Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Đức cho biết, thương mại của Đức với Hoa Kỳ - cả xuất khẩu và nhập khẩu cộng lại đạt tổng cộng 63 tỷ euro (tương đương 68 tỷ USD) từ tháng 1 đến tháng 3/2024, trong khi con số này của Trung Quốc chưa đến 60 tỷ euro (65 tỷ USD).
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong nhiều năm, nhưng khoảng cách giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thu hẹp trong những năm gần đây. Năm 2023, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức năm thứ 8 liên tiếp, với kim ngạch đạt 253 tỷ euro (273 tỷ USD), tuy nhiên chỉ nhiều hơn Hoa Kỳ vài trăm triệu.
Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi trên đến từ nhiều yếu tố.
Chuyên gia kinh tế Vincent Stamer của Commerzbank cho rằng, thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các đối tác này là một trong những yếu tố tác động.
Xuất khẩu của Đức sang Hoa Kỳ hiện đã tăng trưởng tích cực hơn do nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi, thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm của Đức, trong khi cả xuất khẩu và nhập khẩu từ Trung Quốc đều giảm.
Mặt khác, theo chuyên gia này, Trung Quốc đã tiến lên bậc thang mới trong chuỗi giá trị và ngày càng tự sản xuất nhiều hàng hóa phức tạp hơn mà nước này từng nhập khẩu từ Đức. Ở chiều ngược lại, các công ty Đức cũng đang ngày càng gia tăng sản xuất tại địa phương thay vì xuất khẩu hàng hóa từ Đức sang Trung Quốc.
Juergen Matthes, chuyên gia Viện kinh tế Đức IW cho biết nhập khẩu hàng hóa của Đức từ Trung Quốc đã giảm gần 12% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2024, trong khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc chỉ giảm hơn 1%.
Theo Matthes, thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi tệ hơn nhiều người mong đợi, trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ đang vượt quá mong đợi, góp phần vào kết quả trao đổi thương mại này.
Hoa Kỳ hiện chiếm khoảng 10% xuất khẩu hàng hóa của Đức, trong khi thị phần của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 6%.
Trao đổi với CNBC, Carsten Brzeski - Người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại ING Research nhận định: Nền kinh tế Trung Quốc đang khó khăn và các công ty Đức đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các công ty Trung Quốc.
Bên cạnh đó, căng thẳng cũng gia tăng giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc, với việc hai Bên tiến hành điều tra các hoạt động thương mại của nhau và đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu.
Từ năm ngoái, Đức bắt đầu theo đuổi chiến lược thương mại mới đối với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng nhưng kêu gọi các công ty Đức “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc.
Tháng trước, một cuộc khảo sát của Viện kinh tế Đức Ifo cho thấy số lượng công ty Đức phụ thuộc vào Trung Quốc đã giảm từ 46% vào tháng 2/2022 xuống còn 37% vào tháng 2/2024. Điều này có liên quan đến việc ít công ty phụ thuộc vào đầu vào từ Trung Quốc hơn.
“Việc Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức minh họa cho sự thay đổi của Đức về mô hình thương mại và giảm dần phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc”, chuyên gia Carsten Brzeski nhận định.