Khuyến công Bắc Ninh: Hiệu quả lớn từ các đề án đào tạo nghề

Nhiều năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng và phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp. Năm 2012, Bắc Ninh đứng thứ 2 trong


Trong 5 năm (2008 - 2012), với tổng kinh phí là 12,435 tỷ đồng (trong đó nguồn từ Quỹ Khuyến công địa phương là 7,110 tỷ đồng và Khuyến công Quốc gia là 5,325 tỷ đồng), Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Ninh (Trung tâm KCVTVPTCN Bắc Ninh) đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho 12.600 lao động địa phương. Áp dụng phương thức gắn kết giữa nhà quản lý - nhà sản xuất (doanh nghiệp) và người lao động (trong đó, doanh nghiệp tuyển lao động và bao tiêu sản phẩm), các lớp học do Trung tâm tổ chức chủ yếu là đào tạo tại chỗ, ngắn hạn (dưới 1 năm) và được gắn với các cơ sở sản xuất, các nghề truyền thống có nhiều thế mạnh của Bắc Ninh, như: Gốm sứ, gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, mây tre đan, dệt, may, điện ôtô, xe máy, cơ khí, thêu tranh...
 
Chương trình đào tạo nghề ở Bắc Ninh đạt kết quả tốt, với trên 70% học viên sau khi được đào tạo đã làm việc tại các DN, số còn lại làm việc tại hộ gia đình với thu nhập bình quân từ 1.500.000đ - 3.500.000 đồng/người/tháng. 

Việc đào tạo nghề, truyền nghề và khôi phục nghề không chỉ giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn (đặc biệt là các khu vực chuyển đổi đất canh tác cho quá trình CNH, HĐH), phục vụ nhu cầu của thị trường, mà còn góp phần truyền lại và khôi phục nhiều nghề truyền thống của địa phương, như nghề Gốm ở Phù Lãng, nghề Đúc đồng ở Đại Bái...

Nhiều nghề mới tại Bắc Ninh sau một thời gian được nhân cấy và hỗ trợ phát triển bởi các chương trình khuyến công đã tạo ra nhiều bước đột phá trong phát triển kinh tế tại các vùng quê trước đây là thuần nông.

Với lợi thế về vị trí địa lý và nguồn nhân lực dồi dào (nhất là lao động nữ), Bắc Ninh có nhiều điều kiện cho nghề may công nghiệp phát triển mạnh. Nắm bắt được điều này, trong vai trò “bà đỡ”, Trung tâm KCVTVPTCN Bắc Ninh đã triển khai nhiều chương trình để hỗ trợ phát triển nghề may công nghiệp tại các địa phương, như: Xã Hoài Thượng (huyện Thuận Thành), xã Minh Tân (thị trấn Thứa - Lương Tài), xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du). Thực tế đến nay, nghề may công nghiệp đã ngày càng phát triển, có sức lan tỏa rộng, tạo ra nhiều việc làm cho nhiều lao động nông thôn và thay đổi đáng kể tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương.

Bên cạnh điển hình về phát triển nghề may công nghiệp, theo Trung tâm KCVTVPTCN Bắc Ninh, hiện nay, một số nghề được hỗ trợ tích cực đã cho thấy nhiều triển vọng phát triển tốt, như: nghề dệt mành tăm, dệt vải công nghiệp (tại xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn), nghề gia công chi tiết các sản phẩm cơ khí (tại xã Quảng Phú, huyện Lương Tài)...

Có thể nói, việc triển khai công tác khuyến công, đặc biệt là chương trình đào tạo nghề của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của đại đa số cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương sở tại trong tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT về mặt bằng, nơi sản xuất, đảm bảo các vấn đề về an ninh trật tự để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác đào tạo nghề cho các cơ sở sản xuất CNNT, Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần  Văn Hiện - Giám đốc Trung tâm cho biết: Do bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phải cắt giảm công suất và nhân lực nên ảnh hưởng đáng kể đến công tác đào tạo nghề tại địa phương. Bên cạnh đó, một vấn đề chưa hợp lý đã tồn tại khá lâu thời gian qua là về kinh phí triển khai các đề án đào tạo nghề, bởi hiện nay theo quy định, nguồn vốn cố định cho các dự án thuộc lĩnh vực đào tạo nghề rất hạn hẹp (đặc biệt là thiếu tính linh hoạt, ít điều chỉnh theo giá cả thị trường). Ngoài ra, do cơ sở vật chất của các cơ sở sản xuất CNNT nói chung và Bắc Ninh nói riêng còn khó khăn, nên các học viên phải thực hành chủ yếu trên máy móc thiết bị cũ, trong khi đó, thời gian đào tạo các khoá học nghề thường rất ngắn đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của các khoá đào tạo.

Ông Hiện cũng chia sẻ thêm, do nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của hoạt động khuyến công cũng như ngành nghề đào tạo của nhiều cơ sở sản xuất và đặc thù lao động nông thôn nên thường dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không mấy mặn mà với công tác này, còn người lao động thì thiếu nhất quán trong tư tưởng lựa chọn ngành nghề... Trong khi đó, trình độ và khả năng nhận thức của các học viên nhiều khi không đồng đều, dẫn đến việc tiếp thu kiến thức đôi khi chưa thực sự hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các địa phương và doanh nghiệp cơ sở trong việc khảo sát nhu cầu nhân lực để đào tạo “đúng và trúng”. Các đề án đào tạo nghề cũng sẽ được Trung tâm áp dụng theo mô hình nhà nước - nhà sản xuất - người lao động, trong đó nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp tuyển dụng lao động và bao tiêu các sản phẩm làm ra.

Mục tiêu phấn đấu của Bắc Ninh là đào tạo, truyền, cấy nghề từ 1500 - 2000 lao động/năm, đến năm 2020 mỗi xã của Bắc Ninh sẽ có ít nhất một làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Đây là những mục tiêu không dễ thực hiện. Nhưng vói sự tận tuỵ, cùng kinh nghiệm quý báu được tích luỹ trong quá trình thực hiện nhiều đề án của những cán bộ khuyến công Bắc Ninh, hy vọng, mục tiêu này sẽ sớm về đích, góp phần cung cấp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương trong quá trình công nghiệp hoá nông thôn.