tế mà trong đó không thể thiếu các trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm phần mềm... cùng những định nghĩa mà có lẽ ai nghe cũng thấy hay, song lại không rõ được “chốt hạ” của vấn đề là ở đâu. Và rồi kết cục, một Khu Công nghệ Cao tầm cỡ quốc gia do Chính phủ đầu tư không hiểu vì lý do gì lại được đặt ở một nơi không phải là “nhất cận thị, nhị cận giang”  và với rất nhiều nỗ lực mà vẫn không thấy một nhà đầu tư nào bước chân vào. Vậy thì, công nghệ cao là gì và có phải cứ đầu tư, xây dựng ra những khu công nghệ cao thì Việt Nam sẽ có được một nền công nghệ cao?

Cần một định nghĩa chính xác về công nghệ cao

Xung quanh bản báo cáo nói trên, ông Nguyễn Văn Tri – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, tuy mọi người được nghe nói nhiều đến cụm từ “Công nghệ Cao” nhưng thực tế, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của nó. Ông đưa ra định nghĩa: “Công nghệ cao là công nghệ được tích hợp từ các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, có khả năng tạo ra những sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, mang lại giá trị gia tăng đột biến và cao hơn so với công nghệ khác nếu tính theo suất đầu tư, chi phí năng lực và sức lao động.” Theo ông, sản phẩm công nghệ cao được đổi mới nhanh, nên có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường và do đó có ý nghĩa chiến lược đối với mỗi quốc gia và sự ra đời của công nghệ cao đã tạo ra được những bước phát triển đột phá trong sản xuất và đời sống.

Như vậy, nếu căn cứ theo định nghĩa đó thì chúng ta có thể nhìn thấy rằng, sẽ không thể ra đời được công nghệ cao nếu như không có sự hợp tác giữa các lĩnh vực khoa học công nghệ với nhau. Như đạo diễn Đặng Nhật Minh – nguyên Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Điện ảnh Việt Nam thừa nhận, điện ảnh - nghệ thuật thứ bảy là nền nghệ thuật ra đời bởi chính các thành tựu khoa học của thế kỷ 19. Và từ đó đến nay, nền khoa học công nghệ ấy đã có những bước phát triển vượt bậc, song tại Việt Nam, các nhà điện ảnh vẫn dường như đang loay hoay trong tư duy nghệ thuật mà chưa thể nắm bắt, làm chủ được công nghệ. Theo ông, nếu cứ tiếp tục tình trạng đó thì không biết đến bao giờ nền nghệ thuật thứ bảy của chúng ta mới theo kịp trình độ khoa học của các nước tiên tiến. Nhận định của ông là nếu không có sự hợp tác sâu sắc giữa các nhà khoa học với nền điện ảnh thì chúng ta sẽ không thể có được các kỹ sư về kỹ xảo điện ảnh, kỹ sư âm thanh... và điều mà ông mong muốn là chuyên ngành này phải được ra đời tại chính các đại học về khoa học kỹ thuật chứ không phải là theo hướng tập trung, đầu tư cho các đại học nghệ thuật. 

Thêm một số thực tế nữa khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về những thành tựu khoa học mới: Khi các nhà khoa học Mỹ công bố đã hoàn thành việc giải mã 97% bộ gene người thì những hình ảnh được phát đi trên truyền hình lại chủ yếu là các máy vi tính chứ không phải là chai lọ, ống nghiệm... Điều đó cho thấy, thành tựu công nghệ cao đó chỉ có thể có được khi CNTT được ứng dụng để phục vụ cho công nghệ sinh học. Và rõ ràng nếu chúng ta cứ để tiềm thức xã hội cho rằng CNTT là công việc nội bộ của các chuyên gia tin học thì công nghệ cao nói chung và CNTT khó có thể phát triển được. Nhìn nhận lại vấn đề, TS. Quách Tuấn Ngọc – Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ GD-ĐT đánh giá: “ứng dụng CNTT là vì chính sự phát triển của các lĩnh vực khoa học công nghệ chứ không phải là để cho riêng CNTT.”

