Khuyến công Bình Định: Hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất

Năm 2017, có 24 chương trình, đề án khuyến công được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Định triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đánh giá của Sở Công Thư

Cụ thể, năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Định (Trung tâm) đã hỗ trợ Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Việt Hưng nằm trên địa bàn huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đổi mới trang thiết bị, dây chuyền hiện đại trong chế biến hạt điều xuất khẩu.

Theo đó, với nguồn kinh phí 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ năm 2017, Công ty đã đầu tư thêm máy phân loại màu hạt điều với công suất 500kg/h. Máy có khả năng phân loại màu 26 hạt điều khác nhau, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đồng thời, đảm bảo về vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Ông Nguyễn Xuân Diễn - Giám đốc Công ty cho biết, trước đây, do chưa có máy phân loại hạt điều, Công ty phải sử dụng thường xuyên 20 lao động để phân loại hạt với công suất 1.000kg/ngày. Khi lượng hàng nhiều, Công ty phải huy động gấp đôi số lao động trên, mới có thể hoàn thành công việc, nhưng chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Máy phân loại màu hạt điều với công suất 500kg/h của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Việt Hưng

Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến công theo đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến hạt điều”, thời gian qua, năng suất của Công ty tăng vượt trội, chất lượng sản phẩm đồng đều, doanh thu của Công ty khoảng 660 triệu đồng/năm. Cùng với thu nhập cho người lao động cũng tăng từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn, từng bước ổn định và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, năm 2016, Trung tâm cũng đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho Hợp tác xã sản xuất đá xây dựng Bình Đê để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ngói màu không nung.

Nhà máy sản xuất ngói màu không nung xi măng cốt liệu có nhiều ưu điểm vượt trội: vận hành đơn giản, cần ít diện tích mặt bằng sản xuất (ảnh sưu tầm)

Theo đại diện của Hợp tác xã Bình Đê, nhà máy sản xuất ngói màu không nung xi măng cốt liệu có nhiều ưu điểm vượt trội: nguyên liệu đầu vào chủ yếu là xi măng, bột đá hoặc phế thải của sản xuất công nghiệp; vận hành đơn giản, cần ít diện tích mặt bằng sản xuất. Với cơ cấu ép tự động thủy lực tăng cơ tính, viên ngói được sản xuất ra có độ chính xác và cường độ chịu nén cao, cách nhiệt tốt, kích thước và cấu trúc viên ngói phù hợp tiện lợi trong thi công mái lợp, không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

Quan trọng nhất là việc bảo vệ môi trường và bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Từ khi có nhà máy sản xuất ngói màu không nung, cuộc sống và chất lượng của người lao động được cải thiện, thu nhập bình quân cũng đạt 5 triệu đồng/người/tháng.

Từ khi có nhà máy sản xuất ngói màu không nung, chất lượng cuộc sống của người lao động được cải thiện (ảnh sưu tầm)

Ông Văn Thái Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Định cho hay, chương trình khuyến công Bình Định đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy với các doanh nghiệp nơi đây, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong quá trình triển khai các chương trình đề án khuyến công có những khó khăn nhất định, nhưng được sự quan tâm hỗ trợ chỉ đạo của Sở Công Thương, sự hỗ trợ của các phòng chức năng của Sở và sự đồng thuận của chính quyền địa phương, các đơn vị hưởng lợi... các đề án khuyến công đã đạt những kết quả tốt đẹp. Với kết quả đạt được trong công tác khuyến công 6 tháng đầu năm 2017 đã góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm 2017, Bình Định có 4 chương trình, đề án khuyến công Quốc gia được phê duyệt, với kinh phí 1,1 tỉ đồng (tăng 22,2% so với năm 2016). Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng vừa chính thức phê duyệt “Đề án Khuyến công địa phương năm 2017”, có 20 chương trình, đề án khuyến công thuộc 4 nhóm đề án khuyến công địa phương  được UBND  tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí 2,52 tỉ đồng (tăng khoảng 500 triệu đồng so với năm 2016).

Trong đó, có khá nhiều đề án được hỗ trợ kinh phí lớn như: Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất gạo chất lượng cao, công suất 6.000 tấn lúa/năm tại cơ sở kinh doanh nông sản Quang Vũ - xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (kinh phí hỗ trợ 430 triệu đồng); Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gỗ nội thất, công suất 2.100 m/giờ tại DNTN An Đức - thị trấn An Lão, huyện An Lão (kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng).