Tóm tắt:
Khung pháp lý và phát triển tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo đã được thảo luận rộng rãi trong các tài liệu hơn hai thập kỷ qua, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Mục đích của nghiên cứu này nhằm tổng quan khung pháp lý, phát triển tài chính và phát triển năng lượng tái tạo, từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy ngành Năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số sáng kiến và cải cách dựa trên phương pháp quy hoạch từ trên xuống để đạt được mục tiêu tham vọng về hệ thống năng lượng bền vững, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Trong bối cảnh này, hệ thống tài chính nói chung và đặc biệt là hệ thống ngân hàng nói riêng đóng vai trò quan trọng trong phát triển năng lượng tái tạo thông qua tín dụng xanh tại Việt Nam.
Từ khóa: khung pháp lý, năng lượng tái tạo, phát triển tài chính.
1. Đặt vấn đề
Kể từ khi thực hiện Công cuộc Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới (World Bank, 2024). Tuy nhiên, phần lớn mô hình phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng phần lớn vẫn dựa trên nhiên liệu hóa thạch (IEA, 2023a). Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA, 2023), năng lượng không tái tạo chiếm khoảng 78% trong tổng nguồn cung năng lượng của Việt Nam (Hình 1). Do đó, việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than đá, làm ô nhiễm môi trường và không khí được xem là nguyên nhân chính gây ra khí phát thải nhà kính (GHG) và khí cacbonic (CO2) không ngừng tăng cao (Hình 2). Điều này cho thấy, chuyển đổi năng lượng sạch và an toàn đóng vai trò quan trọng trong các kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của Việt Nam.
Để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và bền vững thành công, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cùng với các chiến lược, chương trình hành động và ban hành nhiều chính sách, hướng dẫn thực hiện như Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII), Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) hay Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050 (Chính phủ, 2024). Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 hoặc trung hòa carbon vào năm 2050 với việc tăng cường các kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia về năng lượng tái tạo. Tại Hội nghị COP27, đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện từ 9% lên 15,8% đến năm 2030 và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Tại Hội nghị COP28, Việt Nam là một trong 63 quốc gia đầu tiên tham gia “Cam kết làm mát toàn cầu” (Global Cooling Pledge). Theo đó, các nước thành viên cam kết mục tiêu giảm ít nhất 68% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2050 so với năm 2022, phù hợp với mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C và phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng toàn cầu bằng “0” cùng với mở rộng khả năng tiếp cận với hệ thống làm mát bền vững vào năm 2030. Tại Hội nghị lần này, Việt Nam cũng đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện khoản tài chính 15,5 tỷ USD của Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG) (COP28, 2024). Dựa trên định hướng và mục tiêu của Chính phủ, xây dựng khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng và nhất quán đóng vai trò then chốt trong điều tiết và phát triển thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Là lĩnh vực mới nổi, các dự án năng lượng tái tạo thường đòi hỏi mức tài trợ cao mà các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng thường phải đối mặt khá nhiều thách thức và rào cản. Nói chung, tài trợ các dự án năng lượng thường đối mặt với hai vấn đề chính: (i) Các dự án này thường cần các khoản vay lớn và dài hạn mà khả năng tiếp cận các khoản vay này có mối tương quan mật thiết với sự phát triển của hệ thống ngân hàng (Demirgüç-Kunt & Maksimovic, 1999; Zhang & ctg, 2016; Mazzucato & Semieniuk, 2018); và (ii) Khả năng tiếp cận nguồn vốn thường hạn chế do cạnh tranh với dự án khác với kỳ hạn vay và rủi ro thấp hơn (Churchill & Saunders, 1989; Egli & ctg, 2018; Mazzucato & Semieniuk, 2018). Do đó, vai trò của lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán trong thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu gần đây.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về khung pháp lý liên quan chuyển đổi năng lượng sạch và bền vững, đồng thời phân tích thực trạng của phát triển năng lượng tái tạo và đóng góp của phát triển tài chính trong thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.
2. Khung pháp lý liên quan
Các quy định tài chính xanh của Việt Nam ra đời dựa trên Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh. Cụ thể, Quyết định 1393 và Quyết định số 403 hướng dẫn lồng ghép tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực tài chính và sử dụng các công cụ tài chính, tín dụng, thị trường để phát triển tài chính xanh. Các quy định này nhấn mạnh việc cần thiết phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia thông qua chính sách tài chính. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ ra tính cấp thiết của việc tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của hệ thống ngân hàng phục vụ tăng trưởng xanh của quốc gia.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã thúc đẩy triển khai tín dụng xanh nhằm thực hiện theo chủ trương, chiến lược về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2015, SBV đã ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN nhằm xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2020 đối với lĩnh vực ngân hàng. Quyết định này đã giúp hệ thống ngân hàng nâng cao được nhận thức, vai trò và năng lực trong hoạt động phát triển tài chính xanh nhằm thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam. Đồng thời, SBV cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chú trọng đến phát triển bền vững trong hoạt động cấp cho vay như bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, khuyến khích sử dụng và phát triển phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,… Ngoài ra, Chỉ thị 03 còn yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo định kỳ hằng quý về tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Các quy định này cho thấy SBV đã tích cực hành động trong công tác chỉ đạo hệ thống ngân hàng định hướng tăng trưởng xanh thông qua xanh hóa lĩnh vực tài chính kết hợp với quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Sau khoảng 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03, Công văn số 9050/NHNN-TD được ban hành hướng dẫn hoạt động báo cáo tình hình cấp tín dụng đối với 12 lĩnh vực xanh như nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch,...
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, sau đó là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong năm 2018, Quyết định số 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1604/QĐ-NHNN của SBV về việc phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đồng thời được ban hành. Các quy định này có vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của các TCTD nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững thông qua hoạt động cho vay dự án thân thiện với môi trường, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng xanh.
Bên cạnh đó, SBV cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay, cấp tín dụng để cụ thể hóa các định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và hướng dẫn các định chế tài chính thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng trong lĩnh vực xanh nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng. Điển hình như gần đây nhất là Luật số 72/2020/QH14 của Quốc hội về Bảo vệ môi trường và Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ tháng 6/2023. Ngoài ra, SBV cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, đề án và tích cực chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng xanh.
Liên quan đến các công cụ tài chính trên thị trường vốn nhằm tạo nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành một số quyết định từ năm 2012, cụ thể như: (i) Quyết định số 1393; (ii) Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên; và (iii) Quyết định số 403.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Cụ thể, Quyết định đã nêu rõ việc xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh, bao gồm: (i) Các chính sách về thị trường vốn xanh như huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh thông qua niêm yết, phát hành cổ phiếu xanh hay phát hành trái phiếu, chứng chỉ đầu tư,... cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh…; và (ii) Các sản phẩm của thị trường vốn xanh như trái phiếu xanh, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành,… Sau đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình Phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thông qua Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 đã tạo cơ sở pháp nền tảng cho hoạt động phát triển của thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam. Hay gần đây nhất, trái phiếu xanh đã được quy định cụ thể hơn theo Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 và Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ.
3. Tổng quan phát triển năng lượng tái tạo và đóng góp của phát triển tài chính tại Việt Nam
3.1. Phát triển năng lượng tái tạo
Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA, 2024), tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng của Việt Nam trong năm 2016 và 2021 lần lượt là 21% và 22%. Mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 2016-2021 của năng lượng không tái tạo và năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng lần lượt là 27,2% và 31,4%. Trong đó, từ năm 2020 đến năm 2021, tăng trưởng năng lượng không tái tạo giảm 15,2%, ngược lại tăng trưởng năng lượng tái tạo tăng 0,8%. Năm 2021, cung năng lượng tái tạo chủ yếu tập trung vào năng lượng sinh học với 46%; năng lượng hydro/biển chiếm 40%; năng lượng mặt trời chiếm 11% và năng lượng gió chiếm 3%. So sánh trong khu vực ASEAN-6, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, cũng như triển khai thủy điện lớn nhất và tiềm năng điện tái tạo cao nhất xét về mức độ phát triển kinh tế. Trên thế giới, Việt Nam là nước sản xuất mô-đun quang điện mặt trời lớn thứ ba.
Hình 1: Tỷ trọng cung năng lượng năm 2021
Nguồn: IRENA (2024)
Dựa trên Chỉ báo Phát triển Thế giới (WDI, 2024) của Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong giai đoạn 2000 - 2021, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam đã giảm từ 57,7% năm 2000 xuống còn 24,2% năm 2021. Kết quả này cho thấy nền kinh tế của Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và nhập khẩu các loại nhiên liệu này để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao. Một trong những hệ qủa đáng quan ngại đó là lượng khí thải CO2 trên đầu người không ngừng gia tăng qua các năm (Hình 2). Do đó, Việt Nam rõ ràng đã, đang và sẽ phải đối mặt không ít thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng và do đó hưởng lợi đáng kể từ việc chuyển đổi năng lượng xanh hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hình 2: Tiêu thụ năng lượng tái tạo và lượng khí thải CO2 tại Việt Nam giai đoạn 2000 - 2021
Nguồn: WDI (2024)
3.2. Đóng góp của phát triển tài chính trong thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
Tại Việt Nam, nhu cầu cho các dự án xanh, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo rất lớn và tiềm năng. Thực tế cho thấy, việc huy động tài chính xanh cho phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam chủ yếu đến từ nguồn tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh, trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương xanh (Phạm Tiến Đạt & Lê Minh Hương, 2019; Nguyễn Minh Phương, 2022; Hoài Linh & ctg, 2022).
Theo Cơ sở dữ liệu phát triển tài chính toàn cầu (GFDD, 2024), trong giai đoạn 2000 - 2021, phát triển lĩnh vực ngân hàng được đại diện bởi tỷ trọng tín dụng khu vực tư nhân trên GDP và phát triển thị trường chứng khoán được đại diện bởi vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP có xu hướng trái ngược nhau. Cụ thể, trước năm 2005, tỷ trọng vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP cao hơn tỷ trọng tín dụng khu vực tư nhân trên GDP. Ngược lại, từ năm 2005 đến nay, tỷ trọng tín dụng khu vực tư nhân trên GDP luôn cao hơn vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP và khoảng cách ngày càng được nới rộng. Điều này cho thấy lĩnh vực ngân hàng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế. Trong 25 năm qua, tín dụng khu vực tư nhân đã tăng nhanh đáng kể, từ chỗ chỉ chiếm khoảng 35% GDP năm 2000 lên hơn 125% vào năm 2021 và đạt đỉnh vào năm 2020 với khoảng 148%. Trong khi đó, vốn hóa thị trường chứng khoán chứng kiến sự sụt giảm theo thời gian, từ khoảng 84% GDP năm 2001 xuống còn khoảng 38% vào năm 2021 (Hình 3).
Hình 3: Phát triển tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán
tại Việt Nam giai đoạn 2000 - 2021
Nguồn: GFDD (2024)
Mặc dù mức tăng trưởng tín dụng của Việt Nam được xếp hạng cao nhất trong khu vực ASEAN và tính thanh khoản trên thị trường tài chính của một số dạng năng lượng tái tạo khá tốt (như quang năng, điện gió) nhưng chi phí vốn bình quân gia quyền (WACC) theo các dự án thường hơn 10%. Chi phí này là rất cao so với chi phí trung bình của các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới với xấp xỉ 5-6% và cũng cao hơn một số nước như Indonesia và Senegal (IEA, 2023b).
Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của SBV trong giai đoạn 2017-2023, tăng trưởng bình quân của dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng tín dụng bình quân chung của nền kinh tế. Tính đến ngày 31/12/2023, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh phát sinh tại 47 TCTD đạt 620.984 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 24% so với cuối năm 2022. Trong số 12 lĩnh vực xanh mà SBV hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 47%), nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%). Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế).
Thực tế cho thấy, một số chương trình ưu đãi lãi suất tín dụng xanh nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng đã và đang triển khai tại các TCTD. Một số gói tín dụng ưu đãi nổi bật đã và đang được triển khai nhằm phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm phát thải CO2 và đóng góp vào tăng trưởng bền vững tại Việt Nam (World Bank, 2024). SBV đã tích cực hành động và đạt được những thành tựu ấn tượng đóng góp trong hỗ trợ tài chính trong nước cho các dự án năng lượng sạch và bền vững thông qua các đề án, kế hoạch hành động và ban hành chính sách, hướng dẫn trong lĩnh vực ngân hàng. Mặc dù tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh không ngừng được cải thiện qua từng năm nhưng chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong dư nợ tín dụng của nền kinh tế (Hình 4). Trên cơ sở bám sát các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và các đề án, chiến lược, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả tích cực thể hiện kết quả triển khai của ngành Ngân hàng, nhưng vẫn chưa thật sự tương xứng với nhu cầu và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Hình 4: Phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam
Nguồn: SBV
Đối với thị trường vốn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp xanh được xem là kênh huy động vốn mới và hiệu quả cho phát triển các dự án xanh, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam (Phạm Tiến Đạt & Lê Minh Hương, 2019). Một trong những trường hợp điển hình cho việc huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp xanh là Công ty Cổ phần (CTCP) Điện mặt trời Trung Nam. Theo thông tin công bố, cuối tháng 8/2019, Công ty này đã phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn 9 năm. Ngoài ra, CTCP Trung Nam (chủ sở hữu 70% vốn tại CTCP Điện mặt trời Trung Nam) cũng đã phát hành thành công 945 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm. Như vậy, tổng số tiền huy động được từ hai công ty này là 3.045 tỷ đồng và được đầu tư vào dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận. Một trường hợp khác là CTCP Bamboo Capital (BCG) cũng đã công bố kế hoạch huy động khoảng 350 tỷ đồng đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh.
Thực trạng huy động vốn để phát triển năng lượng tái tạo thông qua thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay cho thấy, số lượng doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu xanh vẫn còn rất ít. Mặc dù nhu cầu về trái phiếu doanh nghiệp xanh rất cao nhưng hiện nay những nền tảng cơ bản cho phát hành trái phiếu xanh như quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ (chiếm khoảng 25% GDP), trong đó trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 9% GDP (Phạm Tiến Đạt & Lê Minh Hương, 2019).
4. Kết luận và một số khuyến nghị
Năng lượng tái tạo được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành Năng lượng hiện nay tại Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2016 của Chính phủ và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, như sau:
Thứ nhất, Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng về phát triển năng lượng tái tạo và tích cực ban hành các chiến lược quốc gia, khung pháp lý và quy hoạch từ trên xuống dưới để đảm bảo tính nhất quán và điều phối chính sách. Tuy nhiên, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành liên quan vẫn còn là thách thức khi thiếu một bộ luật riêng về năng lượng tái tạo. Do đó, Luật Năng lượng tái tạo cần sớm được ban hành để hỗ trợ cơ sở pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ hai, các quy định được ban hành về thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhưng cơ chế giám sát và thực thi pháp luật vẫn chưa thực sự triển khai đầy đủ và hiệu quả. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tăng cường cơ chế giám sát và thực thi các quy định liên quan để đảm bảo các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ ba, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý cho trái phiếu xanh đầy đủ, rõ ràng và nhất quán theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện phát triển thị trường tại Việt Nam.
Thứ tư, mặc dù các kết quả tích cực về kế hoạch phát triển ngân hàng xanh do SBV ban hành đóng vai trò quan trọng trong tài trợ vốn cho các dự án năng lượng tái tạo nhưng quy mô tài chính vẫn còn khiêm tốn và khả năng tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn vẫn còn hạn chế. Do đó, Việt Nam cần mở rộng quy mô tài chính, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn để đáp ứng mục tiêu chuyển dịch năng lượng sạch và bền vững đặt ra.
Thứ năm, thực tế hiện nay cho thấy mức độ tích hợp hệ thống tài chính trong khối Asean vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của khu vực kinh tế này. Quá trình này sẽ hạn chế khả năng phát triển tài chính của Việt Nam, từ đó ảnh hưởng lên quy mô và tốc độ phát triển nguồn vốn tài trợ cho các dự án năng lượng sạch và bền vững, bao gồm phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, các định chế tài chính cần nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như BASEL để nắm bắt được các lợi ích khi mức độ hội nhập ngày càng cao trong khu vực.
Thứ sáu, các định chế tài chính cần cải tiến các quy trình cho vay, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số và thiết lập một đơn vị “một cửa” duy nhất để làm việc với các đơn vị phát triển năng lượng tái tạo. Điều này giúp giảm chi phí hành chính và cải thiện tiến độ phát triển dự án năng lượng tái tạo.
