Cụ thể, các hoạt động quan trọng bao gồm: gặp, làm việc với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào; gặp, làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào; tham dự cuộc Hội đàm giữa Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với đồng chí Xỏn-xay Xỉ-phăn-đon, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào.
Tại các buổi làm việc, đồng chí Đao-Vông Phôn-kẹo, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, đồng chí Khăm-Pheng Xay-xổm-pheng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào đã nhiệt liệt chào mừng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đến thăm Viêng-chăn và làm việc với các Bộ đối tác Lào. Các Bộ trưởng đã trao đổi, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào; khẳng định cán bộ của Bộ Công Thương Lào, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Bộ Công Thương Việt Nam luôn coi nhau như những người đồng chí, những người anh em vô cùng thân thiết.
Nội dung làm việc với Bộ Năng lượng và Mỏ Lào
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào trưa ngày 09 tháng 8 năm 2021, hai Bộ trưởng đã tập trung thảo luận về tình hình và định hướng hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện và khai thác khoáng sản, phù hợp với định hướng chiến lược hợp tác Việt Nam – Lào mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất.
Hai Bộ trưởng hài lòng nhận thấy hợp tác mua bán điện giữa hai nước đã đạt được những kết quả đầy khích lệ. Tới thời điểm hiện nay, Việt Nam đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện đối với 89% tổng công suất cam kết mua điện từ Lào đến năm 2025, hai bên đã ký hợp đồng mua bán điện đối với 51% công suất cam kết mua điện từ Lào đến năm 2025. Như vậy, việc xúc tiến nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam cơ bản được tiến hành khẩn trương, vượt tiến độ đặt ra.
Hai Bộ trưởng thống nhất giao các Cục, Vụ chức năng của hai Bộ, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực Lào sớm tổ chức họp trực tuyến để đánh giá tổng thể về quy mô công suất và quy hoạch kết nối đường dây truyền tải về Việt Nam để đảm bảo hiệu quả, tránh trường hợp phải đầu tư riêng lẻ các đường dây truyền tải điện, gây lãng phí thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn Bộ trưởng Đao Vông Phôn-kẹo đã hỗ trợ để doanh nghiệp hai bên có thể thống nhất và ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện, khai thác khoáng sản (4 văn kiện về hợp tác nghiên cứu mua bán điện, 1 văn kiện về khai thác khoáng sản), đóng góp thiết thực vào kết quả chuyến thăm Lào của Chủ tịch nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Đao-Vông Phôn-kẹo tiếp tục hỗ trợ các Tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam thực hiện có hiệu quả các biên bản ghi nhớ về hợp tác đã ký kết trong thời gian tới. Bộ trưởng Đao Vông Phôn-kẹo nhất trí với đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cho rằng hỗ trợ doanh nghiệp hai bên hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện và khai thác khoáng sản cũng là mong muốn và trách nhiệm của phía Lào.
Nội dung làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào
Trong buổi làm việc tại trụ sở Bộ Công Thương Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Khăm Pheng Xay-xổm-pheng vui mừng nhận thấy kim ngạch thương mại song phương đã lấy lại đà tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021, tạo nền tảng vững chắc để hai Bộ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại 10% trong năm 2021 mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra trong Kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ năm 2021. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những bước phát triển về năng lực sản xuất, xuất khẩu của Lào. Trong nửa đầu năm 2021, Lào xuất siêu sang Việt Nam và mặt hàng xuất khẩu đã đa dạng hóa, không còn tập trung vào khoáng sản, gỗ như trước (nay mở rộng thêm mặt hàng cao su, phân bón, rau quả).
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai Bộ phối hợp theo dõi, trao đổi thông tin và thúc đẩy các cơ quan chức năng hai nước duy trì mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới đường bộ giữa Việt Nam – Lào, không để lưu chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng hoặc gián đoạn bởi dịch COVID-19. Trên tinh thần đảm bảo không gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa trong dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào đã đáp ứng đề nghị của Bộ Công Thương Việt Nam về việc hủy bỏ lệnh tạm dừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam tháng 4 năm 2021.
