Hụt thu thanh lý cây cao su, lãi quý 2 của Cao su Phước Hòa (PHR) lao dốc 77%

Lợi nhuận riêng lẻ trong quý 2/2024 của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã cổ phiếu PHR) đã giảm tới 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cao su Phước Hòa
Trong quý 2/2024, Cao su Phước Hòa không còn ghi nhận khoản lãi lớn từ việc thanh lý vườn cây cao su.

Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã cổ phiếu PHR - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý 2/2024 với doanh thu đạt 186 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời, lợi nhuận gộp cũng ghi nhận tăng tới 79%, đạt gần 21 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm tới 73% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 9 tỷ đồng.

Kết quả, Cao su Phước Hòa ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 19,2 tỷ đồng, giảm 77% so với quý 2/2023. Ban lãnh đạo Cao su Phước Hòa cho biết lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu do trong quý 2/2023, công ty ghi nhận khoản lợi nhuận lên tới 68,68 tỷ đồng từ việc thanh lý cây cao su và khoản cổ tức, lợi nhuận được chia là 16,41 tỷ đồng. Trong khi đó, quý 2/2024, công ty không ghi nhận hai khoản lợi nhuận này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Cao su Phước Hòa ghi nhận doanh thu thuần đạt 454,5 tỷ đồng, tăng 22,5%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm tới gần 89%, còn hơn 29 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Cao su Phước Hòa đạt 3.103 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho đạt 137 tỷ đồng, giảm 37%.

Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Cao su Phước Hòa giảm mạnh tới 51%, xuống còn 210 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ngắn hạn giảm 50%, còn 30 tỷ đồng.

Trong năm nay, Cao su Phước Hòa lập kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất ước đạt 1.455 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 245 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 47% so với mức thực hiện của năm 2023.

Theo đó, công ty đặt mục tiêu tiêu thụ 33.100 tấn mủ cao su thành phẩm các loại. Với giá bán bình quân dự kiến đạt 36,41 triệu đồng/tấn, Cao su Phước Hòa kỳ vọng mảng cao su sẽ mang lại 1.205 tỷ đồng doanh thu trong năm nay.

Giá cổ phiếu PHR Cao su Phước Hòa
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu PHR của Cao su Phước Hòa trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "ANRPC nâng dự báo thiếu hụt cao su toàn cầu, doanh nghiệp cao su Việt Nam hưởng lợi" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh ngành cao su toàn cầu, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) nhận định, tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn thế giới có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600 - 800.000 tấn/năm.

Tình hình trồng cao su tại các quốc gia sản xuất cao su truyền thống như Thái Lan, Indonesia và Malaysia tiếp tục gặp khó khăn khi chưa thể mở rộng diện tích vùng trồng. Đồng thời, điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina cùng với bệnh rụng lá đang tác động tiêu cực đến nguồn cung cao su  toàn cầu.

Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, giá cao su trên thị trường thế giới duy trì đà tăng tích cực kể từ cuối năm 2023 đến nay. Theo hãng nghiên cứu thị trường AgroMonitor, giá mủ cao su Việt Nam diễn biến đồng pha với giá cao su thế giới, ghi nhận tăng mạnh trong tháng 5/2024 và tiếp tục tăng thêm trong tháng 6/2024, xác lập tháng tăng giá thứ 5 liên tiếp.

Trên thị trường xuất khẩu, dữ liệu sơ bộ cho thấy, tính đến tháng 6/2024 giá cao su xuất khẩu đã tăng tháng thứ 9 liên tiếp với mức tăng từ 2 - 4%/tháng.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) cho biết, giá cao su trung bình trong 5 tháng đầu năm 2024 của tập đoàn ước đạt 38,4 triệu đồng/tấn, tăng 6 triệu đồng/tấn tương ứng tăng gần 17% so với mức trung bình cả năm 2023.

Duy Quang