Thứ bảy, SBV cần tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm xã hội của các định chế tài chính và hoàn thiện các quy trình nội bộ hỗ trợ tín dụng xanh và các sản phẩm liên quan thông qua xây dựng Chỉ tiêu Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) toàn diện, khung chiến lược cho ngân hàng xanh và xây dựng kế hoạch hành động để thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh.
Cuối cùng, các chương trình giáo dục, đào tạo và xây dựng khung kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động tài chính xanh đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Do vậy, Chính phủ nói chung, Bộ Tài chính và SBV nói riêng cần tích cực chủ động tham gia các tổ chức quốc tế liên quan để đào tạo, hướng dẫn, xây dựng và phát triển kỹ năng tiếp cận chuẩn mực quốc tế cho nhân lực ngành như Hệ thống Quản lý môi trường và xã hội (ESMS).
Lời cảm ơn:
Nghiên cứu được tài trợ bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khuôn khổ Đề tài ngành Mã số ĐTNH.001/23.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2024). Văn bản quy phạm pháp luật. Truy cập tại: https://vanban.chinhphu.vn.
- Nguyễn Minh Phương (2022). Phát triển tín dụng xanh - Thực trạng và một số hàm ý chính sách. Truy cập tại: https://thitruongtaichinhtiente.vn/phat-trien-tin-dung-xanh-thuc-trang-va-mot-so-ham-y-chinh-sach-43477.html..
- Phạm Tiến Đạt, Lê Minh Hương (2019). Trái phiếu xanh: Công cụ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/trai-phieu-xanh-cong-cu-thuc-day-phat-trien-nang-luong-tai-tao-tai-viet-nam.htm.
- Hoài Linh, Thảo Vy, Thanh Tú, Phương Hoa và cộng sự (2022). Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ. Truy cập tại: https://thitruongtaichinhtiente.vn/tin-dung-xanh-tai-viet-nam-thuc-trang-va-cac-khuyen-nghi-chinh-sach-38668.html.
- Churchill, A.A., Saunders, R.J. (1989). Financing of the energy sector in developing countries. Industry and Energy Department Working Paper Energy Series Paper, 14.
- Demirgüç-Kunt, A., Maksimovic, V. (1999). Institutions, financial markets, and firm debt maturity. Journal of financial economics, 54(3), 295-336.
- Egli, F., Steffen, B., & Schmidt, T.S. (2018). A dynamic analysis of financing conditions for renewable energy technologies. Nature Energy, 3(12), 1084-1092.
- IEA (2023a). ASEAN Renewables: Opportunities and Challenges, IEA, Paris. Available at: https://www.iea.org/reports/asean-renewables-investment-opportunities-and-challenges.
- IEA (2023b). Cost of capital by project type in selected countries, IEA, Paris. Available at: https://www.iea.org/data-and-statistics/charts/cost-of-capital-by-project-type-in-selected-countries-2022.
- IRENA (2024). Energy Profile. Available at: https://www.irena.org/Data/Energy-Profiles.
- Mazzucato, M., Semieniuk, G. (2018). Financing renewable energy: Who is financing what and why it matters. Technological Forecasting and Social Change, 127, 8-22.
- World Bank (2024). World Bank Development Indicators (database. Available at: https://databank.worldbank.org/source/world-development-indicators.
- Zhang, D., Cao, H., Zou, P. (2016). Exuberance in China's renewable energy investment: Rationality, capital structure and implications with firm level evidence. Energy Policy, 95, 468-478.
Regulatory frameworks and financial development for renewable energy transition in Vietnam: An overview and recommendations
Pham Thi Thuy Diem1
Tran Thi Mao1
Nguyen Phuong Tuong Lan1
1Ho Chi Minh University of Banking
Abstract:
Regulatory frameworks and financial development for renewable energy transition have been widely discussed in the literature over the past two decades, especially in developing countries. This study presented an overview of regulatory frameworks, financial development, and renewable energy development. The study also made some recommendations for promoting renewable energy in Vietnam. The government of Vietnam has introduced several initiatives and reforms based on a top-down central planning approach to achieve the ambitious targets of a sustainable energy system, but there remain challenges. In this context, financial systems, in particular the banking system, play a central role in the development of renewable energy through green credit in Vietnam.
Keywords: regulatory frameworks, renewable energy, financial development.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2024]