Hiệp hội Cao su Thái Lan khuyên các nhà xuất khẩu không nên bán cao su dưới giá 1,90 USD/kg

Các nhà xuất khẩu cao su tại Thái Lan đã cam kết không bán cao su dưới mức chi phí sản xuất trong bối cảnh các nhà xuất khẩu cao su tại châu Á đang tiến hành các bước nhằm ngăn chặn đà sụt giá của cao
Ông Chaiyos Sincharoenkul, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Thái Lan (TRA) đã khuyên các nhà xuất khẩu cao su Thái Lan không nên bán loại cao su tấm hun khói dưới mức giá 1,90 USD (62,70 Baht)/kg do mức chi phí trung bình đối với các nhà sản xuất cao su tại khu vực Đông Nam Á hiện ở mức 60 Baht/kg. Giá cao su trên thị trường tương lai trong ngày 12/2 đã chạm mức cao nhất trong vòng 1 tuần. Thái Lan hiện là quốc gia xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới.

Giá cao su giao tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom) đã bắt đầu xu hướng giảm giá kể từ tháng 1/2014 do lượng dự trữ cao su tại Trung Quốc – quốc gia sử dụng cao su lớn nhất thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Theo dự báo của Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), thị trường cao su trên toàn cầu sẽ tiếp tục rơi vào trạng thái dư cung năm thứ 4 liên tiếp trong năm 2014. Thái Lan, Indonesia và Malaysia – các quốc gia chiếm tới 70% nguồn cung cao su trên toàn cầu – đã khuyên các nhà xuất khẩu không nên bán cao su ra tại mức giá hiện tại và dự báo mức sụt giảm sản lượng cao su theo mùa trong năm 2014 sẽ cao hơn so với thông thường.

Theo ông Chaiyos Sincharoenkul, các nhà máy chế biến cao su đã không tích trữ đủ lượng cao su dự trữ trong suốt mùa đông năm ngoái. Nguồn cung cao su được ông Chaiyos Sincharoenkul dự báo sẽ trở nên căng thẳng hơn khi cây cao su thay lá. Trong giai đoạn từ tháng 2 – 5 tại Thái Lan, cây cao su sẽ cho ít mủ hơn.

Sụt giảm giá

Trong ngày 12/2, giá cao su tại Thái Lan đã tăng 1,1% lên mức 70,05 Baht/kg – mức cao nhất kể từ ngày 4/2. Trong phiên giao dịch ngày 12/2, giá cao su giao tương lai trên sàn Tocom đã có lúc bật tăng lên mức 230,7 Yên/kg (2.251 USD/tấn) – mức cao nhất kể từ ngày 31/1/2014 và chốt phiên giao dịch tại mức 227,6 Yên/kg. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, giá cao su đã giảm mạnh 17%. Theo số liệu của Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), lượng cao dự trữ tại các kho thuộc sàn SHFE quản lý đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/20104, đạt 207.658 tấn. Kể từ năm 2010, giá cao su đã sụt giảm tới 54% do sản lượng cao su trên toàn cầu tăng lên

Bà Navarat Kaewpratam, chuyên gia marketing cấp cao tại Future Agri Trade Co., đã cho biết việc sụt giảm nguồn cung có thể giúp tăng giá cao su vào thời điểm hiện tai tuy nhiên vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng cao su sẽ tăng lên; việc lượng cao su dự trữ tại Trung Quốc ở mức cao cho thấy nhu cầu sử dụng cao su có thể vẫn tiếp tục ở mức thấp.

Theo Viện nghiên cứu cao su Thái Lan, giá FOB cao su tại tỉnh Songkhla (Thái Lan) vào ngày 6/2 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2009, chỉ còn 68,50 Baht/kg. Kể từ năm 2010, giá cao su đã sụt giảm 53% do sản lượng cao su trên toàn cầu tăng lên. Trong năm 2013, giá cao su đã giảm 9,3%. Vào ngày 10/2, tổ chức International Rubber Consortium Ltd (IRCo) đã nhận định giá cao su hiện thấp ở mức “vô lý” và cho biết sẽ đề xuất đẩy nhanh việc thực hiện Đề án quản lý nguồn cung cao su. IRCo là tổ chức đại diện cho các cơ quan Chính phủ, nhà xuất khẩu và sản xuất cao su tại 3 quốc gia Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Dư thừa cao su

Theo Hội đồng cao su quốc tế 3 bên (ITRC) đại diện cho Thái Lan, Indonesia và Malaysia, trong năm 2013 các nhà sản xuất cao su Châu Á đã thất bại trong việc thống nhất mức cắt giảm sản lượng cao su cho năm 2014 sau khi giảm 300.000 tấn cao su xuất khẩu trong giai đoạn từ tháng 10/2013 – 4/2014.

Theo Văn phòng kinh tế nông nghiệp Thái Lan, sản lượng cao su của Thái Lan đã tăng lên trong vòng 3 năm qua và đạt 3,86 triệu tấn trong năm 2013. Tổ chức IRSC dự báo, thị trường thế giới có thể dư thừa 241.000 tấn cao su trong năm 2014, giảm so với mức 384.000 tấn trong năm 2013.

Ông Chaiyos Sincharoenkul đã cho biết, sản lượng cao su của Thái Lan đang bắt đầu giảm xuống do các nông dân trồng cao su tại vùng phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan đã ngừng lấy mủ cao su vì tình trạng hạn hán.

Theo ông Chaiyos Sincharoenkul, sản lượng cao su tại Thái Lan có khả năng sẽ biến động nhẹ so với năm 2013, đạt 4 triệu tấn do việc sụt giảm sản lượng cao su trong mùa đông sẽ được bù đắp lại bằng việc diện tích trồng cao su tăng lên. Xuất khẩu cao su của Thái Lan được dự báo sẽ đạt 3,4 triệu tấn và mức tiêu thụ cao su tại nội địa Thái Lan có thể sẽ đạt 550.000 tấn trong năm 2014.