Khảo sát mức độ hài lòng của du khách về thực trạng kinh doanh du lịch văn hoá tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn

TS. LÊ THỊ VIỆT HÀ (Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) và MA XUÂN KHÁNH (Học viên cao học, Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Hữu Lũng (Lạng Sơn) là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tuy nhiên, còn nhiều tiềm năng du lịch văn hóa chưa được “đánh thức”, do cách làm du lịch chưa bài bản của địa phương. Bài viết đưa ra cái nhìn tổng quan về triển vọng phát triển du lịch của Hữu Lũng và khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của du khách về hoạt động kinh doanh du lịch văn hóa của Huyện, nhằm giúp địa phương đưa ra giải pháp phát triển loại hình kinh doanh này hơn nữa trong tương lai.

Từ khoá: du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, trải nghiệm văn hóa, sản phẩm du lịch.

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển khá mạnh mẽ của loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cũng là một hình thức rất phổ biến, hiện đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách có nhu cầu tìm kiếm, khám phá những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc của các nền văn hóa. Bên cạnh khả năng thỏa mãn được các nhu cầu tham quan, giải trí cơ bản, du lịch văn hóa còn giúp du khách nâng cao biểu biết về lịch sử, kiến trúc, kinh tế - xã hội, lối sống và phong tục tập quán… ở những nơi họ đến thăm.

Du lịch văn hóa có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và tinh hoa văn hóa nhân loại cũng như bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Do đó, với bề dày lịch sử của dân tộc c, lại nằm gần trung tâm khu vực Đông Nam Á - nơi vốn được xem là cái nôi của nền văn minh lúa nước; đồng thời là nơi giao thoa, gặp gỡ của nhiều nền văn hóa đa dạng từ các quốc gia và khu vực lân cận cả trong quá khư lẫn hiện tại, Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa.

Hữu Lũng là huyện miền núi nằm ở phía Nam tỉnh Lạng Sơn, nối liền vùng trung du và vùng Đồng bằng Bắc bộ nước ta. Đây là địa bàn có vị trí địa lí và giao thông thuận lợi, các tuyến đường bộ, đường sắt qua địa bàn huyện (đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam). Huyện có nhiều tài nguyên văn hóa vật thể như đình chùa, tượng đài, bia, công trình kiến trúc, như: đền Bắc Lệ, đền Ông đền Bà,… và nhiều tài nguyên văn hóa phi vật thể, như: nghệ thuật ẩm thực lâu đời, văn hóa sinh hoạt của cộng đồng người Hoa (Nùng), kinh nghiệm y dược cổ truyền,...

Trong những năm gần đây, huyện Hữu Lũng có lượng khách du lịch liên tục tăng.

Tuy nhiên, du lịch văn hóa ở địa phương vẫn còn nhiều hạn chế so với mặt bằng chung của cả nước. Hầu hết các điểm, khu du lịch văn hóa trên địa bàn Huyện chưa được đầu tư khai thác đúng mức; công tác quản lý còn tồn tại nhiều bất cập; nội dung chương trình du lịch chưa phong phú, sản phẩm du lịch còn đơn điệu; nguồn nhân lực phục vụ du lịch cùng đội ngũ cán bộ quản lý về lĩnh vực này còn thiếu và hạn chế về năng lực; cơ sở hạ tầng vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch còn nghèo nàn, công tác tuyên truyền quảng bá du lịch văn hóa chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Do đó, hoạt động du lịch văn hóa hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của ngành Du lịch. Đó là lý do cần xem xét phản hồi của du khách về thực trạng kinh doanh du lịch văn hóa ở địa phương, từ đó xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch phù hợp, phát triển kinh tế có hiệu quả cho địa phương.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Mục tiêu của điều tra khảo sát

            Nghiên cứu tiến hành điều tra khảo sát thực tiễn nhằm đo lường mức độ hài lòng của du khách về thực trạng kinh doanh dịch vụ du lịch văn hóa ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

2.2. Phương pháp điều tra khảo sát

            Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi theo 2 cách gồm: câu hỏi đóng (lựa chọn đúng/sai, đánh giá mức độ quan trọng của từng nội dung theo điểm số) và câu hỏi mở (tùy theo ý kiến của người được hỏi), kết hợp với phỏng vấn sâu, trực tiếp các đối tượng liên quan.

            Nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát với quy mô 295 phiếu, mẫu trải đều khắp các tỉnh, thành Việt Nam, trên công cụ Google Drive. Đối tượng được hỏi thuộc độ tuổi từ 20 đến 65, trong đó: học sinh/sinh viên (11%), nhân viên văn phòng (20%), kinh doanh buôn bán (22%), hưu trí (15%), các nghề nghiệp khác (32%),… Để đo lường các mức độ, tác giả dùng thang đo Likert để đánh giá. Các số liệu thống kê sẽ được sử dụng cho phần phân tích kết quả và được biểu thị bằng biểu đồ, hình vẽ để tăng tính mô tả.

             Trên cơ sở phương pháp và công cụ bảng hỏi đã được trình bày, nghiên cứu đã tiến hành 2 giai đoạn điều tra khảo sát:

            Giai đoạn 1: Điều tra thử trên diện hẹp gồm 30 phiếu.

            Giai đoạn 2: Tiến hành điều tra diện rộng trên toàn quốc.

Sau khi xử lý và làm sạch số liệu, số mẫu đạt tiêu chuẩn cuối cùng là 295 mẫu.

3. Kết quả khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh du lịch văn hóa ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn

3.1. Các tour du lịch tiêu biểu ở Hữu Lũng

Hình 1: Mục đích của khách du lịch khi tới tỉnh Hữu Lũng

muc_dich_cua_khach_du_lich_khi_toi_tinh_huu_lung Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả, 2021

            Khảo sát với những khách du lịch đã tới Hữu Lũng, đa số đều mong muốn trải nghiệm văn hóa đa dạng nơi đây (44%), du lịch tâm linh (30%), nghỉ dưỡng  - home stay (18%), mua bán (7%), còn lại là các hoạt động khác (1%).

            Về các tour trải nghiệm văn hóa, trên địa bàn Huyện có nhiều dân tộc sinh sống, như: dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Hoa, Dao, Sán Chỉ, với bản sắc văn hóa riêng, có các làn điệu hát Then, hát Lượn, hát Lượn cổ Tày, Nùng; múa Chầu, múa Sư Tử... và kiến trúc xây dựng nhà sàn mang đậm sắc thái của vùng xứ Lạng. Riêng xã Toàn có tổng số 1.081 hộ, với hơn 4.000 nhân khẩu, chủ yếu gồm 4 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, là địa phương bảo tồn truyền thống văn hóa của người Việt khá nguyên vẹn, đây chính là nét đặc sắc về văn hóa của một xã miền núi.

           Về các tour du lịch tâm lịch, ở Hữu Lũng có 23 lễ hội trên địa bàn 26 xã, diễn ra từ tháng Giêng đến trung tuần tháng Ba âm lịch. Có thể kể tới những địa điểm du lịch tâm linh như:

- Đền Bắc Lệ (xã Tân Thành): Đền Bắc Lệ thờ Công Đồng, Tứ Phủ, thờ tất cả các vị Chư Linh ở 4 miền Vũ Trụ. Ở đây đặc biệt coi trọng các vị thần linh gắn liền với địa phương, như Mẫu Thượng Ngàn, Chầu Bé, Cô Bé,...Bên cạnh Trung tâm là Mẫu, còn có các thần linh hóa thân của Mẫu, như Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu Bà, Tứ Phủ Quan Hoàn, Cô, Cậu,... Lễ hội chính của Đền Bắc Lệ được tổ chức vào ngày 20 tháng 9 âm lịch hàng năm. - Đền Suối Ngang (xã Hòa Thắng): Đền không chỉ là nơi giao lưu văn hóa mà còn là nơi tổ chức các buổi hát hầu đồng. Cô Bé Suối Ngang cũng như các cô bé khác trên ngàn, đều là Cô bé Thượng Ngàn trong Tứ Phủ Thánh Cô và đều hầu Mẫu Thượng Ngàn. Các cô bé Thượng Ngàn đều là các bộ nàng trong Cung Sơn Trang.

- Đền Quan Giám Sát (xã Hòa Lạc): Đây là nơi thờ quan lớn đệ nhị, hay còn gọi là Quan Giám Sát, Quan Giám Sát đệ nhị, Quan trấn giữ miền Sơn Lâm. Quan Lớn Đệ Nhị là Quan đứng thứ 2 trong Ngũ Vị Tôn Ông, là con trai thứ 2 của vua Bát Hải Động Đình. - Đền Ba Nàng (xã Cai Kinh):

Đền thờ tại Thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ngôi đền nằm trong hang núi, có kết hợp thờ cả Tam tòa thánh mẫu và tứ phủ. Chúa Ba Nàng là vị chúa linh thiêng, thuộc một trong những vị thần linh Tứ Phủ. Chúa thông thuộc phép bói then và có tài chữa bệnh vang danh bốn phương khiến người người đều nể phục. 

Về tour du lịch nghỉ dưỡng, Hữu Lũng có phong cảnh đẹp của vùng trung du miền núi phía Bắc, có nhiều địa danh, thắng cảnh trên địa bàn như Mỏ Heo xã Đồng Tân (có suối với phong cảnh đẹp); các xã Yên Thịnh, xã Hữu Liên môi trường và phong cảnh đẹp, có nhà sàn, suối nước, rừng cây; xã Tân Lập có hang Dơi, hang Thờ, hang Đèo Thạp; xã Thiện Kỳ có hang Rồng,... đều là những điểm có thể phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch leo núi, du lịch nghỉ ngơi an dưỡng, mua sắm kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo,... Không chỉ có những danh thắng nổi tiếng, Lạng Sơn còn được biết đến với nền ẩm thực vô cùng phong phú và hấp dẫn, như: thịt quay, nem nướng, phở chua, bánh Coóng Phù, khâu nhục, bánh áp chao, bánh cuốn trứng…

Về các tour mua sắm, do vị trí địa lý giáp danh với Trung Quốc nên khách du lịch từ các tỉnh thường về Hữu Lũng để lấy hàng buôn bán hoặc mua sắm các đồ nhu yếu phẩm với giá cả phải chăng. Hoạt động buôn bán biên mậu diễn ra thường xuyên, quanh năm. Để thu hút khách các tỉnh, địa phương đã tổ chức các hội chợ sau Tết âm lịch phù hợp với thời gian du Xuân. Tiêu biểu là:

- Hội chợ thị trấn Hữu Lũng tổ chức ngày 12/1 âm lịch, ngày 27/3 âm lịch, ngày 12 tháng 8 âm lịch, ngày quốc khánh 2 tháng 9 dương lịch.

- Hội chợ Phổng ở xã Vân Nham tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng.

- Hội chợ Bắc Lệ ở xã Tân Thành tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng.

3.2. Đánh giá chất lượng các yếu tố ảnh hưởng đến các sản phẩm du lịch

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm du lịch, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả muốn khảo sát ý kiến du khách về: Hạ tầng giao thông vận tải, chất lượng cơ sở kinh doanh ăn uống, công tác quản lý điểm đến của các cơ quan chức năng, chất lượng cơ sở lưu trú, chất lượng phục vụ du lịch. Mức độ hài lòng được đánh giá từ 1 đến 5. 

Hình 2: Đánh giá chất lượng các yếu tố ảnh hưởng

đến các sản phẩm du lịch

danh_gia_chat_luong_cac_yeu_to_anh_huong_den_cac_san_pham_du_lich

 Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả, 2021

Về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, được khách đánh giá cao nhất với 4.5 điểm. Hiện nay, do đường xá  thuận lợi và các phương tiện tới Lạng Sơn tiện nghi hơn trước nên du lịch tới Lạng Sơn khá dễ dàng. Có thể kể tới các tuyến cao tốc, như: Hà Nội - Lạng Sơn, Bắc Giang  - Lạng Sơn, Cao Bằng - Lạng Sơn, Cà Mau - Lạng Sơn. Tuy nhiên, các tuyến đường liên huyện, liên xã cho các vùng chưa phát triển đang gây cản trở chuỗi hỗ trợ phát triển du lịch.

Về các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (4.2 điểm), khách du lịch cho rằng Hữu Lũng là thiên đường ẩm thực với đủ các loại món ăn của các dân tộc khác nhau. Đến đây khách có nhiều lựa chọn thưởng thức món ăn ở các hệ thống chợ dân dã bởi toàn huyện hiện có 12 chợ xã, chợ cụm xã, 1 chợ thị trấn được duy trì hoạt động. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan ngại là vệ sinh an toàn thực phẩm. Do tập quán sinh hoạt của đồng bào khác biệt nên tư duy về vấn đề này chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách du lịch, nhất là khách nước ngoài.

Về vấn đề quản lý điểm đến của các cơ quan chức năng (4.1 điểm), khách du lịch cho rằng các đơn vị chức năng của tỉnh mặc dù có kiểm tra và xử phạt nhưng vẫn còn tình trạng: tự ý tăng giá dịch vụ bất hợp lý vào đợt cao điểm; nạn đeo bám, chèo kéo khách vẫn còn tồn tại ở các khu du lịch; một số hoạt động tâm linh ở các đền, chùa bị biến tướng phục vụ mục đích thương mại…

Về chất lượng cơ sở lưu trú (3.8 điểm), theo khảo sát, cơ sở vật chất tại các cơ sở lưu trú chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản, chưa tạo điểm nhấn hay có thể phục vụ được những nhu cầu cao cấp của khách. Hệ thống nghỉ dưỡng ở Hữu Lũng được đánh giá thuộc hạng trung bình so với các tỉnh thành khác. Ngoài ra, hệ thống hỗ trợ khẩn cấp, như: phòng cháy chữa cháy; y tế dự phòng, vận chuyển người bệnh ở các khu du lịch mạo hiểm,… chưa được đầu tư kỹ lưỡng.

Về chất lượng phục vụ du lịch (3.6 điểm), đây là yếu tố bị khách du lịch đánh giá thấp nhất. 

Bảng 1: Trình độ học vấn của nhân viên khách sạn tại huyện Hữu Lũng

trinh_do_hoc_van_cua_nhan_vien_khach_san_tai_huyen_huu_lung

Nguồn: Tài liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, 2021

  Qua số liệu Bảng 1 cho thấy, có tới một phần ba số lao động du lịch không tiếp tục học lên sau bậc phổ thông trung học và hầu hết không được đào tạo chính quy về nghiệp vụ du lịch. . Ở các khách sạn đã được xếp hạng sao, phần lớn các nhân viên vẫn chưa có bằng đại học hoặc cao đẳng, chỉ khoảng 30% người lao động được đào tạo chính quy về du lịch sau khi học xong phổ thông trung học., Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ của các nhân viên tại đây còn hạn chế, nên không đáp ứng được mong muốn của khách nước ngoài, chủ yếu họ phải nhờ đến sự giúp đỡ của hướng dẫn viên du lịch.

4. Giải pháp phát triển hoạt động du lịch văn hóa ở Hữu Lũng

Liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phát triển du lịch của địa phương, tác giả nhận thấy hiện nay, các cấp ủy, chính quyền đang nhận thức rất rõ tiềm năng phát triển du lịch của vùng đất này.

Nhìn chung, tỉnh Lạng Sơn cần tích cực mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch trên địa bàn; thành lập các đơn vị quảng bá xúc tiến du lịch trên các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới; xây dựng các khách sạn, nhà hàng ẩm thực; hình thành các điểm giới thiệu sản phẩm du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch cần tuân thủ nguyên tắc của phát triển bền vững; khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch nhân văn, phục dựng các nét đẹp văn hoá của đời sống nhân dân địa phương.

Để đánh giá mức độ hài lòng của khách khi đến địa phương, tỉnh Lạng Sơn cần tiến hành điều tra thăm dò nhu cầu của khách nhằm xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường. Trên cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa của các tuyến, điểm, khu du lịch văn hóa trên địa bàn huyện. Qua đó, lập bản đồ quy hoạch ghi rõ địa chỉ của từng sản phẩm du lịch đặc trưng, tuyến du lịch, điểm du lịch để du khách có được bản đồ các sản phẩm du lịch trong tay, biết đến sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng và tham gia các hoạt động du lịch văn hoá đó. Ở bản đồ địa chỉ khu du lịch nên dịch sang các thứ tiếng cơ bản như: tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Nga… để khách tham quan nắm được địa chỉ khu du lịch nhanh nhất.

Quan trọng hơn là công tác tiếp tục nâng cao năng lực, bồi dưỡng cán bộ quản lý ngành Du lịch, cán bộ, công chức quản lý nhà nước, cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp, cán bộ chính quyền địa phương liên quan đến du lịch và cán bộ quản lý doanh nghiệp du lịch thuộc thành phần kinh tế. Cụ thể hơn, theo nhóm tác giả, để phát triển du lịch văn hóa, huyện Hữu Lũng cần tập trung xây dựng 3 sản phẩm du lịch quan trọng được khách hàng yêu thích nhất. Đó là:

  • Tour trải nghiệm văn hóa

 Hữu Lũng là huyện có tiềm năng phát triển loại hình du lịch du lịch văn hóa vì có nền văn hóa đa dạng của các dân tộc. Trong dịp đầu Xuân, lượng khách đến tham dự lễ hội chiếm 70-80%, nên các công ty du lịch cần thiết kế tour khai Xuân để hấp dẫn du khách thập phương. Trải nghiệm văn hóa là một khái niệm rộng, không chỉ ăn uống, vui chơi giải trí, mà còn cùng sinh hoạt với người bản địa. Do vậy, đây là một tour hấp dẫn được nhiều đối tượng khác nhau và các loại hình trải nghiệm cũng khá phong phú ở Hữu Lũng. Tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho nhân dân, nhất là nhân dân ở các vùng có điểm tham quan làm tốt công tác vệ sinh môi trường và ứng xử văn hóa du lịch cộng đồng.

  • Tour du lịch văn hóa tâm linh.

Hữu Lũng là địa phương có nhiều tín ngưỡng, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây là một trong những lợi thế để Huyện phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng tour du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái gắn kết với các điểm du lịch lân cận tại huyện Bắc Sơn và huyện Bình Gia. Hiện nay, Huyện đang tiến hành phục dựng lại lễ hội Đền Bắc Lệ nhằm phát huy hơn nữa giá trị về du lịch văn hóa lễ hội gắn với di tích đền Bắc Lệ, đền Đèo Kẻng, xã Tân Thành.

Công tác tu bổ các khu đền, chùa, phục dựng lễ hội, tôn vinh ý nghĩa của các khu tâm linh này cần phải được chú trọng hơn nữa. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Tỉnh cần xử lý nghiêm hơn các vấn đề trật tự trị an xung quanh đền, chùa, kịp thời ngăn chặn các hành vi tín ngưỡng biến tướng để giữ nét đẹp tâm linh truyền thống ngàn đời của dân tộc.

  • Tour du lịch nghỉ dưỡng

Địa phương cần tổ chức khóa huấn luyện cho đồng bào để họ làm du lịch chuyên nghiệp hơn, đầu tư xây dựng các điểm lưu trú tiện nghi để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe, nhất là khách nước ngoài đang có nhu cầu tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng riêng có của Huyện. Nâng cao chất lượng và tính thống nhất  của  cơ  sở  lưu  trú  bằng  cách hoàn thiện hệ thống xếp hạng sao khách sạn, đảm bảo khách du lịch có thể phân biệt được sự khác nhau giữa các khách sạn, cần tính đến một chương trình hoàn thiện hệ thống đánh giá khách sạn.

Về ngắn hạn, cần tập trung tăng cường thực thi các tiêu chuẩn xếp hạng sao khách sạn hiện có và xem xét hoàn thiện các tiêu chí áp dụng để đánh giá chất lượng dịch vụ. Về dài hạn, cần xem xét thuê đơn vị bên ngoài để tiến hành xếp hạng khách sạn nhằm đảm bảo chất lượng, tính nhất quán và khách quan.

5. Kết luận

            Hữu Lũng là huyện có tiềm năng phát triển kinh doanh du lịch văn hóa rất tốt. Có 3 tour du lịch có thể khai thác tối đa, đó là: tour trải nghiệm văn hóa, tour tâm linh, tour nghỉ dưỡng. Để tận dụng lợi thế và nguồn lực sẵn có, Huyện cần có những giải pháp tập trung quảng bá vào các tour được yêu thích như trên, đào tạo nhân lực ngành Du lịch, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,... để từ đó khách du lịch đến với Hữu Lũng nhiều hơn nữa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2017). Luật Du lịch.
  2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn (2021), Các tài liệu báo cáo, thống kê về Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.

 

A SURVEYING STUDY ON TOURISTS SATISFACTION

TO CURRENT CULTURAL TOURISM BUSINESS

IN HUU LUNG DISTRICT, LANG SON PROVINCE

Ph.D. LE THI VIET HA

University of Languages and International Studies, Vietnam National University – Hanoi Campus

MA XUAN KHANH

Master student, School of Business Administration, University of Economics and Business, Vietnam National University - Hanoi Campus

ABSTRACT:

Huu Lung District, Lang Son Province has rich tourism resources and there are many ethnic groups living together in this area. However, the district has not well exploited its cultural tourism potential. This paper presents an overview of tourism development prospects of Huu Lung District and surveys the satisfaction of tourists with the district’s cultural tourism products. This paper is expected to help Huu Lung District make appropriate policies to promote the cultural tourism development in the future.

Keywords: cultural tourism, spiritual tourism, cultural experience, tourism products.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 11, tháng 5 năm 2021]