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại rằng, CNTT không phải là tất cả mà có lẽ CNTT đã ra đời từ chính nhu cầu phát triển từ những thực tế bức xúc của không ít ngành khoa học. Điều dễ nhận thấy là với ngành năng lượng nguyên tử, để đào tạo được một chuyên viên ở mức độ trung bình thì có lẽ là khó hơn so với CNTT. Hơn nữa, để họ có thể làm việc được thì rất cần đến các cơ chế điều khiển, giám sát tự động và điều hết sức quan trọng là phải làm thể nào để bảo đảm được sự an toàn tính mạng cho họ. Đương nhiên, khoa học về năng lượng nguyên tử sẽ không thể phát triển nếu không có CNTT và nói một cách công bằng thì CNTT đã phát triển nhờ vào nhu cầu an toàn, chính xác của năng lượng nguyên tử. Chuyển sang một lĩnh vực khác là khoa học vũ trụ, đây là một ngành khoa học phải cần đến những siêu máy tính hết sức tối tân để có thể tính toán được hết sức chính xác không chỉ cho việc phóng một con tàu vũ trụ lên quỹ đạo hay lắp ghép chúng trên khoảng không vũ trũ mà còn phải làm thế nào để cho nó có thể hạ cánh được xuống Sao Kim, Sao Hoả hay bay được tới những thiên hà xa xăm và truyền được các thông tin, hình ảnh mà nó ghi nhận được về cho Trái đất, v.v... và v.v... Dẫu sao, đó cũng là những gì hết sức cao siêu mà có lẽ không phải ai cũng hiểu được. Chính vì vậy, nên chăng chúng ta cũng cần nhìn nhận, quan sát vào những gì hết sức bình thường nhất.

Cần phải lưu ý đến cả công nghệ... thấp

Hẳn rằng nói đến Hi-Tech để lý giải cho việc tại sao chúng ta đã đầu tư song vẫn không thấy đâu thì phần nào cũng là vì tư duy Mono-Tech vẫn còn đang ngự trị chưa dễ gì thay đổi của rất nhiều người và dường như ở bất cứ môi trường nào, người ta cũng chỉ chăm chăm phấn đấu cho những mục tiêu cao siêu của chính mình chứ chưa mấy khi chịu đặt vấn đề một cách mở hơn tới những sự hợp tác đa lĩnh vực. Chính những gì đang tồn tại, nên chăng chúng ta cần để ý đến những thực tế bình thường nhất bởi có rất nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp song lời giải cho nó lại là điều ít ai ngờ tới.

Mới chỉ cách đây 15 - 20 năm, để có thể đóng một chiếc đinh vào tường thì đó là cả một công việc không đơn giản bởi ít nhất là phải dò đúng mạch vữa và phải lựa thế nào cho chiếc đinh không bị vẹo và tường không bị sứt. Giải pháp từng đã được các chuyên gia lắp đặt điện áp dụng là đục tường và chôn vào đó một miếng gỗ gọi là tắc kê để có thể khoan và bắt vít. Tuy nhiên, biện pháp này cũng cho thấy những nhược điểm không nhỏ vì miếng gỗ vẫn có thể tuột ra khỏi khối bê tông chôn giữ nó do bị co ngót và cũng vẫn có thể bị mối xông, mọt đục... Thế nhưng, cũng chính từ thực tế khó khăn đó, người ta đã nghĩ ra  một giải pháp khá đơn giản là khoan lấy một lỗ vừa đủ và đặt vào đó một nút nhựa có các rãnh nở và đường ren để vặn vít mà chúng ta quen gọi là vít nở. Kết quả thật là tuyệt vời vì càng vặn chặt vít thì vít nở lại càng được chèn chắc trong cái lỗ đã được khoan.

Chuyển sang một vật dụng khác không thể thiếu với con người là chiếc phích nước sôi. Để có thể giữ nhiệt, người ta đã tráng bạc vào bên trong và rút chân không ra khỏi ruột phích, song để có thể rót được nước ra thì vẫn phải nghiêng phích lên cho nước chảy ra. Mãi đến những năm 1980, những chiếc phích áp suất đầu tiên đã ra đời dựa trên nguyên lý hút chân không. Vậy phát minh này có là dựa trên những lý thuyết cao siêu, mới mẻ gì không? Hẳn rằng chúng ta đều nhận ra ngay, loài người đã biết đến những nguyên lý đó từ thời thượng cố song không phải ai cũng để ý đến và nghĩ ra chuyện phải ứng dụng cho một sản phẩm cụ thể. Đã có người gọi đó là Low-Tech (Công nghệ Thấp) và thậm chí còn cho rằng  phải gọi là Công nghệ cao của đời thường.

 

Qua những thực tế nói trên, hẳn rằng chúng ta cùng có thể rút ra được những kết luận về cách tiếp cận và đặt vấn đề cho công nghệ cao. Công nghệ cao là gì, có lẽ trước hết phải xuất phát từ nhận thức và sẽ không thể có công nghệ cao nếu không quan tâm, để ý đến những điều bình thường nhất và cũng không thể hình thành phát triển được công nghệ cao nếu như không thúc đẩy sự hợp tác giữa các lĩnh vực khoa học công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi có lẽ phải chính từ giáo dục. Những sự chủ động hợp tác này chắc chắn sẽ là rất thuận lợi nếu được khởi điểm, xuất phát từ chính các trường đại học – tâm điểm của nền kinh tế tri thức ngày nay

  • Tags: