Khách hàng châu Á chê dầu đá phiến của Mỹ

Khách hàng châu Á từ chối dầu đá phiến có xuất xứ từ Hoa Kỳ vì nó chứa nhiều tạp chất cản trở quá trình tinh chế, theo Bloomberg ngày 27/3/2019.
dau mo my
Một cảng nhập khẩu dầu của Hàn Quốc

 

Hai công ty lọc dầu Hàn Quốc là SK Innovation Co. và Hyundai Oilbank Co. đã từ bỏ các lô hàng dầu đá phiến của Mỹ.

Đợt hàng dầu cho SK Innovation Co. và Hyundai Oilbank Co. lần này được khai thác từ các mỏ trong khu vực Eagle Ford ở miền nam Texas vào tháng 1 và tháng 2 năm 2019, người bán là BP.

Tuy nhiên, chất lượng của dầu không phù hợp với yêu cầu của phía người mua vì hàm lượng tạp chất trong dầu quá cao sẽ cản trở quá trình chế biến.

Ít nhất một trong số các lô hàng đã bị người mua Hàn Quốc từ chối đã được tàu chở dầu Olympic Luck đưa đi khỏi cảng Yeosu của Hàn Quốc và chuyển hướng chở sang Trung Quốc.

Tại cảng Thanh Đảo, lô hàng trên đã được mua lại bởi Sinochem Hongrun Petrochemical Co. vì dầu này phù hợp cho nhà máy lọc dầu của công ty.  

Không phải bất cứ lô hàng dầu nào từ Eagle Ford và từ Mỹ nói chung đều có vấn đề về tạp chất, nhưng người mua vẫn tiếp tục theo dõi, giám sát chất lượng của từng lô hàng hóa và kiểm tra sự hiện diện của các sản phẩm oxy hóa trước khi nhận hàng.

Các công ty SK Innovation, Hyundai Oilbank, Hanwa Total và GS Caltex... của Hàn Quốc thường xuyên áp dụng biện pháp này đối với dầu thô nhập từ Mỹ.

Tuy nhiên, lý do chính không nằm ở dầu đá phiến mà là do vấn đề lưu trữ vận chuyển dầu ở Mỹ.

Hệ thống phức tạp của đường ống dẫn dầu, kho chứa dầu và các bến cảng xuất khẩu dầu đá phiến của Mỹ đã tạo ra nguy cơ ô nhiễm nhiên liệu trong quá trình vận chuyển và lưu trữ.

Do thiếu cơ sở hạ tầng, hàng chục mỏ dầu ở Mỹ buộc phải sử dụng cùng một đường ống dẫn dầu và cùng một kho chứa dầu cho các loại dầu khác nhau.

Do đó, dầu có thể bị ô nhiễm với dư lượng của các loại nhiên liệu khác, hoặc nhiễm hóa chất được sử dụng để làm sạch bể chứa hoặc ổn định hydrocarbon.

Đại diện công ty Hàn Quốc Hanwha Total Petroch Chemicals Co. từng phản ảnh trên báo chí rằng trong các lô khí ngưng tụ từ các mỏ đá phiến của Mỹ có các tạp chất như sản phẩm oxy hóa, kim loại và chất tẩy rửa.

Sự không chắc chắn về chất lượng nguồn cung từ Hoa Kỳ làm giảm khả năng cạnh tranh của dầu Mỹ so với dầu Trung Đông với chất lượng vẫn luôn ổn định.

Ở Trung Đông, chuỗi hậu cần cũng rất phức tạp, nhưng luôn có một cơ sở hạ tầng riêng cho từng loại dầu và việc sử dụng chéo là không được phép.

Hoa Kỳ đã tăng xuất khẩu dầu từ dưới 100 nghìn thùng mỗi ngày vào cuối năm 2012 lên 2,5 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm 2018.

Hàn Quốc là một bạn hàng mua dầu thường xuyên của Mỹ. Vào tháng 12 năm 2018, Hàn Quốc là khách mua dầu lớn nhất của Mỹ vận chuyển bằng đường biển, với mức trung bình 550 nghìn thùng mỗi ngày (chiếm hơn 20% tổng lượng dầu xuất khẩu của Mỹ trong tháng).

Bất chấp vấn đề tạp chất trong dầu đá phiến của Mỹ, Hàn Quốc không thể từ bỏ hoàn toàn các nguồn cung này, đặc biệt là với sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung dầu từ Iran (do quốc gia này đang bị Mỹ cấm vận).

Điều đáng chú ý là vấn đề về chất lượng dầu phát sinh theo một chu kỳ nhất định đối với các nhà cung cấp khác nhau.

Có một thời gian, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác thường xuyên phàn nàn về chất lượng dầu thô Venezuela.

Năm 2018 đã có những phàn nàn từ khách hàng Hungary về chất lượng dầu của Nga được vận chuyển qua đường ống dẫn dầu Druzhba.

Mặc dù thực tế là hàm lượng lưu huỳnh nằm trong phạm vi cho phép, Hungary vẫn giảm mua dầu của Nga, dành ưu tiên cho các nguồn cung cấp khác.

Một số nhà máy lọc dầu khác ở châu Âu cũng giảm mua dầu của Nga, một phần do chất lượng không ổn định, phần khác do e ngại lệnh trừng phạt mà EU và Mỹ áp đặt cho Nga.