Sáng 18/11, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm "Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU" với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp nhằm trao đổi về những giải pháp để gia tăng số lượng doanh nghiệp và tỷ trọng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU cũng như gia tăng hiệu quả thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) trong thời gian tới.
Sau hơn 02 năm thực thi, Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai Bên. Đáng chú ý, 8 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.
Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hơn khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc và thiết bị (tăng 34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%) mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (54,4%), thủy sản (41,9%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)…
Những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.
Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động xuất khẩu mở rộng thị trường sang EU, khi cả Việt Nam và EU đang đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch, tích cực nối lại các hoạt động kinh tế, giao thương. EVFTA cũng là ưu thế lớn của Việt Nam khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU gia tăng chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng. Dư địa gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU còn rất lớn, khi hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của thị trường 27 nước thành viên. Một số mặt hàng thế mạnh như rau quả chưa chiếm đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp...
Dư lượng thị trường lớn và nhận thức của doanh nghiệp về tận dụng EVFTA tăng lên
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, thị trường EU khá đa dạng. Chúng ta thấy có Đông Âu, Tây Âu, Bắc Âu và mỗi nước mặc dù ở trong khối cộng đồng chung EU nhưng cũng có những đặc điểm riêng của mình.
"Đánh giá chung đó là thị trường có sức mua cao, thị trường tiềm năng lớn và đặc biệt khi có một FTA tiềm năng, hiệu quả như EVFTA thì đây là một thị trường rất hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam", ông Khanh nhận định.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khảo sát mới đây của VCCI với chủ đề “Việt Nam sau hai năm thực thi EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” cho thấy, trong hai năm đầu thực thi EVFTA kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình khoảng 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn mức trung bình năm của giai đoạn 2016 - 2019 (33,5 tỷ USD/năm) và tăng hơn 24% (tương đương cao hơn 1/4), rõ ràng chúng ta đã thấy có sự cải thiện ở thị trường này. Cứ 10 doanh nghiệp thì có 4 doanh nghiệp đã từng tận dụng được lợi ích nào đó từ hiệp định này, trong đấy có những lợi ích về xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, qua quá trình làm việc, tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Phạm Đình Thưởng - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định thương mại tự do KTP (KTPC) cho biết, nhờ những hoạt động tuyên truyền của Bộ Công Thương, VCCI... hiện nay nhận thức của doanh nghiệp đối với các hiệp định FTA nói chung và EVFTA nói riêng tăng lên rất nhiều.
Bên cạnh sự cải thiện về tận dụng EVFTA và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU, theo các chuyên gia, còn nhiều vấn đề chúng ta chưa làm được.
"Xét về tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cách đây khoảng 10 năm đâu đó khoảng 19% đến gần 20% nhưng sau đấy giảm dần và đến năm 2021 vừa rồi tỷ trọng chỉ còn khoảng 12%. Rõ ràng mặc dù kim ngạch tăng lên nhưng tốc độ tăng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu Việt Nam đi tất cả các thị trường khác trên thế giới", bà Trang nêu vấn đề và cho rằng chúng ta đã làm tốt nhưng so với kỳ vọng, tiềm năng thì còn hạn chế đáng kể.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay EU đang đặc biệt nhấn mạnh những tiêu chuẩn về xanh, sạch, nhân văn… thì vấn đề lao động và những vấn đề khác như thuế CBAM (thuế carbon) cho thấy hiện nay để đáp ứng tiêu chuẩn của EU không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu sang EU mà cũng là thách thức với cả những doanh nghiệp từng có kinh nghiệm ở EU, bởi vì tiêu chuẩn đang thay đổi và yêu cầu cao hơn.
Cũng theo khảo sát của VCCI, yếu tố cản trở các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nói chung và EVFTA nói riêng, ngoài yếu tố lớn nhất là các biến động và sự bất định của thị trường (yếu tố ngoài thân khó kiểm soát được) thì yếu tố lớn nhất, cản trở lớn nhất chính là năng lực cạnh tranh hạn chế của doanh nghiệp.
Xuất khẩu sang EU không khó như nhiều doanh nghiệp e ngại
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công và bước đầu xây dựng thương hiệu tại thị trường EU, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU rồi mới thấy cái lợi của nó.
