Phát huy những lợi thế sẵn có, huyện Đức Cơ đang có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, kết nối sản xuất kinh doanh, phát triển các thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ trên địa bàn.
Kinh tế tăng trưởng, môi trường đầu tư thân thiện
Huyện Đức Cơ là một trong 3 huyện biên giới của tỉnh Gia Lai gồm 9 xã, 1 thị trấn với 35 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Huyện có Cửa khẩu Quốc Tế Lệ Thanh với nhiều tiềm năng giao thương phát triển kinh tế-xã hội.
Xác định sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực phát triển kinh tế của huyện, Đức Cơ ngày nay đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên nền tảng phát triển mạnh cây công nghiệp dài ngày với diện tích, sản lượng lớn như cây cao su 13.000 ha, cây điều 26.000 ha, cây cà phê 9.000 ha, sầu riêng gần 1.000 ha, hồ tiêu 680 ha và các loại cây ăn quả khác; phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung và phát triển nhiều sản phẩm OCOP. Bên cạnh tiềm năng về phát triển nông nghiệp, huyện đặc biệt chú trọng đến việc phát triển công nghiệp-thương mại-dịch vụ. Huyện đã xây dựng phương án phát triển Cụm công nghiệp huyện Đức Cơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với diện tích 75 ha tại thôn Ia Kăm, xã Ia Kriêng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh.
Năm 2023, kinh tế của huyện Đức Cơ tiếp tục tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất đạt 6.889,0 tỷ đồng, đạt 100,38% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 45 triệu đồng, tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra; thu ngân sách huyện hưởng: 91.877,0 triệu, đạt 113,1% kế hoạch HĐND huyện đề ra.
Trong năm 2023, huyện có thêm 11 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện là 28 sản phẩm (Trong đó có 03 sản phẩm OCOP 4 sao và 25 sản phẩm OCOP 3 sao). Huyện Đức Cơ đã được Trung Quốc cấp 05 mã số vùng trồng Sầu riêng để xuất khẩu. Trong năm huyện cũng đã tích cực triển khai thực hiện các dự án: xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, kế hoạch phát triển thương mại cho sản phẩm yến sào Đức Cơ; sầu riêng Đức Cơ; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai, xây dựng nhãn hiệu Yến Sào Đức Cơ
Với những tiềm năng, lợi thế lớn về vùng nguyên liệu, Đức Cơ hội đủ các yếu tố mà nhà đầu tư, doanh nghiệp ngoài tỉnh mong muốn kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến mục tiêu xuất khẩu hoặc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2024 diễn ra vào đầu tháng 1/2024, lãnh đạo huyện Đức Cơ cam kết sẽ triển khai những giải pháp hướng đến môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương.
Đồng thời, huyện Đức Cơ đẩy mạnh cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Không ngừng nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần cải thiện Chỉ số DDCI của huyện và chỉ số PCI chung của Tỉnh nhằm gia tăng sức hút môi trường đầu tư của Huyện.
Ông Trần Ngọc Phận – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Huyện đã ký kết 10 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư với 10 dự án hợp tác về lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thương mại dịch vụ và liên kết sản xuất nông nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1.286 tỷ đồng. Huyện đã chủ động xây dựng danh mục 22 dự án thu hút đầu tư, đồng thời chủ động đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.
Đẩy mạnh quy hoạch, tạo quỹ đất thu hút đầu tư
Nhằm tiếp tục chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư phát huy thế mạnh của địa phương tạo bước đột phá trong đổi mới tăng trưởng, xây dựng hạ tầng đô thị và nông thôn mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Cơ lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020- 2025) đã xác định “Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của huyện, đặc biệt là Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế với đào tạo nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với điều kiện, lợi thế của huyện và yêu cầu phát triển trong tình hình mới.”
Huyện Đức Cơ đã tận dụng triệt để lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại dịch vụ, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như làm tốt công tác quy hoạch, công khai rộng rãi và hỗ trợ pháp lý kịp thời cho các nhà đầu tư; từ đó thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, năng lực tài chính đến khảo sát và đề xuất đầu tư vào địa phương.
Huyện xác định công tác quy hoạch là đi đầu, đi trước và hết sức quan trọng. Trong đó ưu tiên quy hoạch, bố trí quỹ đất để kêu gọi, thu hút đầu tư; tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện, phát triển y tế, giáo dục du lịch và dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao. Đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của các chỉ số được đánh giá cao góp phần cải thiện Chỉ số DDCI của huyện và Chỉ số PCI chung của tỉnh, từ đó gia tăng sức hút môi trường đầu tư huyện nhà, đưa Đức Cơ trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Cũng nằm trong mục tiêu chung tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, huyện Đức Cơ dành ưu tiên cho đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị trên địa bàn huyện theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối liên hoàn. Với sự đầu tư chiều sâu, đến nay hạ tầng giao thông Đức Cơ đã tạo được kết nối tương đối thuận lợi trong nội huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của huyện Đức Cơ trong thời gian tới.