Thương chiến Mỹ - Trung
Cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc gây nên những thách thức, áp lực không nhỏ với doanh nghiệp nước ta. Có 3 nước xuất khẩu sợi lớn nhất vào Trung Quốc hiện nay là Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan. Nhưng Việt Nam phải nhập khẩu 60% nguyên liệu từ Mỹ để sản xuất ra sợi; trong khi Ấn Độ và Pakistan tự chủ hoàn toàn và 1 phần nguồn nguyên liệu bông. Hai nước cũng chủ động phá giá đồng tiền của họ, từ 4,5% đến 5,5%, cao hơn nhiều so với 0,1% của Việt Nam. Nên lợi thế cạnh tranh của Ấn Độ và Pakistan đang chiếm thế thượng phong.
Cao su cũng tương tự, một số sản phẩm cao su xuất khẩu nước ta trùng với một số mặt hàng mà Trung Quốc cũng đang xuất khẩu đi các nước, như lốp xe, phụ tùng cao su. Nên khi Trung Quốc phá giá đồng NDT xuống 7 NDT ăn 1 USD, hàng xuất từ Việt Nam sẽ gặp khó khăn.
Nhìn chung, chính sách đồng nội tệ yếu và nới lỏng tiền tệ của nhiều nước khiến hàng xuất khẩu Việt Nam đắt đỏ hơn, việc điều hành chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô khó khăn hơn. Tính đến nay, VND là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực châu Á khi mất giá chỉ khoảng 0,1% so với cuối năm 2018, do các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, thặng dư thương mại 7 tháng đầu năm 1,8 tỷ USD. Cộng với lượng FDI giải ngân tăng 7,1% đã góp phần nâng tổng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên mức kỷ lục là 68 tỷ USD, đã hỗ trợ phần nào trong việc ổn định giá trị tiền tệ của Việt Nam.
Bên cạnh giữ ổn định giá trị đồng nội tệ, chúng ta cũng thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Cuối tháng 7, NHNN bất ngờ giảm lãi suất tín phiếu xuống 2,75% sau hơn bốn tháng giữ ổn định ở mức 3%. Từ đó, trên thị trường liên ngân hàng, thị trường trái phiếu và thị trường tín dụng cũng cắt giảm.
Nhưng xu hướng đứng vững của VND không phải bất biến, bởi dự trữ ngoại tệ ở mức cao hiện nay cũng chỉ mang tính chất tạm thời (khoảng hơn 3 tháng nhập khẩu). Trong dài hạn, nếu Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc hạ lãi suất, bơm ròng tiền vào thị trường; thì doanh nghiệp xuất khẩu nước ta Việt Nam sẽ khó khăn hơn.
Căng thẳng Nhật-Hàn
Đầu tháng 7/2019, Nhật Bản áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu lên các hóa chất quan trọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn và điện thoại thông minh của Hàn Quốc. Người Hàn Quốc đã phản ứng một cách giận dữ. Những chiếc xe do Nhật sản xuất đã bị cố tình làm cho trầy xước; các chủ cửa hàng đã tiến hành tẩy chay hàng hóa Nhật Bản; ngày 22/8, Hàn Quốc ngừng chia sẻ tin tức tình báo với Nhật Bản…
Hệ lụy của các biện pháp hạn chế thương mại mà 2 bên đáp trả nhau cũng khiến xuất khẩu trong nước gặp khó. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng năm 2019, Việt Nam xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hàn Quốc đạt gần 1,6 tỷ USD. Nay Nhật Bản áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu lên các hóa chất quan trọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn và điện thoại thông minh của Hàn Quốc, có thể các nhà máy sản xuất máy vi tính, điện thoại và linh kiện, máy ảnh… của Hàn Quốc tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.
Mặc dù căng thẳng Nhật- Hàn chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, không gây ảnh hưởng rộng lớn như thương chiến Mỹ - Trung, nhưng lại có tác động cộng hưởng với thương chiến Mỹ - Trung cùng hiệu ứng suy giảm tăng trưởng và thương mại toàn cầu.
Trong khe cửa hẹp của 2 cuộc chiến, Việt Nam sẽ phải theo dõi, bám sát diễn tiến hàng loạt những nhân tố bất ổn nhưng chưa lộ diện và khó lường chiều hướng. cụ thể:
- Ngày 1/12 tới, khi Mỹ áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tỷ giá đồng NDT/USD biến động đến mức nào?
- Trung Quốc sẽ phản ứng bằng nới lỏng định lượng tiền tệ? Hạ lãi suất? Cho phép ngân hàng thương mại giảm dự trữ bắt buộc?
- Trong cuộc họp của FED vào cuối năm, Mỹ có tiếp tục hạ lãi suất không? Hạ ở mức nào, 0,25% hay 0,5%?
- Ngân hàng Trung ương châu Âu có thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ một lần nữa vào tháng 9?...
Việc “theo dõi-phân tích-phản ứng” giúp doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta ứng phó linh hoạt hơn với những bất ổn từ bên ngoài.