Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhịp độ tăng trưởng của hoạt động công nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk đạt trên 23%/năm. Riêng năm 2010 dự kiến đạt mức tăng trưởng hơn 17% so với năm 2009 với giá trị sản xuất 2010 ước đạt khoảng 3.750 tỷ đồng. Phải công nhận rằng, quy mô ngành trong lĩnh vực này còn khiêm tốn, nhưng nhờ sự tăng trưởng cao nên tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế ngày càng tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. 

Điều đáng mừng là qui mô và năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk đang được nâng lên rõ rệt, chất lượng và chủng loại một số hàng hóa đã thích ứng và tạo được ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp (trên 66%) và là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu chế biển sản phẩm nông, lâm nghiệp nhất là các loại nông sản xuất khẩu. Riêng vốn đầu tư cho ngành công nghiệp năm 2009 ước thực hiện: 4.252.578 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách là 42.889 tr.đồng; vốn đầu tư của các thành phần kinh tế là 4.209.689 tr.đồng. Trong năm 2009 có 14 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, trong đó bao gồm: 13 dự án công nghiệp (chế biến cao su, bia, gạch tuynel, cơ khí, gỗ…); 01 dự án thuỷ điện Buôn Khốp 280MW. Trong năm 2010 dự kiến có 43 dự án tiếp tục đầu tư xây dựng và chuyển tiếp từ năm 2009 sang, trong đó có 28 dự án công nghiệp (phân vi sinh, chế biến nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng…), 09 dự án thuỷ điện và 06 dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp. 

Công nghiệp thủy điện đã và đang được đầu tư với quy mô lớn, tạo ra bước phát triển đột phá trong ngành công nghiệp và trở thành một trong những động lực phát triển trong thời gian tới. Tổng công suất các nhà máy thủy điện được đầu tư đến năm 2015 hơn 900 MW, hiện tại đã đầu tư đưa vào hoạt động 320 MW, dự kiến hết năm 2010 vào khoảng 620 MW (sản lượng điện thương phẩm khoảng 2,85 tỷ kWh). Trong đó có các dự án thuỷ điện lớn như: Buôn Khốp (đã hoạt động), Krông H’năng, Sê Rê Pốc 3, Sê Rê Pốc 4, Sê Rê Pốc 4A; các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ cũng đang được các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện đầu tư, trong đó đã một số nhà máy đi vào hoạt động như: nhà máy thuỷ điện Krông Hin 2 công suất 5 MW, nhà máy thuỷ điện Krông Kmar công suất 12 MW, Đrây H’linh 1 và 2. Lưới điện truyền tải và phân phối phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu điện năng cho sản xuất và tiêu dùng, đến nay đã có 100% phường, xã có điện lưới quốc gia, trên 90% số hộ được dùng điện. 

Công nghiệp khoáng sản thời gian qua không dừng ở việc khai thác, chế biến vật liệu xây dựng thông thường như cát, đá, sét, gạch ngói với quy mô nhỏ, thủ công mà đã dần mở rộng sản xuất với quy mô lớn, công nghệ tiến tiến như gạch tuy nel, gạch lò đứng liên hoàn và khai thác các sản phẩm mới như: Fenspát, đá ốp lát Granít... đảm bảo nhu cầu vật liệu xây dựng sản xuất được tại địa phương. 

Thương mại - lợi thế và tiềm năng
Đắk Lắk có nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển thương mại, do nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên. Với điều kiện đất đai rất thuận lợi cho phát triển cây con cùng với nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng… tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn cung ứng trên thị trường như cà phê, cao su, hạt tiêu, ngô, ong mật, sắn… Đắk Lắk hiện là tỉnh có khối lượng sản xuất hàng hoá nông sản tập trung lớn, trong đó cà phê chiếm khoảng trên 50% sản lượng cà phê của Việt Nam. Cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận cấp đăng bạ chỉ dẫn địa lý tên gọi xuất xứ.
Về kinh doanh thị trường nội địa: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn năm 2005 đạt 5.322 tỷ đồng thì đến năm 2009 đã đạt 15.787 tỷ đồng, kế hoạch năm 2010 khoảng 17.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 27,3%. 

Nhìn chung, mặc dù có sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhưng tình hình lưu thông hàng hoá trên thị trường tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dung, nhất là các mặt hàng thiết yếu và các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. 

Tổng vốn đầu tư ngành thương mại năm 2009 thực hiện 1.238.262 triệu đồng, trong đó đầu tư từ ngân sách cho hệ thống chợ và dự án thương mại điện tử là 93.262 triệu đồng; vốn đầu tư từ các doanh nghiệp là 1.145.000 triệu đồng. Cũng trong năm 2009, có 5 dự án thương mại đi vào họat động với tổng vốn đầu tư 109.000 triệu đồng (1 chợ, 2 siêu thị và 2 trung tâm thương mại, văn phòng tổng hợp); 18 dự án sẽ tiếp tục xây dựng chuyển tiếp qua năm 2010 với tổng vốn đầu tư 1.115.000 triệu đồng (01 dự án chợ và 17 dự án siêu thị, trung tâm thương mại phức hợp). 

Xuất khẩu là thế mạnh của Đắk Lắk. Trong nhiều năm trở lại đây, Đăk Lăk luôn luôn là một trong những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu cao trong cả nước; năm 2009 đạt 600 triệu USD, năm 2010 dự kiến khoảng 620 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm hơn 16,3%. Ngoài các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là cà phê, cao su, hạt tiêu, điều nhân, ong mật, tinh bột sắn… Đăk Lăk từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hoá chế biến sâu một số sản phẩm xuất khẩu khác, như: cà phê bột, cà phê hòa tan, gỗ tinh chế, mỹ nghệ, mây tre đan, may mặc… về lâu dài sẽ xuất khẩu thêm các sản phẩm nông sản mới như ca cao, mắc ca. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu cà phê vẫn chiếm trên 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Hàng hoá xuất khẩu của tỉnh đã xuất sang hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là đã thâm nhập được vào tất cả các thị trường lớn trên thế giới với yêu cầu chất lượng hàng hoá và vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sỹ… 

Giao thông vận tải
Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Đăk Nông). Phía bắc giáp tỉnh Gia Lai qua quốc lộ 14 sẽ đến trung tâm kinh tế Đà Nẵng và khu công nghiệp Dung Quất, khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Phía đông giáp tỉnh Khánh Hoà qua quốc lộ 26, đây là trung tâm du lịch lớn của cả nước, đồng thời có cảng biển giao thương hàng hoá với nước ngoài. Phía nam là các tỉnh Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh qua quốc lộ 14. Đây là trung tâm kinh tế trọng điểm của phía Nam. Phía tây là vương quốc Campuchia thông qua cửa khẩu kinh tế Đăk Ruê. 

Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ hình thành mạch giao thông rất thuận lợi để phát triển thương mai - dịch vụ. Cùng với việc Chính phủ đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh, hàng loạt các công trình đầu tư nhằm khai thác lợi thế của tuyến giao thông này. Điển hình là việc đầu tư xây dựng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) và các trục giao thông sẽ hình thành nhánh của con dường xuyên Á, bắt đầu từ Côn Minh (Trung Quốc) - Myanmar - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu Bờ Y, tạo mối quan hệ thương mại quốc tế giữa các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Đây cũng là điều kiện khá lý tưởng để thu hút khách du lịch các nước theo tuyến đường bộ này vào Tây Nguyên - Đắk Lắk cũng như khuyến khích du khách Đắk Lắk đi du lịch nước ngoài.
Đường giao thông nội tỉnh được đầu tư mở mới và nâng cấp thuận lợi có thể thông thương đến biên giới Campuchia. 
Với một vị trí thuận lợi như vậy, Đắk Lắk sẽ là trung tâm giao lưu hàng hoá giữa các vùng và tạo điều kiện cho phát triển du lịch, dịch vụ trong những năm tới đây.
Đường bộ toàn tỉnh hiện có 397,5 km đường quốc lộ, trong đó:
- Quốc lộ 14: 126 km, từ ranh giới tỉnh Gia Lai đến ranh giới tỉnh Đăk Nông.
- Quốc lộ 26: 119 km, từ ranh giới tỉnh Khánh Hòa đến TP Buôn Ma Thuột.
- Quốc lộ 27: 84 km, từ TP Buôn Ma Thuột đến ranh giới tỉnh Lâm Đồng.
- Quốc lộ 14C: 68,5 km, từ ranh giới tỉnh Gia Lai đến ranh giới tỉnh Đăk Nông.
Đường hàng không: Hàng ngày có các chuyến bay từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và ngược lại bằng máy bay cỡ trung A320.
Cụm cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đang tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống sân bãi và cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông trong tương lai.
Xe buýt: Hiện nay, đã có tuyến xe buýt đến tất cả các điểm thuộc thành phố Buôn Ma Thuột và từ thành phố Buôn Ma Thuột đi đến trung tâm hầu hết các huyện trong tỉnh, góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu đi lại và hạn chế tai nạn giao thông. 

Bưu chính viễn thông
Toàn bộ hệ thống viễn thông đã được số hóa, nhiều thiết bị hiện đại đã được đưa vào sử dụng. Hệ thống điện thoại cố định đến trung tâm tất cả các xã trong tỉnh, tỷ lệ điện thoại cố định đạt 5,2 máy/100 dân.
Hiện tại, tất cả các huyện trong tỉnh đã có sóng di động, với các nhà cung cấp dịch vụ: Mobifone, Vinaphone, Viettel, S-Fone, EVN Telecom, HT Mobile.
Dịch vụ internet ADSL hiện tại đã có ở hầu hết tất cả các huyện trong tỉnh, với 2 nhà cung cấp dịch vụ VDC và Viettel. 

