Bộ Công Thương họp báo thường kỳ quý I/2025

Chiều 4/4/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi Họp báo thường kỳ quý I/2025, thông tin tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2025.
Bộ Công Thương tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2025
Bộ Công Thương tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2025

Bám sát tình hình, linh hoạt điều hành, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ giải pháp

Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2025, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng trong năm 2025 diễn ra trong bối cảnh hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng liên kết mới trên thế giới, chiến tranh thương mại, phân tách chuỗi cung ứng, trừng phạt về kinh tế, chạy đua về khoa học công nghệ ngày càng gia tăng. Năm 2025, kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp và khó dự đoán hơn, đặc biệt là những bất định về thương mại gia tăng (theo WB dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ ổn định ở mức 2,7% trong giai đoạn 2025-2026, tương tự như năm 2024 trong điều kiện bất định về thương mại gia tăng. Còn theo Liên Hợp Quốc (UN), tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ duy trì ở mức 2,8% vào năm 2025, không thay đổi so với năm 2024, bị kìm hãm bởi hai nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc.

Ở trong nước, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Kế hoạch phát triển của ngành Công Thương năm 2025 được xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức và những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các cải cách thể chế toàn diện và đầu tư công được kỳ vọng đem lại tác động sâu rộng và hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế năm 2025. Các tổ chức quốc tế đều dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6,8% vào năm 2025 và 6,5% vào năm 2026, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% trong năm 2025, với mức tăng 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% trong nửa cuối năm.

Thứ hai, xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ vừa tạo ra những thời cơ và cũng sẽ mang lại cả thách thức, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với Việt Nam. Đặc biệt, với việc ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho nền tế.

Thứ ba, kinh tế số, thương mại điện tử tiếp tục được quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy và được ứng dụng rộng rãi trong doanh nghiệp và cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, thực phẩm. Công tác phòng vệ thương mại và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước.

Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Công Thương)
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Công Thương)

Thứ tư, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường, thể hiện qua việc tham gia và triển khai các cam kết kinh tế quốc tế tạo ra những cơ hội đối với sản xuất công nghiệp và thương mại của nước ta, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường, đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Các hiệp định FTA đã ký với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam sẽ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu... sẽ là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này, từ đó tạo động lực đối với tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025. Tuy nhiên, với nền kinh tế có độ mở cao, ngày càng hội nhập sâu và tham gia sâu vào chuỗi gia trị gia tăng trên thế giới, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2025.

Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Tình hình phát triển ngành Công Thương trong 3 tháng đầu năm 2025 như sau:

Sản xuất công nghiệp tiếp tục cải thiện và duy trì đà tăng trưởng

Về sản xuất công nghiệp, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai công việc ngay sau Tết, góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, trong 02 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 chỉ tăng 6,5%), trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,3% (cùng kỳ năm 2024 chỉ tăng 6,6%); Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 58/63 địa phương trên cả nước (một số địa phương có IIP tăng cao ở mức hai con số như: Phú Thọ tăng 47,3%; Trà Vinh tăng 40,5%; Bắc Giang tăng 26,3%; Thanh Hóa tăng 19,8%; Quảng Nam tăng 18,8%; Nam Định tăng 17,7%...).

Mặc dù chưa có số liệu chính thức của tháng 3 và quý I/2025, tuy nhiên dự báo sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý I/2025 tiếp tục có sự cải thiện và duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 02 tháng đầu năm nay. Theo báo cáo mới nhất của S&P Global, ngành sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 3 khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam vào cuối quý 1/2025 đã có sự cải thiện. Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3 đạt mức trên ngưỡng 50 điểm, lần đầu tiên trong vòng 4 tháng trở lại đây (đạt 50,5 điểm, tăng nhẹ so với 49,2 điểm trong tháng 2).

Đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt

Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong tháng 3 (tính đến ngày 26 tháng 3) đạt 22,7 tỷ kWh, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2024, sản lượng điện trung bình ngày đạt 873,2 triệu kWh, công suất tiêu thụ lớn nhất đạt 46.270MW (vào ngày 12 tháng 3 năm 2025).

Lũy kế trong quý I/2025 (tính đến ngày 26/3/2025), tổng sản lượng điện toàn hệ thống quốc gia đạt 67,8 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 19,5% so với Kế hoạch năm 2025 (347,5 tỷ kWh) được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3300/QĐ-BCT ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Nhìn chung, tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia trong tháng 3 và Quý I năm 2025 an toàn, ổn định, bảo đảm cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Xuất nhập khẩu hàng hóa đẩy mạnh, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024

Cùng với sự cải thiện trong hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta tiếp tục được đẩy mạnh trong tháng 3/2025, với kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 75,38 tỷ USD, tăng 16,8% so với tháng trước và tăng 15,3% so với tháng 3/2024.

Xuất khẩu tháng 3/2025 ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy hoạt động xuất khẩu đang tăng tốc trở lại sau khởi đầu chậm hơn kỳ vọng trong hai tháng đầu năm. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 ước đạt 36,87 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng trước và tăng 19% so với tháng 3 năm 2024.

Lũy kế quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang khởi sắc, với nhu cầu nguyên liệu, linh kiện, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh; Cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, ước xuất siêu 3,15 tỷ USD.

Trong quý I/2025, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 29 tỷ USD, ước tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 9% của khối doanh nghiệp FDI (ước đạt 73,8 tỷ USD), cho thấy nội lực của khối doanh nghiệp trong nước đang dần được nâng cao.

Xuất khẩu ở cả nhóm hàng nông, thủy sản và công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, ước đạt mức hai con số so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ước có tới 07/9 mặt hàng trong nhóm này ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Nhiều mặt hàng dù giảm về sản lượng nhưng vẫn đạt kim ngạch cao nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh, như: cà phê; hạt tiêu; cao su; nhân điều.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 87,5 tỷ USD, ước tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục là động lực tăng trưởng của xuất khẩu cả nước. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giầy dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác… ước đạt tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số.

