Đáp:
Có 4 thuật ngữ phổ biến trong Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam bao gồm:
1- Hàng Việt Nam:
Hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hoá được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài.
Hàng hoá thương hiệu Việt là hàng hoá do các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam.
Hàng hóa, dịch vụ trong nước chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật hiện hành như: Luật Chất lượng; Luật Đo lường; Luật An toàn thực phẩm; Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn;…
2- Hàng hoá nhập khẩu
Hàng hóa nhập khẩu là hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam một cách hợp pháp từ nước ngoài hoặc từ khu vực “đặc biệt” nằm trên lãnh thổ Việt Nam - khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
3- Hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái
Hàng nhập lậu là hàng hoá cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam theo quy định của pháp luật; không làm thủ tục hải quan theo quy định; không có hoá đơn, chứng từ theo quy định hoặc hoá đơn, chứng từ không hợp pháp (như hoá đơn giả, hoá đơn lập khống, hoá đơn mua bán bất hợp pháp, hoá đơn đã qua sử dụng, tem giả, tem đã qua sử dụng...)
Hàng giả là hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng sản phảm đã được công bố, tên gọi và công dụng của hàng hoá; giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá; giả mạo về sở hữu trí tuệ; hàng hoá là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
4- Người sản xuất, người tiêu dùng
Người sản xuất bao gồm các tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức; các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong mua sắm công và các loại hàng hoá, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh.