Một báo cáo mà HSBC toàn cầu vừa đưa ra đã dành khá nhiều lời về những lợi ích mà Việt Nam có được khi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ thâm nhập mạnh vào thị trường Mỹ khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.
HSBC cũng cho rằng giá trị thực tế của TPP nằm ở tiềm năng thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, bãi bỏ các quy định về khu vực dịch vụ và nâng cao năng suất cũng như những đòi hỏi về cải cách trong nước.
“Một khi được ký kết, TPP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do lớn với 40% GDP toàn cầu và 30% mậu dịch quốc tế; Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam được cho là những quốc gia hưởng lợi lớn ở châu Á”, báo cáo của HSBC được gởi đến Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online nhận định.
HSBC nhận định cơ hội của Việt Nam là rất lớn khi cánh cửa vào thị trường Mỹ mở ra cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Hiện tại, hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ chịu mức thuế quan trung bình từ 4,5% đến 14% với ngành may, và 10,4% với ngành da giày.
Và khi ký TPP thì thuế quan cho các mặt hàng này được hủy bỏ, sẽ làm bùng nổ xuất khẩu đến thị trường này.
Những nhận định trên của HSBC thực ra không mới và những lợi ích mà bản báo cáo này đưa ra thực ra cũng chỉ dựa trên những suy đoán và ước đoán của các tổ chức và các nhà nghiên cứu. Còn thực tế thực hiện lại còn nhiều vấn đề khác.
Chẳng hạn, để hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ được hưởng mức thuế suất 0% thì các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn forward).
Để làm được điều đó Việt Nam phải đầu tư lớn cho ngành dệt nhuộm, một điều không dễ ngay tại thời điểm này.
Trong khi phần lớn nguyên phụ liệu dệt may vẫn nhập từ các nước không thuộc TPP, và ngành may Việt Nam vẫn chủ yếu làm gia công thì sẽ không đáp ứng được điều kiện miễn thuế.
Nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia nằm ngoài TPP, nên hàng dệt may Việt Nam khó có thể được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu đến Mỹ. Nguồn: HSBC
TPP hiện tại vẫn đang được các bên thúc đẩy đàm phán để có thể hoàn tất ký kết ngay trong năm 2014 này.
Sau đó, các bên sẽ có thêm thời gian từ 12 đến 18 tháng để thực hiện các bước thông qua trong nội bộ các quốc gia rồi mới có hiệu lực.
Báo cáo của HSBC có nhắc đến một số rào cản còn vướng trên bàn đàm phán, đồng thời nhắc đến một mối lo “nhức đầu” là quyền fast track, một quyền mà Quốc hội Mỹ trao cho Tổng thống Mỹ trong đàm phán các thỏa thuận thương mại với nước ngoài.
Theo giới phân tích, chính quyền Obama muốn TPP được ký trước tháng 11 năm nay, là thời điểm bầu cử Quốc hội Mỹ, để tránh những rắc rối có thể có khi mà chính giới nước này vẫn đang tranh cãi với nhau về hiệp định này.
Đáng ngại nhất là nhiều nghị sĩ Quốc hội tỏ vẻ không muốn trao quyền fast track cho tổng thống.
Việc chính phủ Mỹ hiện chưa có được quyền fast track đã làm dấy lên những lo ngại về chuyện TPP sẽ bị “treo” một khi được ký kết ở ngay chính quốc gia chủ chốt là Mỹ vì nhiều tiếng nói chống đối ở trong chính giới lẫn các tổ chức nghiệp đoàn và các nhà hoạt động môi trường.
Nếu không có được fast track, các nghị sĩ Mỹ sẽ có quyền can thiệp vào nội dung đàm phán và viễn cảnh về việc hoàn tất TPP trong năm nay là rất xa vời.
Trong TPP, lợi ích của Việt Nam gắn liền với thị trường Mỹ, và vì thế những diễn biến trên chính trường nước này đang được dư luận theo dõi khá sát sao.