Khuyến công Cà Mau: Đầu tư công nghệ nâng cao giá trị gia tăng lúa, gạo

Dây chuyền khép kín gồm máy bóc vỏ trấu, lọc sạn, xát trắng, máy đánh bóng gạo, cân điện tử tự động... giúp Cơ sở xay xát gạo Cẩm Tính, ấp Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời tạo ra sản phẩ

Những năm gần đây, các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã phát huy hiệu quả tích cực, nhiều dây chuyền máy móc, thiết bị được nâng cấp, đầu tư mới, sản xuất ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ông Ngô Hữu Nhẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Cà Mau cho biết: Sau nhiều năm thực hiện theo phương pháp sản xuất truyền thống, giá trị sản phẩm lúa gạo của bà con không cao, giá thành bán ra thấp. Thực hiện kế hoạch khuyến công năm 2016, Trung tâm Khuyến công phối hợp phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Trần Văn Thời đã hỗ trợ đầu tư mở rộng dây chuyền xay xát lúa gạo (máy đánh bóng gạo) cho Cơ sở Cẩm Tính với tổng vốn đầu tư 291 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 125 triệu đồng. Máy đánh bóng gạo của cơ sở đầu tư giúp cho độ bóng, độ sáng gạo tăng thêm từ 15 đến 25%, gạo sạch cám hơn, tỷ lệ bóc cám đến 3%, tỷ lệ gãy, vỡ thấp dưới 2%, máy tự động đóng ngắt nguyên liệu, giúp ổn định chất lượng gạo khi đánh bóng.

Dây chuyền xay xát lúa gạo (máy đánh bóng gạo) của Cơ sở Cẩm Tính

Theo thiết kế, Cơ sở Cẩm Tính là cơ sở xay xát lúa gạo có quy mô, công suất chế biến lớn trong khu vực tỉnh với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại. Việc đầu tư máy đánh bóng gạo cho cơ sở Cẩm Tính đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nông dân ở địa phương. Đây là vùng có diện tích trồng lúa khá lớn, sản xuất từ 2-3 vụ/năm.

Kể từ khi được đầu tư trang thiết bị hiện đại, sản lượng gạo của cơ sở xay xát gạo Cẩm Tính đã được nâng cao, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, doanh thu, lợi nhuận của cơ sở cũng được tăng lên đáng kể đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn và thành công hơn cả là chất lượng sản phẩm gạo của cơ sở được nâng lên một cách rõ nét, tạo động lực để các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Ngô Hữu Nhẫn phấn khởi.

Trong năm 2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Cà Mau đã thực hiện được 24/28 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng, trung bình mỗi đề án được hỗ trợ từ 66 đến 140 triệu đồng. Trong năm 2016, Trung tâm tổ chức xây dựng 02 đề án (Hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới than sạch xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại, Dịch vụ PCM, ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình và Hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ đóng mới và sửa chữa tàu thuyền tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ sửa chữa, đóng tàu Tấn Lợi, khóm 5, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời); 02 đề án trên đã được thẩm định cấp cơ sở và gửi Cục Công nghiệp địa phương thẩm định cấp Bộ; trong đó, đề án Hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới than sạch xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại, Dịch vụ PCM được Bộ Công Thương phê duyệt.

Theo ông Ngô Hữu Nhẫn, quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công từ việc đăng ký kế hoạch, thẩm định, xét giao kế hoạch các đề án khuyến công ở giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn, lúng túng và tốn kém nhiều thời gian. Quy mô của một số đề án khuyến công còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa có nhiều đề án khuyến công có sức lan tỏa lớn, có vai trò quan trọng cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của khu vực và các địa phương.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ tư vấn lập dự án đầu tư, marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; thành lập doanh nghiệp; liên doanh; liên kết trong sản xuất kinh doanh; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới. Đồng thời, tăng cường tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động.