Kiểm soát tốt quản lý tài sản góp phần cải thiện năng suất và hiệu quả kinh doanh

Một bộ tiêu chuẩn quốc tế mới đã được tạo ra để hướng dẫn trong chuẩn mực thực hành quản lý tài sản - đó là ISO 55001:2014. Đây là một hệ thống quản lý còn khá mới với Việt Nam, hỗ trợ tối ưu hóa tài sản và làm giảm tổng chi phí sở hữu trong khi giúp doanh nghiệp đáp ứng kết quả kinh doanh cần thiết và các yêu cầu an toàn.

Mới đây, Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương đã nhận được chứng chỉ ISO 55001:2014 về quản lý tài sản cho  Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2. Cuộc trao đổi với ông Kevin Pierce - Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 là những thông tin thú vị về hệ thống quản lý này mà các doanh nghiệp Việt cần quan tâm. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

AES Mông Dương
Ông Kevin Pierce - Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2

 

PV: Xin ông cho biết về một số chứng nhận quản lý mà Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương đã đạt được trong đó có ISO 55001:2014?

Ông Kevin Pierce: Tại AES Mông Dương, chúng tôi luôn nỗ lực hoàn thành mọi việc một cách tốt nhất theo tiêu chuẩn và đẳng cấp thế giới. “Tiêu chuẩn cao nhất” là một trong những nguyên tắc cốt lõi của Công ty và các giải pháp chúng tôi đề ra đều phải tuân theo các tiêu chuẩn xuất sắc trên toàn cầu. Chúng tôi đã đầu tư nguồn lực để cải thiện chất lượng và nâng cao các tiêu chuẩn của nhà máy. Việc này được minh chứng bằng các giải thưởng và chứng nhận khác nhau mà chúng tôi đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Những thành tích này gồm có Chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, Chứng nhận quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001:2007 và Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001:2018. Trong 6 năm liên tục, chúng tôi đã thành công trong việc duy trì các tiêu chuẩn an toàn ở đẳng cấp thế giới và những nỗ lực của chúng tôi đã được ghi nhận với Huy chương vàng RoSPA lần thứ 6 năm 2020 trao tặng bởi Hiệp hội hoàng gia Anh về phòng ngừa tai nạn (RoSPA).

Gần đây nhất, chúng tôi đã được trao Chứng nhận ISO 55001:2014 cho hệ thống quản lý tài sản của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, công suất 1.200MW tại tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Đây là tiêu chuẩn mới nhất về quản lý tài sản vật chất trên thế giới.

Nhìn lại, tôi có thể nói rằng những giải thưởng và chứng nhận này là kết quả đến từ sự phấn đấu không ngừng đến từ cam kết luôn cải thiện bản thân và hoạt động kinh doanh của chúng tôi.

AES Mông Dương
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 vừa được nhận chứng chỉ ISO 55001:2014 về quản lý tài sản

 

PV: Đây là một hệ thống quản lý khá mới tại Việt Nam và AES Mông Dương cũng là một trong những công ty đầu tiên đạt chứng nhận này. Ông có thể cho biết tại sao Công ty lại lựa chọn xây dựng hệ thống quản lý ISO 55001:2014 mà không phải là một hệ thống hoặc một công cụ quản lý nào khác?

Ông Kevin Pierce: Chứng nhận này được công bố trên toàn cầu vào năm 2014, nhưng bạn nói đúng là nó còn khá mới ở Việt Nam, và cũng không dễ để có thể đạt được. Để giải thích lý do tại sao chúng tôi lựa chọn chứng nhận này, ta phải hiểu tầm quan trọng của việc quản lý tài sản. Theo quan điểm của tôi, quản lý tài sản là phải biết những gì chúng ta muốn đạt được với một tài sản và làm cách nào để thực hiện điều đó, chứ không chỉ đơn thuần là đánh giá rủi ro liên quan đến tài sản đó. Đó là việc cần có một chiến lược dài hạn.

ISO 55001:2014 thiết lập các yêu cầu cụ thể để khai thác và bảo trì một tài sản, nó cũng hỗ trợ cải thiện tài sản đó thông qua Hệ thống quản lý tài sản (AMS), giúp quản lý và giảm thiểu rủi ro, đồng thời đánh giá hiệu suất hoạt động của tất cả các bộ phận. Bộ tiêu chuẩn chính xác là những gì chúng tôi cần, vì nó giúp thiết lập các quy trình để quản lý tài sản một cách hiệu quả và thúc đẩy hoạt động vận hành xuất sắc của Nhà máy. Đó là một sự phù hợp tự nhiên và rất hài hòa với một trong những nguyên tắc cốt lõi của chúng tôi – “Tiêu chuẩn cao nhất”. Chứng nhận một lần nữa cho thấy cách chúng tôi thực sự đưa các nguyên tắc của mình vào thực tiễn thông qua các hoạt động xuất sắc của nhà máy và quá trình làm việc với đội ngũ nhân viên của AES.

AES Mông Dương
“Tiêu chuẩn cao nhất” là một trong những nguyên tắc cốt lõi của Công ty

 

PV: Để đạt được chứng nhận này Công ty đã gặp phải những khó khăn gì?Theo ông, nhân tố trọng nhất làm nên thành công của việc triển khai và đạt được chứng nhận ISO 55001:2014 là gì?

Ông Kevin Pierce: Chứng nhận này là kết quả của 2 năm làm việc cật lực, trong đó chúng tôi đã thực hiện nhiều sáng kiến ​​khác nhau, gồm có lập kế hoạch và hồ sơ về tài sản và thu thập dữ liệu vận hành theo tiêu chuẩn ISO 55001:2014.

