Trong đó, vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ cho 07 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với tổng vốn hỗ trợ 2,25 tỷ đồng; Thu hút được trên 17,28 tỷ đồng vốn đối ứng; Vốn khuyến công địa phương hỗ trợ cho 310 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với tổng vốn hỗ trợ 28,49 tỷ đồng; Thu hút trên 241,1 tỷ đồng vốn đối ứng.
Theo đại diện Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, nguồn vốn đối ứng chủ yếu đến từ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thực hiện đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mới và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
1 đồng “vốn mồi” hút hơn 2 đồng vốn đối ứng
Điển hình như, thực hiện kế hoạch khuyến công năm 2023, với tổng vốn thực hiện đề án "Hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí" là 808.500.000 đồng, trong đó: Vốn khuyến công hỗ trợ 235.000.000 đồng; Vốn của đơn vị thụ hưởng 573.500.000 đồng. Công ty TNHH VTECH CO đã đầu tư mới 100% Máy cắt Laser Fiber, Công suất nguồn laser: 3000W vào sản xuất.
Qua đánh giá, máy móc thiết bị được Trung tâm phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ có nhiều ưu điểm nổi bật như: Máy cắt dây CNC là dòng máy cắt dây molipden cao cấp thế hệ mới, khả năng cắt cao và cắt nhanh, nhiều lần, cho độ bóng bề mặt tốt; thích hợp cho sản xuất khuôn mẫu làm hàng cho khu công nghiệp, gia công những sản phẩm cần độ chính xác và độ bóng cao.
Ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH VTECH CO cho biết về hiệu quả của đề án: Máy đi vào hoạt động doanh thu đạt được 700 triệu đồng/ tháng, so với năm 2022 tăng 30%; Năng suất sản phẩm 1 tháng là 5 bộ tủ bếp, 5 bộ cổng, 8 bộ tủ giày, 6 bộ tủ rượu vang. So sánh với năm 2022 khi chưa có máy cắt laser nên chưa sản xuất được cổng cắt laser CNC sơn tĩnh điện, các sản phẩm là tủ bếp, tủ giày và tủ rượu đạt năng suất 3 bộ 1 tháng; Giải quyết việc làm cho 10 lao động; Thu nhập bình quân của lao động 8 triệu/người/tháng. So với năm 2022 là 6 triệu/người/tháng.
Cùng với đó, là đề án “Hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí” tại Công ty cổ phần tự động hóa DT Vina. Đây là đề án nằm trong Chương trình khuyến công địa phương năm 2023 và là mô hình điểm được triển khai theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Tổng vốn thực hiện đề án là 616 triệu đồng, bao gồm 170 triệu đồng được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công địa phương và 446 triệu đồng vốn đối ứng doanh nghiệp. Công ty đã đầu tư mua mới 100% với 2 máy cắt dây thép bằng tia lửa điện CNC Model GS4563AC với nhiều ưu điểm vượt trội so với các máy cắt thông thường, độ chính xác cao, vận hành ổn định.
Từ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ và vốn đối ứng của doanh nghiệp đã giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Góp phần phát triển kinh tế – xã hội và đóng góp giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, tạo thêm của cải vật chất cho xã hội, tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Doanh nghiệp chủ động nguồn vốn đối ứng
Năm 2020 Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Toàn xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã được hỗ trợ vốn từ nguồn vốn khuyến công địa phương, đề án mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, phát triển ngành nghề sản xuất đồ nhựa gia dụng tại địa phương, qua đó cũng hỗ trợ khuyến khích các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại địa phương và được các cấp, các ngành đánh giá cao.
Tuy nhiên, trước nhu cầu của thị trường luôn phải đa dạng về mẫu mã, chất lượng luôn phải đi đầu, năng lực canh tranh phải luôn cải thiện. Do đó, từ tự chủ được nguồn vốn đối ứng, Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Toàn đã quyết định đầu tư thêm một số máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Với tổng Vốn thực hiện đề án “Hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị trong sản xuất đồ nhựa” là 750 triệu đồng, trong đó: Vốn khuyến công hỗ trợ 206 triệu đồng; Vốn của đơn vị: 544 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Toàn đã đầu tư mới 100% Máy thổi chai VAPET 6000. Máy móc đi vào hoạt động cho năng xuất làm việc hiệu quả, khả năng tạo ra số lượng lớn sản phẩm chai PET chỉ trong một thời gian ngắn; Chất lượng chai được đảm bảo giống với bản thiết kế ban đầu; Dây truyền thổi chai có thiết kế nhỏ gọn, có thể gia công nhiều loại chai khác nhau, dây truyền thổi chai PET không phân biệt mức độ phức tạp của sản phẩm; Hệ thống thổi chai khép kín, hiện đại và chuyên nghiệp; Hệ thống điều khiển trung tâm đơn giản, các kỹ thuật viên có thể dễ dàng vận hành máy hiệu quả; không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Toàn cho biết: Việc đầu tư máy móc đã sản xuất được lượng vỏ chai nhựa PET lớn: Sau khi đầu dây truyền sản xuất dàn máy thổi chai tự động VAPET6000 đi vào hoạt động sản lượng đạt từ 108.000 – 140.000 chai/ngày, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường. Doanh thu dự kiến đạt 6,5-7 tỷ/năm. Ngoài ra, khả năng vận hành tự động, không cần nhân lực, toàn bộ quá trình sản xuất ra 1 chai thành phẩm đều được diễn ra tự động mà không cần sức người. Vỏ chai thành phẩm đạt chuẩn chất lượng.
Cùng với đó, giải quyết được việc làm thêm cho 5-6 lao động tại địa phương có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định với mức thu nhập hàng tháng từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Khuyến khích phát triển nghành nghề TTCN tại địa phương.
Ông Đỗ Văn Định, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: Các hoạt động khuyến công, nhất là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến... tiếp tục được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất CNNT; hỗ trợ khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Nguồn đối ứng lớn từ các doanh nghiệp với nội dung này đã tạo cho các cơ sở CNNT, địa phương có sự nhìn nhận tích cực về hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước.