Hãng tin CNBC dẫn lời bà Kristalina Georgieva cho biết “Chúng tôi (IMF) tuyên bố rằng thế giới đã rơi vào tình trạng suy thoái và mức độ nghiêm trọng của cuộc suy thoái này phụ thuộc vào hai điều, bao giờ dịch bệnh được kiểm soát và sự phối hợp hiệu quả giữa các quốc gia đối với cuộc khủng hoảng này”.
Bà Kristalina Georgieva cũng cho biết các nhà lãnh đạo thế giới đã nhận ra rằng chỉ có nỗ lực phối hợp mới có thể ngăn chặn sự lây lan của đại dịch virus Covid-19 và vượt qua đợt suy thoái kinh tế lần này.
Trong thời gian gần đây, IMF đã thực hiện hàng loạt các biện pháp để hỗ trợ các nền kinh tế chống lại các tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Việc hàng loạt quốc gia trên toàn cầu áp đặt các biện pháp kiểm dịch, hạn chế di chuyển và phong toả vùng dịch đã khiến hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Vào ngày 16/3, IMF cho biết sẵn sàng huy động toàn bộ năng lực cho vay với tổng trị giá lên đến 1.000 tỷ USD để giúp các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển đương đầu với đại dịch virus Covid-19.
IMF cũng kêu gọi các quốc gia đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mạnh nhằm hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. IMF cho biết đến nay đã có hơn 80 quốc gia yêu cầu tổ chức này hỗ trợ tài chính để ứng phó dịch bệnh.
Bà Kristalina Georgieva cho rằng các chính phủ cần chuẩn bị phương án tài chính ứng phó như đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. "Riêng năm 2009, khối các nền kinh tế lớn - G20 đã huy động 2% GDP để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, tương ứng với 900 tỷ USD hiện nay", bà Kristalina Georgieva cho biết.
Trong ngày 26/3, các quốc gia G20 – chiếm khoảng 90% năng lực kinh tế toàn cầu đã tuyên bố sẽ chi ra hơn 5.000 tỷ USD thông qua các chính sách tài khoá, các gói hỗ trợ kinh tế và các kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội để vượt qua các tác động kinh tế do đại dịch virus Covid-19 gây ra.