Điện lực
Mạng lưới điện: Điện của tỉnh Đắk Lắk đảm bảo đầy đủ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, toàn bộ các xã đã có điện lưới với tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới lên tới 84%.
Hệ thống thủy điện: Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển thủy điện. Trên địa bàn của tỉnh có các đầm hồ lớn như hồ Lắk (huyện Lắk), sông Sêrêpôk có trữ lượng thủy điện khoảng 2.636 triệu KW. Hiện tại có 23 công trình thuỷ điện nhỏ đã được đầu tư xây dựng với tổng công suất lắp máy 14.280KW đang hoạt động. Các công trình thủy điện lớn là Buôn Khốp 280 MW và Buôn Tua Srah 86 MW, Sêrêpôk 3 220 MW và Sêrêpôk 4 70 MW đã được khởi công xây dựng. 

Tài nguyên rừng

Rừng ở Đắk Lắk được phân bố ở khắp các huyện với nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm, chủ yếu tập trung ở vườn quốc gia Yok Đôn, khu bảo tồn Nam ka, khu bảo tồn thiên nhiên Eakar. Điều kiện địa lý tự nhiên của Đắk Lắk thích hợp cho phát triển du lịch, với hệ thống sông hồ, suối, thác như: Sông Sêrêpôk, Hồ Lắk, thác ĐRay nur, thác Gia Long, thác KrôngKmar… vườn quốc gia ChưYangSing, Yok Đôn, khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Nam Ka: không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể" của nhân loại và các lễ hội văn hóa đặc trưng Tây Nguyên. Hệ thống khu du lịch, khách sạn, khu vui chơi giải trí được trải đều từ thành phố Buôn Ma Thuột đến các huyện và các khu du lịch. 

Các khu công nghiệp
Các khu công nghiệp của Đắk Lắk có vị trí rất thuận lợi trong việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa, tiềm năng lao động tại địa phương dồi dào, có sức thu hút đầu tư lớn như: Khu công nghiệp Hòa Phú (diện tích 181 ha); cụm tiểu thủ công nghiệp Buôn Ma Thuột (diện tích 49 ha); Tân An 1 & 2 (104,75 ha); Cụm công nghiệp Ea Dar (52 ha) Cụm công nghiệp Trường Thành (50 ha). Ngoài ra, Cụm công nghiệp Buôn Ma Thuột 2, Cụm công nghiệp Ea H’Leo, Krông Bông và ở các huyện với quy mô khoảng 50 ha mỗi cụm, đang được quy hoạch chi tiết đưa vào hoạt động.
Hiện tại, Đắk Lắk định hướng ưu tiên đầu tư và phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là trồng và khai thác các loại nông sản, cây công nghiệp; chế biến và xuất khẩu nông sản như mì, bắp… sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, cao su, ca cao… vì vậy nguồn thu từ ngành kinh tế nói trên mang lại cho tỉnh Đắk Lắk nguồn ngân sách rất lớn. Các ngành kinh tế như điện lực, xây dựng và ngành nghề khác như: y tế, giáo dục… cũng đã góp phần phát triển một cách toàn diện hoạt động kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, Đắk Lắk có vị trí giao thông thuận lợi nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có hệ thống các quốc lộ nối liền với các tỉnh Tây Nguyên khác và tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên ở vùng duyên hải Miền Trung; có sân bay Buôn Ma Thuột đi trực tiếp đến thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội.
Đến nay, công nghiệp đã hình thành được một hệ thống khá đồng bộ gồm các ngành sản xuất và phân phối điện nước, khai thác mỏ, và đặc biệt là công nghiệp chế biến. Nhiều cơ sở công nghiệp có quy mô vừa và tương đối hiện đại được xây dựng và đưa vào sản xuất như chế biến cà phê, đường mía, tinh chế gỗ, cán bông, sản xuất vật liệu xây dựng…

Giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng đáng kể, đặc biệt là khu vực công nghiệp chế biến ngoài quốc doanh. Công nghiệp quốc doanh Trung ương tăng cao do sản phẩm của các doanh nghiệp quốc doanh Trung ương tăng như sản xuất đường mật các loại, chế biến cà phê nhân, gỗ, điện thương phẩm, gạch các loại và có thêm một số sản phẩm mới như cà phê bột, cà phê hoà tan, điều. Khu vực công nghiệp quốc doanh địa phương, một số công ty đã tiến hành cổ phần hoá nên tổng giá trị sản xuất giảm do đã chuyển phần giá trị sản xuất của các công ty này sang thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.

Trong những năm qua, do có sự nỗ lực kêu gọi cũng như tạo mọi điều kiện khuyến khích, thu hút đầu tư, nên các nhà đầu tư trong cũng như ngoài tỉnh đã đầu tư khá nhiều dự án sản xuất công nghiệp vào Đắk Lắk. Đến năm 2006, toàn tỉnh đã có 6.723 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tăng thêm 1.641 cơ sở so với năm 2000. Nhiều nhà máy đang xây dựng sẽ đưa tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp tăng nhanh vào những năm tới như: nhà máy chế biến cao su, xưởng may giày da, các công trình thuỷ điện Buôn Khốp, Buôn Tua Srah, Krông Hing, Krông Kmar, Sêrêpok 3, chế biến cà phê bột. Công nghiệp năng lượng đang được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, phát triển trở thành ngành công nghiệp chủ lực trong thời gian tới.

  • Tags: