Diễn đàn là hoạt động thiết thực triển khai ngay Kế hoạch và Chương trình trên, đồng thời nhanh chóng tiếp cận một trong các Hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất, mang lại lợi ích cao cho Việt Nam, đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Diễn đàn cũng hiện thực hóa mong muốn hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp triển khai chuyển đối số thành công, tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA thông qua trao đổi trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe và giải đáp các thắc mắc cũng như đề xuất các giải pháp để giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể được tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể, không chỉ ở khía cạnh xuất khẩu mà còn về nhập khẩu.
Tham dự Diễn đàn có đại diện gần 500 doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh xuất nhập khẩu, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và nhiều hội, hiệp hội liên quan tới công nghệ thông tin (CNTT) và xuất nhập khẩu (XNK), các tổ chức trong nước và quốc tế, đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí truyền thông. Đồng thời có hàng chục nghìn khách tham dự trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, VOIEF 2020 được tổ chức trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết, mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).
Sáu tháng đầu năm 2020 là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh kéo theo các hệ lụy đối với hoạt động kinh tế như thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tình hình khan hiếm nguyên liệu do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn; các vấn đề về tài chính do gián đoạn sản xuất. Đặc biệt khi các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ chính là các quốc gia có số ca bệnh lớn nhất và phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài, đây cũng là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Số liệu 6 tháng đầu năm đã cho thấy xuất nhập khẩu đã chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 117,3 tỷ USD, giảm 2,9%.
“Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, đây cũng thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định.
Đáng chú ý, ngay trong đại dịch, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Nhờ vậy, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính. Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định EVFTA, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18,000 tỷ USD. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây.
Để hiện thức hóa các cơ hội như đã nêu ở trên, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng Thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Ngoài ra, Bộ cũng đang khẩn trương hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung cũng như hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định EVFTA và các xu hướng/mô hình chuyển đổi số phù hợp, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của EVFTA mà của cả thị trường EU.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Xóa bỏ rào cản tư duy "sợ mất mát, ngại thay đổi"
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, là vấn đề công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu là quyết tâm chính trị, vào thể chế quốc gia.
Muốn thực hiện thương mại điện tử, muốn chuyển đổi số thì trách nhiệm của Chính phủ là phải tạo ra hệ thống thể chế hiện đại với các quy định pháp luật phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.
Tư duy “sợ mất mát, ngại thay đổi” chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp. Ở thời điểm này, mà vẫn còn không ít doanh nghiệp rất thờ ơ với kỹ thuật số và coi chuyển đổi số chỉ là phương tiện để show diễn hay là chi phí phải gánh chịu chứ không phải khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức. Đổi mới tổ chức trên nền tảng văn hoá sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số.
"Trong lĩnh vực hẹp xuất nhập khẩu mà chúng ta đề cập hôm nay, đối với doanh nghiệp thì tích hợp công nghệ số trong toàn bộ quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu là bắt buộc. Đối với các Bộ, Ngành, việc phối hợp vận hành nền tảng số giữa các cơ quan trong cả mạng lưới dịch vụ số bảo đảm cho xuất nhập khẩu như CO, Hải quan, Thuế, Logistic, ngân hàng là vấn đề qua trọng sống còn", ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Tại Diễn đàn, phiên thảo luận đầu tiên có chủ đề “Chuyển đổi số với thương mại điện tử qua biên giới”, xoay quanh sự liên quan chặt chẽ giữa chuyển đổi số tới XNK hàng hoá, lợi ích từ việc tham gia các nền tảng xuất khẩu trực tuyến, hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, vai trò của website của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
Phiên hai với chủ đề “Giải pháp chuyển đổi số” đi sâu vào chủ đề làm sao để chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số không chỉ dừng ở các doanh nghiệp XNK mà phải diễn ra đồng thời ở nhiều cơ quan, tổ chức cung cấp các dịch vụ liên quan. Phiên này nhấn mạnh trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số cần phải chú ý gì tới ba yếu tố cơ bản là nền tảng số, dữ liệu số và website tương thích với thiết bị di động. Đại diện của hai nền tảng số hàng đầu thế giới là Facebook và Google đã cung cấp thông tin về tiềm năng khai thác các nền tảng này cho kinh doanh XNK.
Tại Diễn đàn Bộ Công Thương cũng đã khai trương Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN tại địa chỉ: www.ECVN.com. Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN phiên bản 2020 với nhiều tính năng tiện lợi, nổi bật là tính năng Cộng đồng doanh nghiệp Xuất nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm cơ hội giao thương trên môi trường trực tuyến.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN sẽ tận dụng cơ hội của EVFTA nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương doanh nghiệp khối EU và Việt Nam.
Đặc biệt, chú trọng quảng bá, nâng cao thương hiệu, phát triển các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng như lợi thế của Việt Nam sang EU, bao gồm: dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, gạo, đường, gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm rau quả tươi và chế biến; điện thoại, máy móc, máy vi tính…