Khuyến công Bình Định: Đổi mới thiết bị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấ phát triển công nghiệp Bình Định phối hợp với Sở Công Thương Bình Định, triển khai có hiệu quả nhiều chương trình đề án, góp phần đáng kể vào sức t

Thực hiện Chương trình công tác trọng tâm của Sở Công Thương năm 2017 tại Quyết định số 177/QĐ-SCT ngày 26/12/2016. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp có 4 nhiệm vụ chính. Đó là việc triển khai thực hiện Chương trình, đề án khuyến công từ các nguồn vốn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đảm bảo hiệu quả, đúng chính sách quy định; Sửa chữa nhà làm việc 731 Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn phần thuộc Trung tâm sử dụng; Tổ chức Cuộc thi thiết kế chế tác sản phẩm phục vụ du lịch tỉnh Bình Định lần thứ 2 năm 2017; và triển khai hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, giá trị doanh thu dự kiến đạt 500 triệu đồng/năm.

Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, giai đoạn 2012 - 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Định đã thực hiện 86 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí trên 11,44 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia thực hiện 18 đề án, kinh phí 5,682 tỷ đồng; khuyến công địa phương thực hiện 68 đề án, kinh phí 5,760 tỷ đồng. Các đề án tập trung vào nội dung hỗ trợ: Đào tạo, khôi phục ngành nghề truyền thống; nâng cao năng lực quản lý; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu... Đặc biệt, khuyến công Bình Định đã triển khai hiệu quả xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất.

Hoạt động Khuyến công góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn

Đặc biệt, với nguồn kinh phí Khuyến công quốc gia, Trung tâm đã hỗ trợ Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất đúc kim loại bằng điện tự động của Công ty TNHH SX&DV Đường Minh, thị xã An Nhơn. Ông Văn Thái Toàn, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm cho biết, các thiết bị mới. được đầu tư hoạt động trên dây chuyền tự động nên năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, từ đó tiết kiệm vật tư sản xuất cũng như hạn chế sản phẩm hỏng, đồng thời nâng cao năng suất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Trung tâm cũng phối hợp với Công ty TNHH Nông lâm sản Minh Tuấn thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bột cá”. Đề án giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu cá tại địa phương để sản xuất bột cá, cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, đề án đã hoàn thành phần đầu tư xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị và vận hành thử. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động ổn định hệ thống dây chuyền sản xuất mới sẽ tạo doanh thu khoảng 26 tỷ đồng/năm và việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng

Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh Bình Định, các chương trình đề án đã được triển khai trong những năm qua đã góp phần gia tăng số lượng cơ sở sản xuất, làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khôi phục và phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Mặc dù, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, hầu hết phát triển theo hướng tự phát nên việc lựa chọn đề xuất đề án đưa vào kế hoạch của các địa phương chất lượng đề án còn hạn chế. Tuy nhiên, để khắc phục những tổn tại trên, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Bình Định đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể như: Phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện kiểm tra, đôn đốc các đơn vị có đề án KCQG và KCĐP triển khai thực hiện và nghiệm thu đảm bảo đúng tiến độ; Điều chỉnh dừng, bổ sung, thay thế các đề án mà cơ sở không có khả năng thực hiện; Tham gia Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia 2017, đồng thời mời gọi các Cơ sở CNNT tham gia Hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2017; Tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi thiết kế chế tác sản phẩm phục vụ du lịch tỉnh Bình Định lần thứ 2 năm 2017.

Cùng với đó là tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đề án khuyến công, đảm bảo hoàn thành các đề án khuyến công được giao đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Bình Định, công tác khuyến công của tỉnh trong những năm qua đã đi đúng hướng và tạo được nhiều chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy chủ trương, chính sách phát triển nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khoá X của Đảng. Đó là ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống đã được khôi phục, phát triển ở nông thôn. Đến nay có khoảng trên 14.500 cơ sở sản xuất, thu hút trên 36.400 lao động, tạo ra gíá trị sản xuất công nghiệp gần 793 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là công nghiệp cá thể, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp gần 400 tỷ đồng/năm. Kết quả trên đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đời sống, việc làm của người nông dân không ngừng được cải thiện; bộ mặt nông thôn mới ngày càng được khởi sắc.


Hạ Vũ