Theo ông Khuê, với riêng ngành rau quả thì Châu Âu là thị trường truyền thống và dư lượng nhập khẩu rất lớn, chiếm khoảng 45% nhu cầu rau quả của thế giới.
Bên cạnh đó, các nước EU nói riêng và các nước Châu Âu không trồng được các loại rau quả nhiệt đới như dứa, chuối, chanh leo... nên ít áp dụng biện pháp phòng vệ như các nước khác. Đấy là một điều rất thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Sau khi có Hiệp định EVFTA thì khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn nhiều. Hiện nay, các nước Châu Á khác xuất khẩu rau quả vào EU không trồng các loại cây trồng như Việt Nam và chúng ta chỉ phải cạnh cạnh tranh với các nước vùng Nam Mỹ như Peru, Ecuador...., cho nên khả năng cạnh tranh của Việt Nam tốt hơn.
"Mặc dù xuất khẩu sang Châu Âu có những khó khăn nhất định, yêu cầu về chất lượng phải đảm bảo, số lượng cung cấp thường xuyên, sản xuất ổn định quanh năm. Tuy nhiên nếu các doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nguyên liệu chuẩn, máy móc chế biến hiện đại, mẫu mã bao bì và con người từ quản lý đến công nhân đảm bảo tiêu chuẩn, môi trường cảnh quan nhà máy... và làm dần từng bước một thì chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu của các nước EU nói riêng, Châu Âu nói chung", ông Khuê chia sẻ.
Liên kết doanh nghiệp để tận dụng tốt lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh
Theo các chuyên gia, để các doanh nghiệp cạnh tranh được không những ở thị trường EU mà ở cả thị trường trong nước và các thị trường trên thế giới thì bản chất doanh nghiệp phải có khả năng cạnh tranh, bởi nếu không cạnh tranh thì sẽ không tồn tại và phát triển được.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần có sự vận động, giải pháp từ cả phía doanh nghiệp, ngành hàng và hỗ trợ của chính sách.
Nhấn mạnh sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng muốn làm gì, muốn thay đổi gì thì bắt đầu phải từ doanh nghiệp đã.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Đình Thưởng cho rằng doanh nghiệp cần chủ động và mạnh dạn hơn trong khai thác thị trường.
Từ góc độ tiếp cận, tư vấn với các doanh nghiệp, ông Thưởng nhận thấy đại đa số doanh nghiệp của chúng ta còn thiếu tính chủ động. Các doanh nghiệp của chúng ta cần phải đi nhiều hơn, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, với hệ thống phân phối tại các thị trường xem nhu cầu của họ là những gì rồi quay trở lại để chúng ta thay đổi tư duy quản trị, thay đổi cải tiến sản phẩm… phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của đối tác, khách hàng.
Theo ông Ngô Chung Khanh, bên cạnh những khó khăn bên ngoài không kiểm soát được, khó khăn lớn nhất chính là thay đổi tư duy của doanh nghiệp về việc xuất khẩu sang thị trường EU, cần khắc phục tâm lý e ngại về những rào cản, năng lực xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu hay những điều kiện dành cho người lao động như các thị trường mong muốn….
"Rất mừng là chúng ta có những gương người đi trước mở đường như DOVECO, Lộc Trời, Vĩnh Hiệp, Khương Sinh... sẽ tạo động lực, cảm hứng lan tỏa cho thêm nhiều doanh nghiệp mạnh dạn xuất khẩu sang EU. Đồng thời qua đó thúc đẩy được giá trị của người Việt Nam, thương hiệu Việt Nam để làm sao những lợi ích từ FTA thẩm thấu vào từng doanh nghiệp Việt Nam và từng người dân Việt Nam", ông Khanh chia sẻ.
Theo ông Đinh Cao Khuê, để các doanh nghiệp cạnh tranh được không những ở thị trường EU mà còn ở các thị trường khác thì bản chất doanh nghiệp phải có khả năng cạnh tranh.
