Hướng dẫn Xây dựng Kế hoạch và dự toán ngân sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Bộ Công Thương giai đoạn 2026-2030

Bộ Công Thương vừa ra Công văn số 2354/BCT-ĐCK hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách khoa học, công nghệ cấp Bộ năm 2026, cùng kế hoạch Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo giai đoạn 2026-2030.

Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; đồng thời, triển khai Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030, ngày 03/4/2025, Bộ Công Thương ra hướng dẫn về việc xây dựng Kế hoạch, dự toán ngân sách khoa học, công nghệ cấp Bộ năm 2026 và Kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN & ĐMST) giai đoạn 2026 – 2030.

Bộ Công Thương

Đảm bảo nguyên tắc tập trung, có trọng tâm, trọng điểm

Theo đó, Kế hoạch KH, CN & ĐMST của Bộ Công Thương năm 2026 và giai đoạn 2026 - 2030 được xây dựng theo nguyên tắc tập trung, trọng điểm, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Các nhiệm vụ trong kế hoạch phải bám sát chiến lược phát triển ngành, phục vụ xây dựng chính sách, quản lý nhà nước và tham gia vào các chương trình KH&CN trọng điểm.

Ưu tiên các nhiệm vụ có kết quả đo lường được, bao gồm nghiên cứu tham mưu chính sách, cung cấp luận cứ khoa học cho các chiến lược, chương trình và quy định quản lý; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tập trung vào công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, hỗ trợ chuyển đổi số và phát triển sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Kế hoạch cũng khuyến khích hợp tác giữa viện, trường, tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các nhiệm vụ có quy mô lớn, giải quyết vấn đề KH&CN quan trọng sẽ được ưu tiên. Việc triển khai kế hoạch góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực này.

Định hướng nội dung ưu tiên

Kế hoạch KH, CN & ĐMST của Bộ Công Thương giai đoạn 2026 - 2030 tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo bám sát các nghị quyết của Đảng, chiến lược phát triển của Chính phủ và định hướng của ngành. Các nhiệm vụ ưu tiên gồm phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trước hết, Bộ Công Thương sẽ triển khai các nhiệm vụ theo các chiến lược quan trọng như Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất, công nghiệp than, năng lượng hydrogen và thương mại trong nước. Đồng thời, Bộ cũng thực hiện các chương trình hành động liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành.

Song song đó, Bộ sẽ tham gia vào các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ và cấp quốc gia, tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển sản phẩm trong các lĩnh vực ưu tiên như cơ khí, điện tử, dệt may, da giày. Chương trình thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030 cũng sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường.

Bộ Công Thương

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Công tác đo lường, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sẽ được đẩy mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến thông tin KH&CN, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển. Hoạt động duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu cũng được chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ.

Cuối cùng, Bộ sẽ tham gia chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, góp phần phát triển công nghiệp sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất. Toàn bộ các nhiệm vụ trên sẽ được triển khai theo quy định hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Công Thương.

Thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ đề xuất là ngày 21 tháng 4 năm 2025 theo dấu đến của văn thư Bộ Công Thương (trường hợp gửi trực tiếp) hoặc ngày đóng dấu của bưu điện nơi gửi trên hồ sơ (trường hợp gửi qua bưu điện).

Thông tin chi tiết xem tại đây.

Hoàng Hồ