Ban đầu, không dễ để hiểu hết các điều khoản và cấu trúc của bộ tiêu chuẩn ISO 55001:2014 nên chúng tôi cần trang bị thêm kiến ​​thức cho nhân viên để phù hợp với thực tiễn vận hành và bảo trì của Nhà máy. Một trong những thách thức là lập các hồ sơ theo yêu cầu và cung cấp bằng chứng thực hiện để đáp ứng các yêu cầu kiểm toán để được cấp chứng nhận.

Mọi thứ phải được thực hiện từng bước. Đầu tiên, chúng tôi đã củng cố kiến ​​thức và năng lực của đội ngũ liên quan đến chứng nhận, cũng như các quy trình vận hành và bảo trì mới. Sau đó, khi đã đạt chứng nhận, chúng tôi mất khá nhiều thời gian và công sức để phát triển một nhóm kiểm toán viên nội bộ được chứng nhận từ các nhân viên của Nhà máy nhằm thực hiện kiểm toán nội bộ hệ thống quản lý tài sản, xác định và khắc phục các thiếu sót trước khi được kiểm toán bởi bên thứ ba.

Tôi nghĩ, đối với chúng tôi, chính sự cống hiến của đội ngũ quản lý tài sản bao gồm các thành viên từ các phòng ban khác nhau và sự cam kết của lãnh đạo đã mang lại thành công này. Vì vậy, tôi rất tự hào về thành tựu này cũng như sự nỗ lực của cả tập thể để đạt được chứng nhận ISO 55001:2014.

AES Mông Dương
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 về đêm

 

PV: Với chứng nhận này, Công ty sẽ có lợi thế như thế nào trên thị trường so với các doanh nghiệp khác trong ngành điện, thưa ông?

Ông Kevin Pierce: Chúng tôi nhận thấy lợi ích của chứng nhận đối với cả nội bộ AES Mông Dương, với các khách hàng và các bên liên quan khác. Trong nội bộ, lợi thế của việc áp dụng tiêu chuẩn ISO này là quản lý hiệu quả các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để cải thiện hiệu suất bền vững bằng cách quản lý các tài sản và rủi ro một cách hiệu quả. Nó cải thiện lợi ích tài chính cho tổ chức mà không ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và an toàn.

Ngoài ra, việc thực hiện chương trình quản lý tài sản với các kế hoạch tổng hợp, các ưu tiên và sự phối hợp cho phép tổ chức truyền đạt các mục tiêu của mình cho tất cả nhân viên, để họ hiểu các mục tiêu của phòng ban và cá nhân phù hợp với mục tiêu của tổ chức để hoàn thành các mục tiêu này vào cuối năm.

Trong quá trình kiểm toán và chuẩn bị, các nhân viên đã được trang bị kiến ​​thức chuyên sâu về quản lý tài sản và tự tin hơn với các kỹ năng quản lý tài sản mới. Do chúng tôi đã quảng bá bộ tiêu chuẩn trong nội bộ, quá trình này cũng thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các nhóm khác nhau và khuyến khích làm việc theo nhóm vì mục đích chung.

Về lâu dài, chứng nhận sẽ khiến cho mọi người biết đến AES Mông Dương với tư cách là một doanh nghiệp được quản lý tốt. Nó cho khách hàng và các bên liên quan thấy rằng, chúng tôi luôn hướng tới các tiêu chuẩn cao nhất trong hoạt động hàng ngày của mình để hoàn thành sứ mệnh là cung cấp nguồn điện đang rất cần thiết cho Việt Nam.

AES Mông Dương
Chứng nhận ISO 55001:2014 sẽ khiến cho mọi người biết đến AES Mông Dương với tư cách là một doanh nghiệp được quản lý tốt

 

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của hệ thống quản lý này đối với việc nâng cao năng suất trong Công ty? Ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Việt Nam khi chuẩn bị xây dựng hệ thống quản lý này trong tương lai?

Ông Kevin Pierce: Như tôi đã đề cập trước đó, chứng nhận cung cấp cho chúng tôi Hệ thống quản lý tài sản (Asset Management System), là một hệ thống giúp thúc đẩy những cách thức  tốt nhất trong quản lý tài sản, giúp chúng tôi tăng cường hiệu quả hoạt động xuất sắc, bằng cách quản lý tài sản vật chất một cách hiệu quả. Việc kiểm soát quản lý tài sản được cải thiện cuối cùng sẽ mang đến cải thiện năng suất và hiệu quả kinh doanh.

ISO 55001:2014 sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý thành công tài sản của chúng tôi trong tương lai. Do đó, tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam khác có thể xem xét áp dụng bộ tiêu chuẩn này. Việc đạt được chứng nhận có thể không phải là một nhiệm vụ đơn giản, nhưng với những lợi ích mà nó mang lại, tôi nghĩ nó rất đáng để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, chứng nhận chỉ là sự khởi đầu và lợi ích chính đem lại là nó cho phép chúng tôi từ nay trở đi liên tục cải tiến và có thể làm tốt hơn. Do chứng nhận có hiệu lực trong vòng ba năm, giờ đây chúng tôi sẽ cần nỗ lực hơn nữa để duy trì các yêu cầu của tiêu chuẩn trong các hoạt động bảo trì, vận hành thường xuyên và không thường xuyên, để tiếp tục duy trì chứng nhận ISO 55001:2014 trong những năm tới.    

Hồ Nga (thực hiện)