Bộ Công Thương họp báo

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới các hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến đều tăng (trừ thị trường Trung Quốc). Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 30,5 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2024. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (ước đạt 13 tỷ USD) nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,2%).

Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 nhưng cao hơn kịch bản của ngành Công Thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản Quý I/2025 tăng 7,9%).

Phòng vệ thương mại góp phần đảm bảo môi trường thương mại công bằng

Về công tác bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, trong 3 tháng đầu năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục điều tra 03 vụ việc chống bán phá giá, 03 vụ việc rà soát cuối kỳ và 03 vụ việc rà soát biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đã khởi xướng trong năm 2024 (trong đó đã hoàn thành 01 vụ việc); khởi xướng rà soát 01 vụ việc rà soát mới. Hiện tại, có 09 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực với các sản phẩm thép nhập khẩu và 02 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm thép bao gồm thép mạ và thép cán nóng. Các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Về công tác hỗ trợ, giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đến hết tháng 3/2025, đã có 282 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (153 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (59 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (39 vụ việc) và chống trợ cấp (31 vụ việc).

Trong các vụ việc này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả giữa các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong tháng 3/2025, Hoa Kỳ đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống trợ cấp với sản phẩm đúc bằng sợi và vỏ viên nhộng cứng nhập khẩu từ Việt Nam với kết quả khá tích cực khi thuế chống trợ cấp đối với các doanh nghiệp hợp tác trong hai vụ việc lần lượt là 3,39% và 2,15%. EU cũng mới ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép cán nóng, trong đó một doanh nghiệp lớn của ta không bị áp thuế.

Để giúp các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn trước nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh, Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật danh sách, đăng tải thông tin cảnh báo sớm các mặt hàng có khả năng bị nước ngoài điều tra trên trang thông tin điện tử của Cục phòng vệ thương mại và của Bộ Công Thương, đồng thời gửi thông báo đến các cơ quan, hiệp hội liên quan. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các chính sách thuế quan khác của Hoa Kỳ để báo cáo Chính phủ và thông báo đến các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan.

Thị trường trong nước duy trì đà tăng trưởng khá

Trong giai đoạn Tết Nguyên đán, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị khá chu đáo và sớm, cùng với đó thời tiết thuận lợi đã hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung hàng thực phẩm, nhất là rau, củ, quả dồi dào, đa dạng nên đã giữ giá hàng hóa thực phẩm những ngày cận Tết tương đối ổn định. Các hàng hóa phục vụ Tết khác như bánh, mứt, kẹo tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do chi phí đầu vào tăng, nguồn cung hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân. Thị trường nhìn chung bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm.

Thị trường hàng hóa sau Tết tương đối ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu vẫn luôn được bảo đảm cả trước, trong và sau Tết, giá các mặt hàng không có biến động lớn và có xu hướng giảm so với giai đoạn Tết. Riêng mặt hàng thịt lợn giá tăng khá cao liên tục (hiện ở mức cao hơn trước Tết khoảng 10%) do một số nguyên nhân chính như: (i) dịch bệnh đang trong giai đoạn dễ bùng phát, lây lan; (ii) các đơn vị chăn nuôi tập trung xuất chuồng trong giai đoạn trước Tết để được giá tốt nên sau Tết là giai đoạn giáp vụ; (iii) ảnh hưởng của việc nhiều trang trại phải ngừng chăn nuôi để chuyển dịch địa điểm nhằm bảo đảm thực hiện các quy định về điều kiện chăn nuôi theo quy định tại Luật Chăn nuôi (thời hạn cuối cùng bắt buộc thực hiện các điều kiện về chăn nuôi từ 01/01/2025).

Trong 02 tháng đầu năm 2025, thị trường trong nước phát triển sôi động do nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán và sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 02 tháng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,4%). Mặc dù đến thời điểm hiện nay chưa có số liệu chính thức của tháng 3 và quý I/2025, tuy nhiên dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng khá trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 02 tháng đầu năm nay.

Về tình hình quản lý, phân phối bán lẻ xăng dầu trong nước, công tác đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu cho thị trường: Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương thường xuyên, liên tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng theo dõi chặt chẽ thị trường các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ, các đơn vị chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối, cung cầu, trong đó có mặt hàng xăng dầu, bình ổn thị trường hỗ trợ tiêu thụ, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển thị trường trong nước góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ những tháng đầu năm 2025.

Về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Về công tác quản lý thị trường, trong tháng 3 năm 2025, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã chủ trì, phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm; tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, công tác niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; tăng cường giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Kết quả, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 6.222 vụ, xử lý 5.648 hành vi vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 90 tỷ đồng (từ ngày 16/12/2024 đến ngày 31/3/2025). 

Thương mại điện tử đáp ứng đúng kịch bản tăng trưởng

Trong 03 tháng đầu năm 2025, thương mại điện tử tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, về cơ bản đáp ứng đúng kịch bản tăng trưởng đã được dự tính trước đó. Theo đó, ước tính tốc độ tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C trong quý I/2025 đạt khoảng từ 20 đến 22%.

Trong tháng 3 năm 2025, Bộ Công Thương đã tiếp nhận tổng số 973 bộ hồ sơ nộp mới đăng ký và thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử, trong đó đã xử lý 784 bộ hồ sơ, đang xử lý 189 bộ hồ sơ. Tổng số bộ hồ sơ nộp mới trong quý I/2025 đạt 2.563 bộ hồ sơ, trong đó đã xử lý 2.353 bộ, đang xử lý 210 bộ.

Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về Họp báo...

Thảo My