Về việc hoàn thiện và thực thi các khuôn khổ pháp lý về thương mại giữa hai nước, hai bên thống nhất thúc đẩy công tác đàm phán Hiệp định sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào năm 2015 sớm hoàn tất và đi đến ký kết trong năm 2021; thúc đẩy các cơ quan liên quan của cả hai nước thực thi đầy đủ các cam kết của Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên còn nhấn mạnh ý nghĩa và sự cần thiết của việc quy hoạch và xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn, coi đây là không gian kinh tế để đẩy nhanh, đẩy mạnh, mở rộng luồng thương mại song phương cũng như là cơ sở để Bộ Công Thương Việt Nam khuyến khích, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào nhằm khai thác tối đa tiềm năng quan hệ giữa hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới với sự tham dự của 25 tỉnh biên giới của Việt Nam trong tháng 8 năm 2021 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất cơ chế, chính sách đột phá cho sự phát triển kinh tế bền vững của khu vực biên giới. Bộ trưởng đề nghị Bộ Công Thương Lào cùng với các tỉnh biên giới phía Lào tổ chức rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế khu vực biên giới phía Lào. Nếu hai bên cùng làm việc này thì sẽ tạo điều kiện phối hợp một cách tối ưu các nguồn lực của hai nước trong phát triển khu vực biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Hai Bộ trưởng nhất trí giao các đơn vị đầu mối của hai Bộ (về phía Bộ Công Thương Việt Nam là Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, về phía Bộ Công Thương Lào là Cục Xuất nhập khẩu) tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên liên lạc, rà soát các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực kinh tế - thương mại để kịp thời báo cáo hai Bộ trưởng chỉ đạo, xử lý.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã mời Bộ trưởng Khăm-Pheng Xay-xổm-pheng, Bộ trưởng Đao-Vông Phôn-kẹo sang thăm, làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất khi điều kiện cho phép để hai Bên tổ chức Hội nghị Hợp tác và Phát triển ngành Công Thương – Năng lượng và Mỏ Việt Nam – Lào tại Việt Nam. Bộ trưởng Khăm-Pheng Xay-xổm-pheng, Bộ trưởng Đao Vông Phôn-kẹo vui vẻ nhận lời. Đây là cơ chế hợp tác thường niên quan trọng tạo cơ sở cho ba Bộ đối tác của Việt Nam và Lào tăng cường gắn kết, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả nhằm phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt giữa Việt Nam và Lào, hoàn thành nhiệm vụ mà Lãnh đạo cấp cao giao phó.
Tham dự, phát biểu tại cuộc Hội đàm giữa Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với Phó Thủ tướng Lào Xỏn-xay Sỉ-phăn-đon
Chiều ngày 09 tháng 8 năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Xỏn-xay Sỉ-phăn-đon về thúc đẩy hợp tác, triển khai tốt các thỏa thuận cấp cao giữa hai bên.
Trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam, cụ thể là 3 đột phá chiến lược về thể chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Đây cũng là những lĩnh vực mà hai bên có thể thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhận định dư địa hợp tác Việt-Lào trong lĩnh vực thương mại, mua bán điện còn rất lớn, cần tiếp tục hợp tác phát triển lĩnh vực này.
Để triển khai định hướng hợp tác chiến lược Việt Nam – Lào, khai thác dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại, mua bán điện trong thời gian tới, tại buổi Hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã phát biểu, đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, kết quả hợp tác mua bán điện giữa hai nước là rất tích cực. Việt Nam đã đồng ý chủ trương nhập khẩu điện đối với 89% tổng công suất cam kết mua điện từ Lào đến năm 2025, đã ký hợp đồng mua bán điện đối với 51% công suất cam kết mua điện từ Lào. Để hiện thực hóa các hợp đồng mua bán điện nói trên, hai bên cần nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng ở khu vực biên giới của cả hai nước để xây dựng các đường dây truyền tải điện từ Lào về Việt Nam.
Thứ hai, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới với sự tham dự của 25 tỉnh biên giới của Việt Nam để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất chính sách thúc đẩy kinh tế biên mậu. Do vậy, đề nghị Chính phủ Lào cũng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh biên giới phía Lào tiến hành rà soát, cùng đề xuất các chính sách, giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế khu vực biên giới của cả hai nước.
Thứ ba, hai bên cần nỗ lực thúc đẩy kết nối giao thông, đặc biệt chú ý đến kết nối cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn, tạo không gian kinh tế, kết cấu hạ tầng quan trọng giúp khai thác tối đa tiềm năng thị trường của nhau, nhất là thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Trên tuyến cao tốc này, hai bên sẽ phối hợp khuyến khích thu hút doanh nghiệp Việt Nam và Lào đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Các giải pháp trên được phía Lào ghi nhận và nhất trí cao. Phó Thủ tướng Lào thống nhất hai bên cần tiếp tục phát triển thương mại biên giới; hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện, khai thác khoáng sản; tăng cường kết nối giao thông, hạ tầng giữa hai nước, nâng cấp các cửa khẩu để giao thương, vận tải hàng hóa thuận lợi hơn./.