Với kinh nghiệm của ngành rau quả, ông Khuê nhấn mạnh phải cạnh tranh bằng giá cả, mà muốn giá cả cạnh tranh thì phải sản xuất lớn, năng suất lao động tăng lên, giá thành giảm thì sẽ cạnh tranh được. Các nhà máy sản xuất phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu của khách hàng.
Đặc biệt, cần thiết phải xây dựng và phát triển tốt các chuỗi liên kết dọc từ bà con nông dân, các hợp tác xã đến các thương lái.
"Như công ty chúng tôi hiện nay có ba trung tâm chế biến, một ở Ninh Bình, hai ở Gia Lai và ba ở Sơn La, không phải một mình công ty có thể làm hết được, vì vậy cần duy trì tốt chuỗi liên kết. Xuất khẩu sang EU không phải là khó và dư lượng rất lớn nên chúng ta không sợ cạnh tranh, hiện giờ EU cũng rất biết đến Việt Nam, nên nếu chúng ta cùng gắn bó, đoàn kết và hợp tác với nhau để làm sao đảm bảo được lợi ích, từ người lao động đến nhà sản xuất và người tiêu dùng thì sẽ bền vững", ông Khuê chia sẻ.
Theo bà Trang, doanh nghiệp không đơn độc, việc liên kết, kết nối hợp tác cùng chia sẻ lợi ích và khó khăn có thể tạo ra được kết quả tích cực. Trong bối cảnh hiện nay, đi cùng nhau là cần thiết; cùng với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình về quản trị, quy trình sản xuất và nhiều câu chuyện khác thì liên kết với các doanh nghiệp khác cùng tận dụng tất cả những lợi thế có thể của mình để tăng cường hoạt động xuất khẩu hay nói một cách rộng hơn là tăng cường cơ hội để thu lợi nhuận từ những hiệp định thương mại tự do cho các doanh nghiệp cũng như cho người lao động của doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế.
Đổi mới cách thức hỗ trợ, kết nối
Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ từ chính sách nhưng theo hướng đổi mới, sát với thực tế yêu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp hơn.
Theo bà Trang, doanh nghiệp đang vướng ở chỗ nào thì hỗ trợ của nhà nước chúng ta nên hướng vào, tập trung vào những điểm đó. Đơn cử, thời gian qua chúng ta đã làm tốt công tác thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp, đối tác ở các thị trường. Tuy nhiên hiện nay cần đổi mới xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng, cho cả hoạt động sản xuất của chúng ta. Để khi thị trường hay khách hàng nghĩ về sản phẩm của Việt Nam sẽ nghĩ đến thương hiệu và lợi thế, đặc điểm nổi bật của thương hiệu, sản phẩm Việt Nam đó.
Hay các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những rào cản kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, những yêu cầu chất lượng như hỗ trợ cho doanh nghiệp kiểm tra, đảm bảo hàng hóa an toàn xuất khẩu sang thị trường không bị trả lại; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh ở từng khía cạnh chất lượng sản phẩm, về mẫu mã, bao bì... hay những chương trình đào tạo cho doanh nghiệp nắm được quy trình EU đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng như thế nào, trên cơ sở doanh nghiệp tuân thủ theo để có thể tiếp cận được thị trường.
Từ góc độ Bộ Công Thương, ông Ngô Chung Khanh mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp đi đầu đã có mở đường như doanh nghiệp DOVECO để tuyên truyền những câu chuyện thành công giúp các doanh nghiệp tự tin hơn, mạnh dạn hơn khi tham gia xuất khẩu sang thị trường EU.
Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Công Thương đang triển khai phối hợp với các tỉnh, thành theo hướng tập trung vào các mặt hàng chiến lược, thế mạnh của từng tỉnh, thành để cùng xây dựng các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ sát hơn, hiệu quả hơn.
Đồng thời, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, việc kết nối tất cả những chủ thể tham gia vào quá trình thực thi các FTA, từ cơ quan trung ương đến địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp tư vấn, các hiệp hội... thành một chuỗi và có sự hỗ trợ lẫn nhau sẽ thúc đẩy tận dụng tối đa Hiệp định EVFTA, tăng tối đa giá trị thương hiệu của Việt Nam, người Việt Nam.