Tại Hoa Kỳ, Hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia của Tổng thống Biden vừa qua đã công bố gói chính sách công nghiệp gồm 5 cấu phần lớn:
(i) Phát triển chuỗi cung ứng tại chỗ;
(ii) Đầu tư trọng điểm bằng ngân sách liên bang cho thúc đẩy liên kết các ngành chế biến chế tạo và hoạt động R&D, trường đại học, khu vực nghiên cứu khoa học, công nghệ;
(iii) Xây dựng chính sách mới về mua sắm chính phủ thông qua đề án “Mua hàng Mỹ” (“Buy American”);
(iv) Phát triển công nghiệp bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu; (v) phát triển công nghiệp công bằng, bình đẳng.
Để hiện thực hóa các chính sách công nghiệp này, Đạo luật “Cạnh tranh Mỹ năm 2022” do Quốc hội thông qua cho phép gần 300 tỷ USD đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ cho sản xuất thiết bị bán dẫn và nghiên cứu các thành phần quan trọng sử dụng trong máy tính và xe ô tô, giảm nhẹ các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.
Tại châu Âu, chính sách công nghiệp có truyền thống lâu đời, bao gồm cả ở Pháp, Đức và Vương quốc Anh. Ở cấp độ Châu Âu, Hội nghị các Bộ trưởng công nghiệp EU thành lập Diễn đàn “Những người bạn của công nghiệp” ra tuyên bố Berlin về “Chiến lược mới cho chính sách công nghiệp của EU” dẫn đến Ủy ban Châu Âu đã ban hành Chiến lược Công nghiệp mới cho Châu Âu. Qua đó, tổng ngân sách từ 05 Quỹ hỗ trợ chính của EU cho các chính sách công nghiệp xanh, sáng tạo, thích ứng biến đổi khí hậu là khoảng 1.066 tỷ Euros và dự kiến sẽ gia tăng mạnh sau Hội nghị COP 26.
Gần đây, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch 12 tỷ Bảng Anh cho một “cuộc cách mạng công nghiệp xanh” trong đó Chính phủ cam kết đầu tư vào năng lượng tái tạo và xe điện để giúp đất nước trở nên trung hòa carbon vào năm 2050. Ở Đức, Chính phủ cũng đi đầu trong phát triển kế hoạch “Chiến lược công nghiệp quốc gia 2030 - Công nghiệp 4.0”.
Tại châu Á, chính sách công nghiệp đã tạo sự phát triển kinh tế nhanh chóng của các nước trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay, Nhật Bản đã ban hành chính sách công nghiệp mới với tên gọi “Kết nối các ngành công nghiệp” với trọng tâm là kết nối dữ liệu, nghiên cứu phát triển giữa các ngành công nghiệp nhằm tạo ra các ngành công nghiệp mới.
Tại Hàn Quốc, sau khi đã phát triển các lĩnh vực sản xuất thép, đóng tàu, điện tử và ô tô, năm 2020, Chính phủ công bố gói chính sách công nghiệp mới gồm 02 cấu phần “Chuyển đổi số” và “Xanh hóa” với tổng ngân sách 5 năm 2020 - 2025 là 114 nghìn tỷ Won (xấp xỉ 97 tỷ USD) trong đó cấu phần công nghiệp chiếm từ 30 - 40%.
Năm 2021, Hàn Quốc công bố Chiến lược K-Semiconductor với nhiều ưu đãi thuế và trợ giá cho các nhà sản xuất chip nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp nước này đầu tư 510 nghìn tỷ won (453 tỷ USD) phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Cụ thể, Chính phủ cung cấp tín dụng thuế từ 40 - 50% đối với các khoản đầu tư cho dự án nghiên cứu - phát triển công nghệ chip mới; ưu đãi thuế 10-20% cho cơ sở liên quan; hỗ trợ tối đa 50% chi phí để xây dựng hạ tầng điện cần thiết cho dây chuyền sản xuất chip.
Trong khi đó, ở Đài Loan (Trung Quốc), Chính phủ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Năm 2016, Chính phủ công bố “Kế hoạch các ngành công nghiệp sáng tạo” với tổng ngân sách hỗ trợ là 110 tỷ Đài tệ (tương đương 3,3 tỷ USD) với 7 ngành công nghiệp trọng điểm.
Tại Trung Quốc, Chính phủ đã áp dụng chính sách công nghiệp tích cực theo chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) với tổng ngân sách 1,4 nghìn tỷ USD nhằm hiện thực hóa tham vọng dẫn đầu toàn cầu trong mười ngành công nghệ cao, bao gồm: (1) Công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo; (2) Máy móc điều khiển số và robot công nghệ cao; (3) Xe điện; (4) Thiết bị hàng không và vũ trụ; (5) Thiết bị kỹ thuật hàng hải và công nghiệp dóng tàu biển công nghệ cao; (6) Thiết bị đường sắt tân tiến; (7) Phương tiện tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng mới; (8) Vật liệu mới; (9) Công nghệ y sinh và thiết bị y tế chất lượng cao; (10) Máy móc và thiết bị nông nghiệp.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:
(i) Cần xây dựng cơ sở pháp lý thống nhất, đủ mạnh làm cơ sở để triển khai chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, trong đó tập trung vào công nghiệp nền tảng, công nghiệp chế biến chế tạo.
(ii) Cần thiết kế, xây dựng và tập trung nguồn lực thích đáng để thực thi có hiệu quả các chiến lược, chương trình cụ thể nhằm phát triển các ngành công nghiệp nền tảng mũi nhọn trong từng thời kỳ.
(iii) Đặt trọng tâm của các hoạt động phát triển công nghiệp quốc gia vào phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh về khoa học công nghệ.